Một loạt vụ cháy xe máy diễn ra từ đầu tháng Mười hai đang khiến nhiều người phát hoảng vì tần số xuất hiện ngày một chóng mặt. Người ta bắt đầu nói vui với nhau rằng, bây giờ ra khỏi nhà, người cẩn thận có khi phải mang theo cả bình chữa cháy vì chẳng biết lúc nào bị bén lửa. Nói là vậy nhưng rõ ràng, đang có không ít lo ngại về vật dụng tưởng như vô hại và vô cùng quen thuộc với mỗi người như chiếc xe máy. Đứng ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Lê Hồng Quân, Trưởng Khoa Công nghệ ôtô, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận định, hiện tượng cháy, nổ xe liên tiếp xảy ra trong thời gian qua có thể do chập điện. Ông Quân cũng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới chập điện. Tuy nhiên, nguyên nhân chính thường là sự kết hợp của hai yếu tố, đó là rò xăng và chất lượng dây diện trong xe kém. Về hiện tượng rò xăng, tiến sĩ Lê Hồng Quân đánh giá, đây không phải việc hiếm thấy ở xe máy, ôtô. Hầu như xe nào cũng có thể bị tình trạng này. Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông Quân cho rằng, dây điện ở nhiều xe không đạt tiêu chuẩn an toàn mới là nguyên nhân chính. Đây chính là tác nhân gây ra hiện tượng đánh tia lửa điện. Nói cụ thể hơn, ông Quân nhận định, để dây điện không gây ra tia lửa điện thì quan trọng nhất là vỏ dây. Vỏ dây sử dụng trong xe máy, ôtô bảo đảm bảo chất lượng thì phải có khả năng chịu được va đập và không bị xăng, dầu ăn mòn. Nhìn lại những vụ cháy xe, ông Quân cho rằng, nếu đây đều là xe chính hãng thì chất lượng dây điện sẽ đảm bảo. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng mà những phụ kiện tưởng như vô hại này không được chăm sóc bảo dưỡng thì việc hỏng hóc cũng khó tránh khỏi. Với kinh nghiệm của mình, ông Quân cũng chỉ ra, việc tuỳ tiện sửa xe ở nhiều hàng quán dọc đường trong khi đội ngũ thợ chẳng nơi nào giống nơi nào cũng khiến chiếc xe vô tình trở thành “quả bom nổ chậm.” “Chỉ cần vỏ dây điện bị nhão, tia lửa điện tiếp xúc với xăng hay thậm chí chỉ là hơi xăng, ngọn lửa ngay lập tức sẽ bùng lên. Việc cháy, nổ xe là khó tránh khỏi,” ông Quân nói. Chung quan điểm này, ông Đỗ Hữu Đức, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới cháy, nổ xe. Về phía Cục Đăng kiểm, do không có điều kiện tiếp cận với các xe bị cháy nên không thể tìm hiểu chính xác nguyên nhân cháy xe. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc sửa chữa xe có liên quan trực tiếp tới an toàn của chiếc xe máy cũng như người ngồi trên xe tham gia giao thông. Trong khi đó, ở nước ta, ai cũng có thể mở cửa hàng bảo dưỡng , sửa chữa ôtô, xe máy. Đây cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn dễ dẫn đến tai nạn, cháy nổ xe khi tham gia giao thông. Về việc giám sát với những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy, ông Đức cho hay, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận cho các kiểu, loại xe dựa trên chiếc xe mẫu đã được kiểm tra, thử nghiệm và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. “Sau khi được cấp Giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất được phép lắp, tự kiểm tra và cung cấp ra thị trường các xe cùng kiểu loại sản xuất hàng loạt và có trách nhiệm duy trì chất lượng sao cho các xe sản xuất hàng loạt đúng với xe mẫu đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận,” ông Đức cho biết. Tuy nhiên, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, trong suốt qua trình sử dụng, ở hầu hết các nước trên thế giới như EU, Mỹ, Nhật bản, Trung quốc, Singapore…, xe máy đều được quản lý chặt chẽ và kiểm tra an toàn kỹ thuật định kỳ bắt buộc. Còn ở Việt Nam, đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên việc kiểm tra kỹ thuật định kỳ chưa thể thực hiện được. “Có lẽ sau hàng loạt vụ cháy xe máy trong thời gian vừa qua chúng ta cũng cần suy nghĩ thêm về vấn đề này,” ông Đỗ Hữu Đức đặt ra câu hỏi./.
Trước đó, ngày 1/12, vụ tai nạn thương tâm do nổ xe máy đã khiến hai mẹ con chị Nguyễn Thị Quỳnh (Bắc Ninh) tử vong. Dư luận chưa hết bàng hoàng thì chiều ngày 9/12, nhiều người đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) đã bị một phen tá hoả khi chiếc xe tay ga Honda AirBlade do một nữ sinh điều khiển bỗng dưng đùng đùng bốc cháy. Hậu quả là, chỉ sau ít phút, chiếc xe đã trở thành một đống tro tàn, trơ khung sắt đen sì. Chưa dừng ở đó, vụ cháy xe SH xảy ra tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) ngày 12/12 cũng khiến giao thông khu vực này hỗn loạn vào thời điểm 11 giờ 30 phút trưa. Mới đây nhất, ngày 13/12, lại một kịch bản tương tự xảy ra khi chiếc xe máy đang lưu thông bình thường trên đường bỗng dưng bùng bùng bốc cháy. Chiếc xe xấu số lần này là một chiếc Attila Elizabeth. |
Xuân Dũng (Vietnam+)