Chi 100 tỷ đồng phòng trị nhiễm bệnh chổi rồng trên cây nhãn

Các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ đã chi 100 tỷ đồng để chống bệnh chổi rồng trên cây nhãn.
Chi 100 tỷ đồng phòng trị nhiễm bệnh chổi rồng trên cây nhãn ảnh 1Nhãn nhiễm bệnh chổi rồng. (Nguồn: travinh.gov.vn)

Ngành nông nghiệp các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ chi 100 tỷ đồng để cứu 15.500ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng, làm giảm năng suất từ 70-90%.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết, việc cứu nhãn được thực hiện bằng ba biện pháp: canh tác, cơ học và hóa học. Trong biện pháp canh tác, ngành bảo vệ thực vật các tỉnh nói trên cần hướng dẫn nông dân tưới phun nước với áp lực cao trên tán cây, bón phân cân đối, tránh bón nhiều phân đạm làm lá phát triển nhiều tạo điều kiện tốt cho nhện lông nhung (tác nhân gây bệnh) phát triển.

Đối với biện pháp cơ học, bà con cắt tỉa cành nhiễm sau thu hoạch, thường xuyên tỉa tiêu hủy chồi nhiễm bệnh chổi rồng, ngăn không cho các hộ nuôi ong mật di nhập đàn ong từ địa phương khác về nuôi trong các vườn nhãn. Bởi ong là tác nhân làm phát tán loài nhện lông nhung, môi giới truyền virus gây bệnh chổi rồng trên nhãn.

Về biện pháp hóa học, nông dân thực hiện phun thuốc trừ nhện lông nhung bằng thuốc đặc trị Cypermethrin hoặc Diafenthiuron pha với dầu khoáng DC Tron Plus hoặc SK Enspray 99.

Tại Đồng Tháp, Sóc Trăng, Cần Thơ, năm 2012 nông dân đã có kinh nghiệm chữa bệnh chổi rồng trên cây nhãn, đã cứu được 16.000/29.000ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhờ nông dân áp dụng đúng các biện pháp ngành hướng dẫn cây nhãn bị bệnh đã phục hồi trên 60%.

Tại Sóc Trăng, trong quá trình xử lý nhãn ra hoa, nông dân không sử dụng chất Chlorate kali, mà chỉ thực hiện khoanh gốc. Phương pháp này đã mang lại hiệu quả cao với tỷ lệ tái nhiễm bệnh chổi rồng chỉ từ 2-5%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, nông dân không đốn bỏ nhãn mà áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon trên gốc nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh.

Từng nhóm nông dân cùng nhau tỉa cành trên từng vườn theo kiểu cuốn chiếu, không bỏ sót cây bệnh trong vườn nhãn, đồng thời phun xịt thuốc trừ nhện đồng loạt, triệt để theo đúng quy trình do Cục Bảo vệ Thực vật khuyến cáo.

Sau khi cắt tỉa, người dân thu gom tiêu hủy hoặc phun thuốc trừ nhện lên đống lá đã cắt. Sau mỗi lần phun thuốc, bà con bón phân cho cây ra lá đồng loạt và tiếp tục phun ngay khi lá non vừa nhú 1cm. Nếu có một số cành, lá mới ra tiếp tục bị nhiễm, bà con cắt bỏ triệt để vì mầm bệnh và nhện còn tồn tại. Những khu vườn trồng nhãn xen với chôm chôm thì phun thuốc trừ nhện cho cả cây chôm chôm, để phòng tái nhiễm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục