Châu Phi với vấn đề quản lý hoạt động nhập khẩu vũ khí

Việc nhập khẩu thêm nhiều vũ khí vào một châu lục vốn đã tràn ngập vũ khí với nhiều cuộc xung đột vũ trang và sự bất ổn, sẽ tác động đến châu Phi như thế nào?
Châu Phi với vấn đề quản lý hoạt động nhập khẩu vũ khí ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: therichest.com)

Theo trang mạng polity.org.za vừa đăng bài phân tích của Hội đồng Hòa bình và An ninh thuộc Liên minh châu Phi (AU) về tình trạng nhập khẩu vũ khí vào châu Phi và Lộ trình “Im tiếng súng” đầy tham vọng của châu lục này.

Hình ảnh các quan chức châu Phi hồ hởi thử nghiệm và xem xét kỹ lưỡng các loại vũ khí tinh vi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất diễn ra từ 23-24/10 vừa qua tại Sochi (Nga) đã được lan truyền rộng rãi trên các trang trực tuyến. Dù các quốc gia có quyền mua vũ khí phục vụ mục đích quốc phòng, những bức ảnh này vẫn gây ra những quan ngại.

Ngành công nghiệp vũ khí: Lĩnh vực kinh doanh khổng lồ

Việc nhập khẩu thêm nhiều vũ khí vào một châu lục vốn đã tràn ngập vũ khí với nhiều cuộc xung đột vũ trang và sự bất ổn, sẽ tác động đối với châu Phi như thế nào?

Trong bối cảnh châu Phi đang cố gắng thực hiện Lộ trình “Im tiếng súng” vào năm 2020, những hình ảnh ở Sochi cũng đặt ra nghi vấn về những ưu tiên của châu lục. Liệu việc buôn bán vũ khí có nên đóng một vai trò quan trọng như vậy trong mối quan hệ của châu Phi với Nga và các đối tác toàn cầu khác hay không?

Rõ ràng, châu Phi cần hành động mang tầm châu lục lớn hơn nữa liên quan đến kiểm soát và quản lý vũ khí. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến ngân sách quốc phòng, đặc biệt việc các chính phủ quyết định mua vũ khí, cũng cần được minh bạch hóa.

[Nga tiếp tục cung cấp vũ khí cho Cộng hòa Trung Phi]

Trong lịch sử, cái gọi là tổ hợp công nghiệp quốc phòng, bao gồm các nhà thầu quân sự và nhà vận động hành lang vốn bị cáo buộc làm kéo dài các cuộc xung đột, được củng cố sức mạnh vào cuối thế kỷ 20 tại Mỹ và phương Tây nói chung.

Từ lâu, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng đã cung cấp vũ khí trên toàn thế giới, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Năm 1961, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã cảnh báo về sức mạnh ngày càng tăng của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và cho rằng thực thể này đang thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ và của công chúng.

Kể từ đó, Nga, Trung Quốc và các nước nhỏ hơn khác đã gia nhập danh sách các nhà sản xuất vũ khí tiên tiến trên thế giới. Ngành công nghiệp vũ khí là lĩnh vực kinh doanh khổng lồ.

Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi phí quân sự toàn cầu năm 2018 ước tính khoảng 1.822 tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm 60% (649 tỷ USD), tiếp theo là Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Pháp.

Năm 2018, chi tiêu quân sự của châu Phi ở mức khoảng 40,2 tỷ USD. Những con số này và số lượng vũ khí đang lưu hành có thể thấp hơn rất nhiều so với thực tế, bởi tình trạng buôn bán vũ khí bất hợp pháp đang diễn ra mạnh mẽ ở châu Phi - hoạt động vốn cũng nuôi dưỡng các mạng lưới tội phạm toàn cầu và khu vực.

Chi tiêu quốc phòng mang tính mâu thuẫn với tình trạng nghèo đói kéo dài ở nhiều quốc gia trên lục địa, trong khi những thách thức về an ninh ngày một gia tăng.

Ngoài ra, cũng cần tính đến thực tế là quân đội đóng vai trò trung tâm trong quan niệm về nhà nước hiện đại. Đây là lý do tại sao trên toàn cầu, quân đội được đặt dưới sự kiểm soát của các chính phủ dân sự.

Tuy nhiên, ở châu Phi, quyền lực thường đồng nghĩa với quân đội hoặc quân đội là nhân tố chủ yếu nhất - hay khả thi duy nhất - trên chính trường.

Xét trong bối cảnh tính chất “chủ nghĩa an ninh” đang thống trị, vốn tiếp cận an ninh từ quan điểm quân sự hoặc cảnh sát thuần túy, châu Phi đã phản ứng chưa phù hợp với những thách thức chính của châu lục.

Theo báo cáo của SIPRI, trong giai đoạn 2014-2018, các nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của lục địa bao gồm Nga, Trung Quốc, Ukraine, Đức và Pháp, trong khi những nước tiếp nhận hoặc mua vũ khí lớn nhất ở châu Phi là Ai Cập, Algeria và Morocco.

Lỗ hổng quản lý dẫn đến tâm lý lo ngại

Dù hầu hết vũ khí ở châu Phi được nhập khẩu, vẫn có 22 quốc gia trong châu lục sản xuất vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ. Những nước này bao gồm một số thành viên đương nhiệm của Hội đồng Hòa bình và An ninh (PSC) của Liên minh châu Phi (AU) như Algeria, Angola, Kenya, Morocco, Nigeria và Zimbabwe. Sản xuất vũ khí thủ công cũng phổ biến ở châu Phi và những loại vũ khí này là nguyên nhân gây ra tình trạng phạm tội ở nhiều quốc gia.

Sự phổ biến vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ là yếu tố chính gây nên tình trạng xung đột ở châu Phi. Nghiên cứu của Oxfam cho thấy ước khoảng 100 triệu vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ không được kiểm soát đang lưu hành tại châu lục này, chủ yếu tập trung ở các khu vực khủng hoảng. Những vũ khí đó gây ra xung đột và đẩy nhiều nước vào chu kỳ bạo lực kéo dài.

Ngoài ra, việc sản xuất các thiết bị quân sự ở châu Phi không phải lúc nào cũng do các công ty địa phương tiến hành, chẳng hạn các công ty Nam Phi sản xuất vũ khí ở Kenya, một công ty Nga ở Ai Cập, hay một công ty của Đức và công ty khác của UAE ở Algeria.

Vấn đề giám sát và minh bạch hóa trong quản lý các lực lượng vũ trang và an ninh cũng cần được xem xét, bao gồm các quyết định chiến lược về giá trị của những thương vụ mua bán vũ khí, hay ngân sách quốc phòng thường không cân xứng so với các lĩnh vực khác ở một số nước châu Phi.

Cũng phải kể đến vấn đề quản lý các kho vũ khí quốc gia, vốn có nguy cơ bị thay đổi và rơi vào tay các nhóm vũ trang hoặc những kẻ cướp. Những tên tội phạm này vốn được hưởng lợi từ việc buôn bán vũ khí và đôi khi từ tình trạng thất lạc vũ khí của các phái đoàn gìn giữ hòa bình.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của các căn cứ quân sự và binh sĩ nước ngoài tại châu lục cũng nằm ngoài sự giám sát của công chúng. Sự hiện diện và bản chất của các hoạt động của những thực thể này rất khó giám sát.

Các chính sách cải cách lĩnh vực an ninh nhằm mục tiêu dân chủ hóa các thể chế, nếu có, thường kém hiệu quả và không giải quyết được vấn đề giám sát các thực thể trên. Sự thiếu giám sát mang tính dân chủ đối với ngành an ninh có liên quan đến sự thiếu minh bạch trong quản trị nói chung ở nhiều quốc gia.

Điều này cơ bản giải thích được những phản ứng quyết liệt của công chúng đối với những bức ảnh về các quan chức châu Phi ngưỡng mộ vũ khí Nga tại Sochi vừa qua.

Châu Phi đang đối mặt với những thách thức kinh tế-xã hội to lớn mà việc mua sắm nhiều vũ khí hơn sẽ không thể giải quyết được tình hình.

Châu Phi có thể dễ dàng quản lý hoạt động mua vũ khí hợp pháp hơn là buôn bán bất hợp pháp vũ khí vào châu lục. Các quốc gia có thể quản lý việc mua vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ hợp pháp mà không làm ảnh hưởng đến các ưu tiên an ninh - quốc phòng của đất nước.

Trước tiên, cần đánh giá nhu cầu thực tế về các thương vụ vũ khí tiếp theo vốn rõ ràng gắn bó mật thiết với đòi hỏi dân chủ hóa việc quản lý các thể chế an ninh.

Trong bối cảnh đó, lệnh cấm xuất nhập khẩu và sản xuất vũ khí hạng nhẹ của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi đóng vai trò hình mẫu trong các sáng kiến mang tầm châu lục về những vấn đề liên quan và sẽ mang lại lợi ích cho chính châu Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục