'Chỉ có chính chúng ta mới bảo vệ được mình trước COVID-19'

Thủ tướng Malaysia đã đưa ra lời kêu gọi như vậy trong bối cảnh nước này bắt đầu tái áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) trên toàn quốc trong vòng 3 tuần.
'Chỉ có chính chúng ta mới bảo vệ được mình trước COVID-19' ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/5, chính phủ Malaysia bắt đầu tái áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) trên toàn quốc trong vòng 3 tuần.

Đây là lần thứ ba quốc gia Đông Nam Á này buộc phải sử dụng biện pháp “mạnh tay” để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Kết thúc cuộc họp đặc biệt về kiểm soát COVID-19 của Hội đồng an ninh quốc gia do Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin là chủ tịch, ông Muhyiddin nhấn mạnh Malaysia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba mà có thể bùng lên và gây ra một cuộc khủng hoảng quốc gia. Những biến thể của virus SARS-CoV-2 trong làn sóng thứ ba này vô cùng nguy hiểm.

Đáng lưu ý, các biến thể này đã xuất hiện trong cộng đồng nhưng cơ quan chức năng Malaysia không thể truy vết nguồn gốc.

Do đó, ông kêu gọi: “Chỉ có chính chúng ta mới bảo vệ được mình trước COVID-19. Virus SARS-CoV-2 sẽ suy yếu và bị đánh bại nếu chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội, điều này không khó để thực hiện."

[Malaysia ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc vì dịch COVID-19]

Trong 3 tuần áp đặt MCO, tất cả các cơ sở giáo dục phải đóng cửa. Tất cả nhà trẻ, mẫu giáo được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP).

Số người trên ôtô riêng hoặc taxi hạn chế chỉ 3 người (kể cả tài xế) trên. Các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động, song người tham gia giao thông phải thực hiện giãn cách xã hội.

Tại các cơ quan công quyền, nhân viên được khuyến khích làm việc tại nhà, chỉ duy trì luân phiên khoảng 30% nhân viên trực tại công sở.

Trong bối cảnh, dịp lễ lớn nhất của người Hồi giáo trong năm sẽ bắt đầu vào ngày 13/5 tới, Thủ tướng cũng đưa ra thông báo về SOP cho dịp này. Theo đó, những chuyến thăm viếng tại nhà, hay viếng mộ như thông lệ đều bị cấm.

Nhà thờ Hồi giáo có sức chứa 1.000 người chỉ được phép tiếp nhận tối đa 50 tín đồ vào hành lễ. Việc dịch chuyển giữa các quận hay các bang chỉ được phép trong những trường hợp khẩn cấp như khám chữa bệnh, tiêm vaccine...

Những trường hợp này đều phải có giấy phép của cảnh sát. Các nghi lễ như: hiếu, hỷ, sinh nhật, liên hoan tại nhà hàng, hội thảo, hội nghị và gặp gỡ trực tiếp đều bị cấm.

Tuy nhiên, mọi lĩnh vực kinh tế được phép hoạt động bình thường.

Theo giới quan sát, có ba lý do chính khiến Malaysia buộc phải áp đặt MCO 3.0.

Thứ nhất, theo thông lệ, vào dịp lễ tết Hari Raya Aidifitri của người Hồi giáo, mọi người sẽ đi thăm viếng họ hàng và bạn bè, đoàn tụ gia đình, và nếu để điều này xảy ra, dịch bệnh sẽ khó có thể kiểm soát.

Thứ hai, từ đầu tháng năm, số ca nhiễm mới COVID-19 liên tục trên 4.000 ca, ngày 8/5 số ca nhiễm mới COVID-19 còn lên đến 4.519 ca.

Trong số ca nhiễm mới, phát hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2 mà phần lớn biến thể Nam Phi.

Cuối cùng, thay vì số ca nhiễm mới COVID-19 tập trung vào người lớn tuổi và có bệnh lý nền như trước đây, từ đầu năm đến nay, Malaysia phát hiện nhiều ca nhiễm mới COVID-19 ở độ tuổi từ 20-39 - nhóm người trong độ tuổi lao động và khả năng truyền nhiễm cũng nhanh hơn.

Trước những số liệu phân tích của giới Y tế như trên, Hội đồng an ninh quốc gia đã buộc phải đưa ra biện pháp mạnh tay, mặc dù trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob đã phủ nhận sẽ không áp đặt MCO.

Trước khi Thủ tướng Muhyiddin đưa ra quyết định MCO 3.0, một loạt báo lớn của Malaysia rút tít: “Xin hãy lắng nghe chúng tôi,” “Xin hãy vì tổ quốc,” “Bài học từ Ấn Độ.”

Dường như đây là những lời yêu cầu khẩn thiết của đội ngũ y bác sỹ trước tình trạng lây nhiễm liên tục gia tăng, vượt 4.000 ca/ngày trong những ngày gần đây khiến hệ thống bệnh viện một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải và nhiều khả năng Malaysia sẽ phải đối mặt với đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư.

Cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia N.K.S. Tharmaseelan cho rằng nếu quốc gia Đông nam á này không tuân thủ nghiêm ngặt SOP trong 2-4 tuần tới có thể kích hoạt đợt lây nhiễm COVID-19 thứ tư và sẽ ập đến Malaysia như một cơn sóng thần.

Theo ông, hai tuần tới là mốc thời gian rất quan trọng để hạn chế lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, đặc biệt khi số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nhiễm của những người Malaysia trong độ tuổi 20 đang gia tăng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), những người dưới 30 tuổi bị nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng truyền virus nhanh hơn những đối tượng khác.

Ông nhấn mạnh: "Những người trẻ tuổi chủ yếu làm việc trong các khu vực có nguy cơ cao, chẳng hạn như nhà máy, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ và quán bar. Tất cả những hoạt động này sẽ thổi bùng lên một làn sóng lây nhiễm khác, có khả năng là một làn sóng như sóng thần."

Trước đó, Tổng giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, Tiến sỹ Noor Hisham Abdullah cho biết kể từ đầu năm, số ca nhiễm COVID-19 ở những người có độ tuổi từ 20-29 là cao nhất, với 1.531 trường hợp. Tiếp theo là những người từ 30-39 tuổi với 1.452 ca. Điều đáng quan ngại là nhóm người đang ở độ tuổi lao động trẻ hơn đang bị nhiễm các biến thể COVID-19 mới và một số người bị nhiễm không đáp ứng với phương pháp điều trị.

Tiến sỹ Tharmaseelan cho rằng điều quan trọng là phải thực thi SOP một cách nghiêm ngặt.

'Chỉ có chính chúng ta mới bảo vệ được mình trước COVID-19' ảnh 2Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ông cho biết nên hạn chế các hoạt động dịch chuyển, tụ tập và đi mua sắm. Hầu hết các đợt lây nhiễm lớn đều xảy ra ở những nơi không giảm hoặc cấm các hoạt động xã hội như ở thủ đô Kuala Lumpur, Melaka và Johor. "Thật khó để cấm mong muốn dịch chuyển của giới trẻ nhưng mong họ hãy vì quốc gia bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt SOP."

Ông cho biết các biện pháp “nửa vời” sẽ không hiệu quả để hạn chế sự lây lan của virus, đồng thời khuyến cáo, các chính trị gia không nên tổ chức các sự kiện vì sự dịch chuyển của con người là nguyên nhân gây ra sự lây lan của virus. "Mỗi khi chúng tôi dỡ bỏ MCO và nới lỏng các hạn chế thì số ca nhiễm lại tăng trở lại. Chính phủ phải cân nhắc giữa ưu và nhược điểm của những biện pháp này.”

Trả lời phóng viên TTXVN về biện pháp bảo vệ trước làn sóng lây nhiễm COVID-19 lan nhanh, Tiến sỹ Sivakumar Sivalingam, Viện Tim quốc gia, cho rằng chúng ta nên có lựa chọn thông minh. Bảo vệ mình bằng cách tiêm vaccine, tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội hay bị nhiễm COVID-19 và giành giật sự sống hay bị cách ly. “Chắc chắn điều này không thoải mái chút nào, hãy lựa chọn,” ông nói.

Trong khi đó, Giáo sư Y tế cộng đồng, Tiến sỹ G. Jayakumar, Đại học Manipal, Malaysia, cảnh báo thái độ thiếu thận trọng có thể khiến số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh và đẩy các cơ sở chăm sóc y tế quốc gia vào tình trạng quá tải, thậm chí là tê liệt.

“Khi mọi người cùng tuân thủ SOP, Malaysia mới có thể hy vọng giảm được số ca nhiễm mới COVID-19. Chúng ta sẽ thấy số ca nhiễm mới giảm nếu mỗi người đều nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phòng chống virus. Điều này đòi hỏi mỗi người phải ý thức tránh xa những nơi đông người, thường xuyên đeo khẩu trang và sát trùng hoặc rửa tay."

Chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ Y tế cộng đồng Malaysia, Tiến sỹ Zainal Ariffin Omar cho biết người dân nên hiểu mức độ nghiêm trọng của tình hình, đặc biệt trong bối cảnh các chuyên gia chưa hiểu đầy đủ về các biến thể mới. "Chúng tôi chưa sẵn sàng cho một sự gia tăng đột ngột trong mọi trường hợp."

Ông kết thúc thông điệp của mình bằng lời nhắn "Hãy tổ chức lễ kỷ niệm Hari Raya Aidilfitri tại nhà với những người thân trong gia đình. Chúng ta không thể mạo hiểm với những lễ hội lớn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục