Chỉ 1/3 doanh nghiệp dịch vụ CNTT hoạt động thực

Hiện nay, ước tính chỉ khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam thực sự hoạt động.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam vào khoảng 10.000 doanh nghiệp, nhưng ước tính chỉ khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp thực sự hoạt động.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã đánh giá như vậy ở Hội thảo "Chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam", tổ chức ngày 30/6 tại Hà Nội.

Theo ông Đường, số lượng doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin nhiều nhưng chưa có doanh nghiệp lớn chuyên sâu về một số loại hình dịch vụ nhất định. Ngoài ra, một số các loại hình dịch vụ phát triển tự phát không mang tính hệ thống như tư vấn công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm máy tính.

Tình hình đầu tư của các doanh nghiệp vẫn còn thấp, có qui mô nhỏ, chủ yếu là vốn tự có; việc huy động vốn qua các kênh như ngân hàng, cổ phần... còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Đối ngoại Công ty VinaGame, ước tính doanh thu từ dịch vụ nội dung số tại Việt Nam năm 2009 khoảng 2.500 tỷ đồng, với việc cung cấp các dịch vụ như báo điện tử, email, chat, diễn đàn, tìm kiếm thông tin, game online, blog, nghe nhạc, xem phim, mạng xã hội, xem và chia sẻ video-ảnh, mua bán và học tập trực tuyến.

Song, thực tế cho thấy thị trường Việt Nam đang có sự thống trị về mặt nội dung từ nước ngoài (hai website của google và yahoo chiếm 99% hoạt động dùng internet tại Việt Nam), trong khi đó, khả năng tạo ra nội dung của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng cần thiết lập hành lang pháp lý công bằng và bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; đồng thời, quy hoạch ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam nhằm tạo ra những đơn vị tiên phong đủ mạnh để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước giai đoạn từ nay đến 2014.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước cũng đã bước đầu phát triển với hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tương đối tốt: từ 0,5 - 0,7 máy tính/người; trên 55% số máy tính có kết nối internet băng rộng. Các ứng dụng chủ yếu là quản lý văn bản, phần mềm văn phòng, kế toán, chuyên ngành, thư điện tử nội bộ.

Một số cơ quan đã có trang web riêng, cung cấp các thông tin cho người dân và doanh nghiệp nhưng đa số dừng lại ở mức cung cấp một chiều. Khi hệ thống mạng có sự cố thì thời gian khắc phục còn chậm, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục