Che: Giản dị mà vĩ đại

“Chuyện của Che”: Viết về sự vĩ đại từ điều giản dị

Những câu chuyện được minh họa với hình ảnh tư liệu cho người đọc thấy một Che Guevara vĩ đại qua những điều vô cùng bình dị.
“Cả thế giới biết đến anh với cái tên Che… Anh nói: ‘Đối với tôi, cái tên Che thể hiện khía cạnh cốt yếu nhất, khía cạnh mà tôi thích nhất về cuộc đời mình.’ (…) Lúc đó, cái tên “Che” được sử dụng ở khắp Mỹ Latinh để chỉ những người Argentina. Đó là một từ mà chúng tôi thường chêm vào khi trò chuyện. Ngày nay, rõ ràng từ đó đã trở thành của riêng của Guevara, nhưng nó nhắc nhở chúng ta một khía cạnh quan trọng và thường xuyên bị lãng quên của cuộc đời anh: Anh là một người Argentina.”

[Công bố thêm tư liệu mới về anh hùng Che Guevara]

Nữ tác giả Lucía Álvarez de Toledo đã viết như vậy về người anh hùng giải phóng các dân tộc Mỹ Latinh Che Guevara trong cuốn sách “Chuyện của Che.”

Ở đó, Lucía Álvarez de Toledo lần theo hành trình lạ lùng của Che Guevara từ khi ông chào đời ở Rosario, trải qua những năm tháng đầu đời trong đồn điền Maté cùng cha mẹ ở Misiones cho đến khi trở thành trái tim của chính quyền mới của nhà lãnh đạo Fidel Castro ở Cuba.

Nói khác đi, tác giả của cuốn tiểu sử về người anh hùng Che Guevara đã dựng lại quá trình một sinh viên y khoa duy tâm, trở thành một lãnh đạo cách mạng tài danh mà những lời nói và hành động của ông đã gây chấn động khắp một châu lục.

Những câu chuyện về nhà lãnh đạo này được minh họa bằng nhiều hình ảnh tư liệu quý báu, giúp người đọc hình dung về một nhân vật Che Guevara vĩ đại trong những điều vô cùng bình dị, chứ không phải là về Che Guevara-một thần tượng của số đông.

Ví dụ, khi miêu tả về Che Guevara với chiếc mũ bê-rê, tác giả viết: “Chiếc mũ bê-rê đen mà Che đội ở Sierra là một phần của bộ đồng phục và diện mạo của anh nay đã trở thành biểu tượng phổ biến của sự nổi loạn được các ngôi sao nhạc pop và thậm chí là cả công nương Diana trong tranh biếm họa đội, trông rất sành điệu. Tuy nhiên, ở Argentina, nó có ý nghĩa cụ thể hơn bởi loại mũ đó đến cùng những người dân nhập cư từ xứ Basque ở Tây Ban Nha và là đặc trưng của những người lao công hoặc những người làm thuê tầng lớp thấp ở các nông trại thời ông còn nhỏ.”

Tác giả của cuốn sách-Lucía Álvarez de Toledo- cũng có xuất thân tương tự Che Guevara: Sinh ra và lớn lên tại Buenos Aires. Khi trở thành một nhà báo, bà luôn theo sát sự nghiệp chính trị sáng chói của Che Guevara. Do đó, bà có khả năng đặt ông vào bối cảnh mà không nhiều người viết tiểu sử của Che Guevara có thể làm được; từ đó, làm nổi bật những khía cạnh chưa được đề cập đến về cuộc đời nhà cách mạng Che Guevara.

“Khi tôi bắt tay vào dự án này, tôi có lợi thế là đã biết một số người mà ông lớn lên cùng. Việc tôi nói tiếng Tây Ban Nha với giọng Buenos Aires đặc trưng có lẽ khiến những người không biết tôi chấp nhận rằng tôi không hoàn toàn là người ngoài. Tôi đang nghiên cứu Che bởi vì anh là một phần của di sản của tôi, lịch sử của cả lục địa của tôi,” tác giả của cuốn sách chia sẻ.

Bản dịch tiếng Việt cuốn “Chuyện của Che” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành vào tháng 8/2013./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục