Châu Phi trước cơ hội khai thác tài nguyên khổng lồ ở đáy biển sâu

Nam Phi và các nước châu Phi khác đã bắt đầu nhận ra cơ hội và tìm kiếm biện pháp chia sẻ nguồn khoáng sản phong phú ở vùng biển sâu của thế giới.
(Nguồn: Reddit)
(Nguồn: Reddit)

Trang mạng msn.com ngày 20/5 có bài phân tích về hoạt động của Cơ quan quản lý đáy biển quốc tế (ISA) nhằm thúc đẩy các nước châu Phi tận dụng cơ hội để khai thác các nguồn tài nguyên ở đáy biển sâu, nội dung như sau:

Sau một thời gian trì hoãn, cuối cùng, Nam Phi cũng bắt đầu chuẩn bị chia sẻ vận may được mong đợi trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đã cho phép khai thác đáy biển sâu nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.

Với tư cách là một lục địa, châu Phi tương đối chậm hơn trong việc hiện thực hóa tiềm năng này khi "Lục địa đen" là châu lục duy nhất chưa đưa ra yêu sách đối với các khu vực thăm dò dưới đáy biển sâu thuộc quyền của cả cộng đồng quốc tế chứ không phải của từng quốc gia.

Các quốc gia và công ty thuộc các khu vực khác bao gồm Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển, chủ yếu là các quốc đảo Thái Bình Dương, đã được ISA cấp 29 giấy phép thăm dò tại các khu vực cụ thể. ISA là cơ quan duy nhất có thẩm quyển cấp phép đối với việc khai thác đáy biển quốc tế. Tuy nhiên, những nước được cấp phép cũng chỉ có thể bắt đầu thăm dò khi ISA hoàn tất đàm phán và thông qua tất cả các quy định cần thiết có liên quan.

Cuộc hội thảo do Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Nam Phi (DIRCO) phối hợp với Liên minh châu Phi (AU), ISA, Chính phủ Anh và Chính phủ Na Uy tổ chức từ ngày 16-18/5 cho thấy Nam Phi và các nước châu Phi khác đã bắt đầu nhận ra cơ hội và tìm kiếm biện pháp chia sẻ nguồn khoáng sản phong phú ở vùng biển sâu của thế giới.

Cuộc hội thảo này được tổ chức nhằm giúp Nam Phi và các nước châu Phi khác chuẩn bị cho việc phát triển bền vững các khoáng sản dưới đáy biển sâu nhằm hỗ trợ "nền kinh tế Xanh" châu Phi.

Phát biểu tại cuộc hội thảo trên, Tổng thư ký ISA Michael Lodge cho biết vùng đáy biển sâu, vốn thuộc sở hữu của cộng đồng quốc tế, hiện đang chứa các kho báu khoáng sản khổng lồ, lớn hơn lượng khoáng sản ở dưới lòng đất thuộc đất liền của Trái Đất.

Ông Lodge cho rằng bước đầu tiên quan trọng đối với châu Phi là tăng năng lực địa-vật lý để có thể tìm kiếm các nguồn khoáng sản ngầm giàu có. Vì vậy, điều quan trọng là các nước châu Phi cần xây dựng năng lực thăm dò để tiến hành các hoạt động thám hiểm biển sâu, hợp tác với các tổ chức khác có năng lực và dùng tàu thăm dò để thực hiện thăm dò cũng như nhận biết những nguồn tài nguyên hiện có.

Tổng thư ký Lodge cho rằng đó là trở ngại lớn nhất đối với châu lục này. Châu Phi nhận biết tương đối rõ về các nguồn tài nguyên châu lục hiện có trên đất liền và ở chừng mực nào đó là ở cả vùng biển nông.

Điều rất quan trọng đối với Nam Phi là nước này phải hiểu rõ những gì đang ẩn chứa ở thềm lục địa và khu vực xa hơn. Điều đó có nghĩa là quốc gia này cần xây dựng năng lực thăm dò ngay từ đầu, xây dựng năng lực địa-vật lý, đào tạo các nhà hải dương học và đảm bảo các trường đại học giảng dạy đúng những gì mà ngành khai thác biển sâu đòi hỏi.

Khi được hỏi liệu Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung có đang ở vị trí nguy hiểm khi tư vấn quá mức về vấn đề khai khoáng ở đáy biển sâu trong khi bị các nước giàu khoáng sản khác vượt trước hay không, Lumka Yengeni - Chủ tịch Hội đồng của ISA và cũng là đại diện của Nam Phi tại tổ chức này - cho rằng Nam Phi không thể đưa ra quyết định tham gia khai thác biển sâu trước khi tham vấn tất cả các bên liên quan về các cơ hội và thách thức.

Bà Yengeni - Đại sứ Nam Phi tại Jamaica, nơi đặt trụ sở Ban Thư ký ISA - cho rằng mối quan tâm lớn là cần phải đảm bảo rằng việc khai thác biển sâu được điều tiết hợp lý nhằm chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Bà Yengeni cho biết các khoáng sản trên đất liền của châu Phi đã bị "các cường quốc bên ngoài cướp bóc" và châu Phi hầu như không được lợi gì.

Vì vậy, bà hy vọng các cuộc tham vấn diễn ra trong các cuộc hội thảo tương tự sẽ giúp ISA ban hành bộ quy tắc về khai khoáng có thể điều chỉnh một cách đúng đắn việc khai khoáng ở khu vực biển sâu và tránh tình trạng "miễn phí cho tất cả." Ngoài ra, Nam Phi cũng cần xây dựng luật khai thác biển sâu để đảm bảo công bằng lợi ích.

Mathu Joyini - phó Cục trưởng thuộc DIRCO - cho rằng chính phủ các nước châu Phi đã đóng vai trò trong đàm phán vấn đề liên quan khi thông qua điều khoản công bằng cho các nước đang phát triển tại Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Ông Lodge khẳng định bất cứ khi nào một nước phát triển nộp đơn xin cấp giấy phép thăm dò biển sâu, nước đó phải đề xuất hai khoản giá trị thương mại tương đối cân bằng từ nguồn lợi phát hiện được. Sau đó, ISA sẽ trả lại một phần nguồn lợi cho chủ thể thăm dò và đánh dấu khu vực còn lại phát hiện được để phục vụ các nước đang phát triển.

Ông Lodge nói: "UNCLOS mang lại lợi ích to lớn đối với các nước đang phát triển vì họ có thể đề nghị lấy một trong những địa điểm đã được đầu tư hàng triệu USD." Các quốc gia đang phát triển ở Thái Bình Dương đã hợp tác với các công ty thăm dò để đăng ký một số địa điểm đánh dấu này.

Theo quan điểm của ông Lodge, thật đáng tiếc là hiện không có quốc gia hay nhóm quốc gia châu Phi nào tận dụng các điều khoản này. ISA đang tổ chức các cuộc hội thảo tương tự để khuyến khích nước hoặc nhóm nước châu Phi đăng ký thăm dò, khai thác các khu vực đã được đánh dấu.

Tuy nhiên, ông Lodge cũng khuyến cáo không nên đánh giá thấp những thách thức của việc khai thác biển sâu. Việc khai khoáng ở biển sâu 5.000m đòi hỏi đầu tư rất lớn vào công nghệ. Điểm đáng chú ý là đáy biển sâu chứa nhiều niken, coban, đồng và mangan hơn rất nhiều so với các mỏ khoáng sản này ở đất liền, nhiều đến mức có thể đáp ứng nhu cầu của nhân loại trong thời gian hàng trăm năm, nếu không muốn nói là hàng nghìn năm.

Trong bối cảnh thế giới có nhu cầu khổng lồ đối với các khoáng sản này nhằm phục vụ ngành năng lượng tái tạo và cuộc cách mạng đang diễn ra, sẽ đến lúc nhân loại với sự phát triển của công nghệ có thể khai thác được nguồn khoáng sản dồi dào này. Do đó, vấn đề đặt ra đối với ISA là cần đảm bảo rằng các tài nguyên này không chỉ dành riêng cho các nước có công nghệ tiên tiến và những sai lầm trong quá khứ không bị lặp lại. 

Mục đích của ISA và UNCLOS là đảm bảo việc khai thác khoáng sản biển sâu được thực hiện một cách công bằng nhưng vẫn còn một khoảng cách lớn về năng lực. Đây là lý do để ISA tổ chức các cuộc hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức cần thiết với tất cả các nước. Ngoài ra, mục đích của ISA và UNCLOS cũng đảm bảo các quốc gia như Nam Phi có thể tận dụng lợi thế của giai đoạn phát triển khoáng sản tiếp theo.

Ông Lodge đánh giá với lịch sử khai khoáng lâu đời, Nam Phi rất phù hợp để tận dụng lợi thế nhằm khai khoáng dưới đáy biển sâu. Ngoài việc đảm bảo sự khai thác đúng đắn và công bằng các nguồn khoáng sản dưới đáy biển sâu, ISA cũng cần đảm bảo khai thác biển sâu không gây hại cho môi trường biển.

Ông Lodge cho biết đến nay, khai thác biển sâu là trường hợp duy nhất cần xin phép ISA trước khi tiến hành khai thác. ISA đã bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1994, cùng thời điểm UNCLOS có hiệu lực cho dù UNCLOS đã được thông qua hồi năm 1982.

Cuộc hội thảo trên là hội thảo thứ hai trong chuỗi năm cuộc hội thảo do ISA dự định tổ chức tại mỗi khu vực thuộc châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục