Châu Phi có thực hiện được lộ trình 'im lặng tiếng súng vào năm 2020'?

Trong 6 năm kể từ khi chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” được đưa ra và với vỏn vẹn 3 lộ trình, không có gì ngạc nhiên khi châu Phi vẫn còn rất xa mới có thể khiến tiếng súng biến mất.
Châu Phi có thực hiện được lộ trình 'im lặng tiếng súng vào năm 2020'? ảnh 1Binh sỹ Somalia tuần tra tại khu vực Sanguuni, cách Mogadishu 450km về phía Nam. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng dailymaverick.co.za mới đây đăng bài viết của Peter Fabricius, tư vấn viên cao cấp của Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh (ISS) Nam Phi về thực trạng triển khai chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” tại châu Phi. Nội dung như sau:

Tầm nhìn chiến lược của “Lộ trình tổng thể về các bước thực tế để đạt mục tiêu 'im lặng tiếng súng vào năm 2020'” của Liên minh châu Phi (AU) thể hiện ở cả giá trị và những điểm hạn chế của lộ trình này.

Khi đưa ra các bước thực tế để hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng được thông qua vào năm 2013 này, AU coi chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” là một dự án trọng điểm của Chương trình nghị sự châu Phi 2063 - lộ trình tổng thể xác định toàn bộ các điểm hạn chế của châu lục vốn là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực tràn lan ở Lục địa Đen.

[Sudan: Đụng độ giữa các bộ lạc, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng]

Những điểm yếu này bao gồm bất bình đẳng, nghèo đói, hành vi phi dân chủ, vi phạm thô bạo nhân quyền, phổ biến vũ khí bất hợp pháp, sự mong manh của các quốc gia, tình trạng tham nhũng của chính phủ, dòng tài chính bất hợp pháp từ lục địa, tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, biến đổi khí hậu, thiếu hiệu quả trong thực thi nhiều hiệp ước và quyết định về những vấn đề trên, thất bại của Liên hợp quốc trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính đối với các nỗ lực gìn giữ hòa bình của riêng AU, cùng nhiều vấn đề khác...

Cơ chế tự phê bình của AU thường cứng rắn và không khoan nhượng, trong đó có việc chỉ ra nguyên nhân cố hữu làm nảy sinh nhiều xung đột khu vực là “sự thất bại của các phong trào giải phóng để chuyển đổi thành các đảng chính trị cầm quyền năng động, đủ khả năng hoạt động trong các xã hội dân chủ đa nguyên."

Lộ trình thực hiện chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” cũng làm dấy lên những lời chỉ trích đối với các nước thành viên và chính AU vì đã liên tục phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo sớm, rõ ràng về nguy cơ xung đột và bạo lực. Các dấu hiệu đó thường là những vi phạm lặp đi lặp lại về dân chủ và nhân quyền.

Lộ trình này mang tính trực diện và thậm chí cấp tiến trong các giải pháp đưa ra. Ít nhất, lộ trình này đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những thành viên AU thực hiện các hành vi phi dân chủ, kích động bạo lực.

Tuy nhiên, như ông Désiré Assogbavi của tổ chức phi chính phủ Oxfam đã chỉ ra năm 2017, lộ trình được AU thông qua quá chung chung và khó có thể đạt được trong vòng 3 năm kể từ thời điểm các phân tích được đưa ra.

Ông Assogbavi đề xuất AU cần tập trung vào các xung đột thảm khốc nhất, thiết lập các tiêu chuẩn và khung thời gian. Lộ trình này cũng nên xác định và giải quyết các xung đột tiềm năng dễ bùng phát nhất.

Đồng thời, AU cần chính thức thể chế hóa các cơ chế của tổ chức châu lục này đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn dành cho các quốc gia thành viên có hành vi vi hiến.

Hơn 2 năm sau khi khuyến nghị của ông Assogbavi được đưa ra, thực tế đã chứng minh tính chính xác trong đánh giá này của ông, nhưng các khuyến nghị đó vẫn không được thực hiện.

Chẳng hạn, các hành vi phi dân chủ vẫn không bị trừng phạt. Tháng 2/2019, một diễn biến bất thường đã xảy ra khi Guinea Xích đạo (ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2018-2019) đã đề xuất một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Liên hợp quốc và AU trong quá trình thực thi “im lặng tiếng súng vào năm 2020.”

Hành động của nước thành viên AU này được coi là thể chế có tính đàn áp cao, đã từng chứng kiến nhiều nguyên nhân cơ bản làm nảy sinh bạo lực mà lộ trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” đã xác định.

Tất nhiên, trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên của AU mất dân chủ nghiêm trọng, các nước này không thể chỉ trích hoặc trừng phạt những thành viên khác vì những sai sót tương tự. Và đó cũng chính là trở ngại lớn cho việc đạt được mục tiêu của chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020."

Trong 6 năm kể từ khi chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” được đưa ra và với vỏn vẹn 3 lộ trình, không có gì ngạc nhiên khi châu Phi vẫn còn rất xa mới có thể khiến tất cả hoặc thậm chí phần lớn tiếng súng biến mất.

Châu Phi đã đạt được một số thành công trong nỗ lực hòa bình, tuy nhiên, Chương trình Dữ liệu xung đột Uppsala - cơ quan giám sát toàn diện nhất về xung đột toàn cầu - cho thấy dù có một vài biến động, số người thiệt mạng vì bạo lực có tổ chức ở châu Phi năm 2018 hầu như không thay đổi so với năm 2013, cụ thể, năm 2013 là 15.455 trường hợp và năm 2018 là 15.003 trường hợp.

Theo các báo cáo của Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) thuộc ISS, AU vừa thông qua chủ đề hoạt động cho năm 2020 là “im lặng tiếng súng: tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi.”

Đây dường như là cú huých cuối cùng để hướng tới mục tiêu, nếu không thể im lặng tiếng súng, ít nhất cũng là giảm bớt tiếng súng vào ngày 31/12/2020.

Ngay cả khi trước đó cụm từ chính “đến năm 2020” đã lặng lẽ bị loại khỏi tiêu đề, cho thấy mục tiêu ban đầu không thể đạt được, hoặc có thể phản ánh đúng thực tế là tiếng súng sẽ không thể im lặng hoàn toàn vào năm tới.

Báo cáo PSC cho rằng chương trình “im lặng tiếng súng vào năm 2020” mang tính “tham vọng ngay từ đầu” và lộ trình thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn do khung thời gian ngắn.

Mặc dù vậy, báo cáo dự đoán rằng việc sử dụng cụm từ “lặng im tiếng súng” làm chủ đề sẽ “hối thúc các bên liên quan đánh giá chặt chẽ những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện lộ trình.”

Ngoài ra, PSC sẽ đánh giá những bài học này khi đưa ra một hành động mạnh mẽ hơn để đạt được hòa bình - sau năm 2020.

Báo cáo PSC lưu ý một số thành viên đã thiếu quyết tâm chính trị trong thực thi các quyết định của AU - nguyên nhân chính dẫn đến xung đột.

Báo cáo cũng cho rằng lộ trình thực hiện thiếu tính thực tế bởi kỳ vọng lớn đối với các thể chế của AU vốn chưa hoàn thiện về chức năng.

Nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là các quốc gia thành viên và cộng đồng kinh tế khu vực (RECs) cũng như AU và các cơ quan trực thuộc đều tự tài trợ cho tất cả các khuyến nghị đầy tham vọng của châu lục.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng Quỹ Hòa bình AU đã nhận được nguồn tài trợ từ các quốc gia thành viên ở mức cao hơn các thời kỳ trước, làm tăng hy vọng rằng AU có thể tài trợ cho việc thực thi nhiều hơn các hoạt động hòa bình và an ninh.

Suy cho cùng, điều duy nhất mà AU và các quốc gia thành viên trong phạm vi thẩm quyền và ngân sách cần làm là thực thi các giá trị dân chủ, nhân quyền, thượng tôn pháp luật và quản trị hiệu quả. Đó sẽ là nền tảng tốt để ít nhất có thể ngăn chặn những xung đột trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục