Chi 250 triệu USD cho bảo tồn Angkor trong 10 năm

Chỉ trong 10 năm qua, đã có 250 triệu USD được sử dụng trong các dự án sửa chữa và bảo tồn các ngôi đền cổ trong quần thể Angkor.
Chi 250 triệu USD cho bảo tồn Angkor trong 10 năm ảnh 1Hoạt động bảo tồn, sửa chữa Angkor Wat được triển khai ngay cả khi đón du khách. (Ảnh: Xuân Khu/Vietnam+)

Ngày 5/12, tại Siem Reap, Campuchia (cách Phnom Penh 350km về phía Tây Bắc), Chính phủ Campuchia và Ủy ban Điều phối Quốc tế bảo vệ và phát triển khu vực lịch sử Angkor (ICC) đã tổ chức Hội nghị liên chính phủ lần thứ 3, nhằm tổng kết hoạt động bảo trì, tôn tạo và phát triển khu quần thể đền Angkor kể từ khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992.

Tham dự Hội nghị liên chính phủ (được tổ chức 10 năm một lần) lần này có bà Aurelie Filippetti, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Pháp; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasumasa Nagamine và ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO cùng các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ, bảo tồn và phát triển di sản của nhiều tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen tham dự phiên khai mạc và có bài diễn văn chào mừng Hội nghị, trong đó kêu gọi các chuyên gia cam kết thực hiện các kế hoạch bảo vệ, bảo tồn khu Angkor với Ủy ban Apsara của Campuchia.

Ông Hun Sen cũng đề nghị Hội nghị bàn thảo sâu rộng vào việc nghiên cứu đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý di sản văn hóa với chiến lược xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, nhằm tạo dựng nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết cho đến nay đã và đang có khoảng 60 dự án tôn tạo các ngôi đền cổ trong khu Angkor được triển khai với sự tham gia, hỗ trợ của 16 quốc gia và 28 tổ chức quốc tế.

Chỉ tính trong 10 năm qua, đã có 250 triệu USD được sử dụng trong các dự án sửa chữa và bảo tồn các ngôi đền cổ trong quần thể Angkor.

Tổng kết 20 năm qua cho thấy Campuchia đã và đang làm tốt công tác gìn giữ bảo vệ, sửa chữa, bảo tồn và phát triển khu phức hợp đền cổ Angkor. Hiện nay, bên cạnh các dự án bản tồn, sửa chữa các ngôi đền cổ trong khu quần thể Angkor, Ủy ban Apsara Campuchia đang phối hợp cùng một số chính phủ cấp viện triển khai dự án xây dựng vành đai xanh quanh khu đền cổ và dự án phát triển cộng đồng cho dân cư nằm trong khu vực Angkor.

Khu đền cổ Angkor được xây dựng từ thế kỷ thứ 9-12, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào tháng 12/1992 và cũng ngay trong năm khu đền cổ này được đưa vào Danh sách các di sản Thế giới bị đe dọa.

Năm 1993, Ủy ban Điều phối Quốc tế về Bảo vệ và Phát triển khu vực lịch sử Angkor (ICC - Angkor ) đã được thành lập nhằm ngăn chặn sự hư hại, xuống cấp của Angkor.

Chi 250 triệu USD cho bảo tồn Angkor trong 10 năm ảnh 2Đền Bayon trong khu quần thể Angkor bị hư hại nặng do thời gian và sự ảnh hưởng trong quá trình khai thác du lịch. (Ảnh: Xuân Khu/Vietnam+)

Tới năm 2004, Angkor được đưa ra khỏi danh sách Di sản Thế giới bị nguy hiểm, nhờ những nỗ lực của chính phủ Campuchia và các tổ chức tài trợ nước ngoài trong việc triển khai các dự án bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo sửa chữa và phát triển khu Angkor.

Hiện nay khu đền cổ Angkor là địa điểm thu hút du khách nước ngoài chủ yếu của Campuchia với 2-2,5 triệu lượt du khách nước ngoài/năm. Riêng trong năm 2012, khoảng 60% trong tổng số ngành 3,5 triệu du khách quốc tế đã đến Xiêm Riệp, thăm quan khu đền cổ Angkor.

Hội nghị liên chính phủ về bảo vệ, bảo tồn và phát triển khu quần thể đền cổ Angkor lần thứ nhất được tổ chức tại Paris, Pháp năm 1993 và Hội nghị lần thứ 2 được tổ chức năm 2003 tại Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục