Chen chúc giữa một "rừng" phương tiện, BRT có giữ được "phong độ"?

Tình trạng người tham gia giao thông ào ào vượt đèn đỏ, lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh khiến BRT gần như không còn khoảng trống nào để xoay sở, chật vật giữa một "rừng" phương tiện.
Chen chúc giữa một "rừng" phương tiện, BRT có giữ được "phong độ"? ảnh 1(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Sự xuất hiện của buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua không chỉ "nóng" trên các phương tiện thông tin đại chúng mà lan tỏa khắp các tuyến đường nó chạy qua vào các giờ cao điểm. Việc BRT được bố trí làn đường dành riêng đã ghi dấu ấn trong lòng người dân Thủ đô ngay sau gần nửa tháng đi vào khai thác.

Tuy nhiên, liệu xe buýt nhanh có duy trì được "phong độ" khi tình trạng ùn tắc giao thông khó kiểm soát vẫn diễn ra ở Thủ đô?.

Trong sáng 10/1, trên trục đường Lê Văn Lương-Tố Hữu, người tham gia giao thông đã chứng kiến cảnh xe buýt nhanh BRT xếp hàng dài, khó dịch chuyển bởi tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra ở đây. Người tham gia giao thông mạnh ai nấy đi, chen lấn, chiếm cả làn đường của BRT bất chấp sự có mặt phân luồng, điều tiết giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động.

Xe máy, ôtô đua nhau nối hàng trên làn đường của xe buýt BRT suốt dọc trục đường, hướng từ Hà Đông đi Lê Văn Lương, đoạn ngã tư Trung Văn-Tố Hữu, ngã ba Vũ Hữu-Tố Hữu. Còn chiều ngược lại, những chiếc xe buýt BRT sát nhau nhích từng mét tại khu vực ngã tư Lê Văn Lương-Hoàng Minh Giám.

Đoạn đường chỉ khoảng 1km từ ngã tư Lê Văn Lương-Hoàng Đạo Thúy đến ngã ba Trung Văn-Tố Hữu mà có tới 6, 7 chiếc xe buýt nhanh BRT chật vật chen chúc trong đám đông phương tiện. Tình trạng người tham gia giao thông bất chấp sự nhắc nhở của cảnh sát giao thông ào ào vượt đèn đỏ, lấn làn, tạt đầu xe buýt nhanh khiến BRT gần như không còn khoảng trống nào để xoay sở, chật vật giữa một "rừng" phương tiện.

"Ưu thế vượt trội của BRT là đường dành riêng, nếu không đảm bảo được tiêu chí này thì BRT khó đảm bảo được mục tiêu đề ra," một lãnh đạo Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã cho biết như vậy sau gần nửa tháng BRT đi vào hoạt động.

Để khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, trước đây thành phố Hà Nội cũng đã bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Nguyễn Trãi. Tuy nhiên, sau đó làn đường dành riêng này cũng không còn tồn tại mà trở thành đường chung cho mọi loại phương tiện, tiêu chí ban đầu bị phá vỡ. Tiêu chí BRT đề ra là vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh cũng sẽ khó trở thành hiện thực nếu đường dành riêng cho BRT chung cảnh ngộ.

Theo Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Đăng Hải, thời gian này lực lượng chức năng mới chỉ hướng dẫn, điều tiết giao thông trên tuyến BRT chạy qua. Áp lực giao thông những ngày cuối năm trên tuyến này lớn, vào những giờ cao điểm, người tham gia giao thông tùy tiện lấn làn BRT mới chỉ bị nhắc nhở. Nhưng qua Tết Nguyên đán 2017, lực lượng chức năng sẽ xử lý lỗi lấn làn của buýt nhanh BRT. Tình trạng lấn làn BRT tiếp tục kéo dài sẽ hạn chế hiệu quả hoạt động của xe buýt nhanh BRT.

Không thể phủ nhận những tính năng ưu việt của buýt nhanh BRT khi đưa vào vận hành. Xe được trang bị một số tính năng tiên tiến như cảm biến cửa tự động đồng bộ với nhà chờ. Hệ thống đai nịt được lắp đặt ngay chính giữa xe để cố định xe lăn cho người khuyết tật. Camera độ nét cao được lắp đặt để lái xe dễ quan sát hành khách... Đặc biệt, BRT được trang bị hệ thống nâng đỡ tự động. Khi sàn xe và sàn nhà chờ chênh lệch độ cao, lái xe có thể nâng hoặc hạ sàn xe sao cho ngang bằng với nhà chờ chỉ bằng một nút bấm.

Trên xe được lắp đặt bảng điển từ thông báo tuyến đường xe chạy, kết hợp với loa thông báo. Nội dung hiển thị và phát trên loa tự khởi động nhờ hệ thống giám sát hành trình. Trên lộ trình, đèn tín hiệu ưu tiên dành riêng cho xe buýt nhanh BRT được lắp đặt ở một số điểm giao cắt. Khi xe buýt BRT đến gần, đèn tín hiệu sẽ bật sáng để cảnh báo đường ưu tiên cho xe buýt nhanh đi qua.

Để khuyến khích, hành khách đi xe buýt BRT sẽ được hoàn toàn miễn phí trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Giá vé cho toàn tuyến sau khi xe được đưa vào khai thác phục vụ hành khách dự kiến là 9.000 đồng/lượt.

Với những ưu tiên trên, buýt nhanh BRT đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị phần dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật, việc số hành khách sử dụng buýt nhanh BRT tăng nhanh, chỉ trong 3 ngày đầu đã có trên 30.000 lượt hành khách sử dụng xe buýt BRT là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó cho thấy buýt BRT đang dần được hành khách đón nhận, ủng hộ.

Chen chúc giữa một "rừng" phương tiện, BRT có giữ được "phong độ"? ảnh 2(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Khi đưa BRT vào vận hành ở Hà Nội, các chuyên gia hy vọng với lợi thế vượt trội về khối lượng vận chuyển lớn 30.000-40.000 hành khách/ngày; làn đường biệt lập, được ưu tiên tại các nút giao cắt. Sự vượt trội cả về năng lực, thời gian vận hành, chi phí lẫn tính tiện lợi của xe buýt BRT sẽ khiến một bộ phận lớn người dân từ bỏ các phương tiện cá nhân, áp lực giao thông cũng nhờ đó mà giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, với những thực tế đang diễn ra khi đưa tuyến BRT đầu tiên của cả nước vào vận hành ở Thủ đô, để BRT đạt được các tiêu chí trên là cả một cuộc chiến lâu dài giữa BRT và các phương tiện giao thông cá nhân. Một số ý kiến cho rằng đây là cuộc chiến không cân sức khi mà ý thức tham gia giao thông còn kém, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng và sẽ rất khó để có một làn đường riêng thực sự cho xe buýt BRT.

Hiện nay, BRT đang giai đoạn hoạt động thử nghiệm và tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Với thực trạng giao thông như những ngày cuối năm này, nếu không có sự ủng hộ thiết thực của người dân thì kế hoạch vận hành có chi tiết, khoa học đến đâu, xe buýt BRT cũng sẽ khó đáp ứng được kỳ vọng về thời gian, khối lượng vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như giảm áp lực cho hạ tầng giao thông Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục