Chỉ có 47% cử tri Libya tham gia bỏ phiếu bầu cử quốc hội

Theo Ủy ban bầu cử Libya, ngay sát giờ các điểm bỏ phiếu đóng cửa cuối ngày 25/6, chỉ có 47% cử tri Libya tham gia bỏ phiếu bầu cử quốc hội.
Chỉ có 47% cử tri Libya tham gia bỏ phiếu bầu cử quốc hội ảnh 1Các cử tri bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở thủ đô Tripoli ngày 25/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Ủy ban bầu cử Libya, ngay sát giờ các điểm bỏ phiếu đóng cửa cuối ngày 25/6, chỉ có 47% cử tri Libya tham gia cuộc bầu cử quốc hội.

Cụ thể, tính đến 18 giờ (theo giờ địa phương), chỉ có hơn 630.000 người bỏ phiếu trong khoảng 1,5 triệu cử tri đã đăng ký đi bầu. Con số đăng ký này vốn đã thấp hơn rất nhiều so với cuộc bầu cử năm 2012 - cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên ở Libya trong vòng 40 năm, với 2,8 triệu cử tri đăng ký.

Cuộc bầu cử lần này được xem là sự kiện trọng đại quyết định tương lai của Libya và được kỳ vọng có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài kể từ khi nhà lãnh đạo M.Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Tuy nhiên ở khu vực Đông Nam Libya, nơi thường xuyên xảy ra xung đột giữa các bộ lạc và tại thành phố lớn Sabha ở miền Nam, một số điểm bỏ phiếu phải đóng cửa vì lý do an ninh.

Chủ tịch Ủy ban bầu cử Libya Emad Al-Sayeh cho biết việc này sẽ khiến 15/200 ghế trong quốc hội vẫn bị bỏ trống. Ngoài ra, ủy ban này đã buộc phải đóng 18 điểm bầu cử tại thị trấn Al-Jemil ở miền Tây sau khi 5 điểm trong số đó bị các tay súng tấn công và cướp hòm phiếu.

Tại thành phố Benghazi ở miền Đông Bắc, các điểm bỏ phiếu vẫn được mở bất chấp xung đột giữa các tay súng Hồi giáo và lực lượng an ninh. Một quan chức cho biết các tay súng đã nã đạn vào một trụ sở an ninh địa phương, làm ít nhất 7 binh sỹ bảo vệ bầu cử thiệt mạng và 53 người bị thương.

Mặt khác, nhiều người dân Libya lo ngại kết quả cuộc bầu cử lần này sẽ chỉ là một quốc hội lâm thời tiếp theo. Trước đó, Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC - Quốc hội lâm thời Libya) đã vấp phải chỉ trích kịch liệt do đề xuất kéo dài nhiệm kỳ tới tháng 12 tới, trong khi chính phủ bị cáo buộc tham nhũng và không mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp.

Ngày 9/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Libya đã ra phán quyết việc ông Ahmed Miitig được bầu làm thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu của GNC hồi đầu tháng Năm vừa qua là “vi hiến.” Ngoài ra, việc ủy ban soạn thảo hiến pháp mới vẫn chưa hoàn tất nhiệm vụ đã gây hoài nghi về thể chế chính trị mà Libya sẽ lựa chọn.

Không có chính phủ và quốc hội hoạt động hiệu quả, Libya hiện phải chật vật đối phó với các nhóm vũ trang và các tay súng bộ lạc. Trong khi đó, các cuộc biểu tình ở các mỏ dầu và hải cảng đã làm suy giảm sản xuất dầu mỏ, huyết mạch của kinh tế Libya, dẫn tới khủng hoảng ngân sách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục