Internet ở Triều Tiên

“CHDCND Triều Tiên không phải là 1 sa mạc Internet”

Nhiều người lấy làm lạ về động cơ thăm Triều Tiên của Chủ tịch Google Schmidt, bởi quốc gia này xa lạ với cách mạng thông tin.
Người ủng hộ nhiệt thành nhất cho tự do internet làm gì ở quốc gia kiểm soát thông tin ngặt nghèo nhất thế giới? Đó là câu hỏi đặt ra cho Chủ tịch Google Eric Schmidt trong chuyến thăm với tư cách cá nhân của ông tới CHDCND Triều Tiên. Với phần đông 24 triệu dân Triều Tiên, cuộc cách mạng thông tin toàn cầu coi như chưa bao giờ diễn ra, nhất là những gì đến từ thế giới bên ngoài. Ở nước này, ngay cả các máy thu thanh cũng chỉ bắt được những đài nhà nước, nên việc lướt mạng, với hầu hết mọi người, là điều cực kỳ xa lạ. Thế nên không ngạc nhiên khi nhiều người lấy làm lạ về những động cơ của Schmidt trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông. Ông là một nhân vật trong “đoàn đại biểu tư nhân với mục đích nhân đạo” do cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson dẫn đầu tới Triều Tiên để giải cứu một công dân Mỹ đang bị giam giữ ở đây chờ truy tố vì các tội hình sự. Nhưng truyền thông nhà nước của Triều Tiên lại đưa tin khác về tư cách của đoàn. “Đoàn đại biểu của công ty Google Mỹ đã tới” là dòng tít của hãng tin nhà nước KCNA ngày 7/1. [Triều Tiên thông báo chuyến thăm của "đoàn Mỹ"] Tuy bị kiểm duyệt ngặt nghèo, Triều Tiên không phải là một sa mạc internet. Điện thoại di động bắt đầu được sử dụng từ năm 2008 thông qua một liên doanh với công ty Ai Cập Orascom. Mạng nội bộ cũng đã được sử dụng từ năm 2002 và một số cơ quan nhà nước cũng có các trang web. Đó là sự phát triển bình thường với bất cứ quốc gia còn khó khăn nào cần đầu tư nước ngoài, nhưng ở Triều Tiên kinh tế còn gắn liền với chính trị. Vì vậy, một triệu thuê bao đăng ký của hãng duy nhất cung cấp dịch vụ điện thoại di động, Koryolink, có thể gọi cho nhau, nhưng không thể gọi ra nước ngoài. Mạng nội bộ thì không có kết nối gì với thế giới, giới hạn trong việc truyền tải những thông tin do nhà nước quản lý. Tiếp cận đầy đủ với internet là điều xa xỉ chỉ có với những nhân vật ở cấp cao nhất, tức là khoảng vài trăm người, hay tối đa là 1.000. Với 95% dân số, tất cả những điều kể trên không tồn tại.
“CHDCND Triều Tiên không phải là 1 sa mạc Internet” ảnh 1
Chủ tịch Google Eric Schmidt (trái), cựu thống đốc bang New Mexico Bill Richardson tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phát (Nguồn: AFP)
Dẫu vậy, những nhà phân tích như chuyên gia về Triều Tiên Scott Bruce tin rằng việc mở rộng tiếp cận thông tin lên 5% dân số đã là một bước tiến lớn và quan trọng. “Triều Tiên đã có sự chuyển biến cơ bản từ một đất nước với tiếp cận thông tin hạn chế để đảm bảo sự an toàn của chế độ thành một quốc gia sẵn lòng sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ, ít ra là ở tầng lớp tinh túy, để hỗ trợ sự phát triển của đất nước,” Bruce viết trong một bài phân tích chính sách mới đây ở Trung tâm Đông-Tây có trụ sở tại Hawaii. Điều này, theo Bruce, mở ra lựa chọn chính sách mới cho Mỹ, khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực công nghệ thông tin ở Triều Tiên để tạo ra sự thay đổi trong dài hạn. Cho tới giờ Washington tỏ ra không mấy sẵn sàng và đã bày tỏ lo ngại về chuyến đi của Richardson và Schmidt. “Google ở trong một tình trạng khó xử và có thể đối mặt với những chỉ trích nghiêm trọng vì những nỗ lực ở lại Trung Quốc đánh đổi bằng việc chấp nhận để chính quyền kiểm duyệt thông tin,” Stephen Haggard, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện kinh tế quốc tế Peterson, bình luận về chuyến đi.
“CHDCND Triều Tiên không phải là 1 sa mạc Internet” ảnh 2
Một phụ nữ Triều Tiên mặc đồ truyền thống gọi điện thoại tại Bình Nhưỡng (Nguồn: AFP)
Với tất cả những thay đổi gần đây, thông tin ở Triều Tiên vẫn bị kiểm duyệt gắt gao. Các điện thoại di động buôn lậu từ Trung Quốc cho phép người dân liên lạc qua biên giới và thực hiện các cuộc gọi quốc tế, trong khi các ti-vi chảo, đầu DVD, MP3, ổ cứng, tất cả đều buôn lậu, giúp người dân có thể xem phim truyền hình dài tập Hàn Quốc, dù chỉ ở mức độ từ cá nhân sang cá nhân. “Người dân Triều Tiên hiện đang biết về thế giới bên ngoài nhiều hơn bất cứ lúc nào kể từ khi thành lập đất nước,” một nghiên cứu mới đây của nhóm tư vấn Intermedia nói. “Dù chính quyền có thể và có lẽ sẽ tiếp tục hạn chế thông tin, có vẻ như điều đó là không thể”./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục