Chỉ dựa vào tài nguyên, kinh tế Triều Tiên liệu có thể tăng tốc?

Theo các nhà phân tích, than đá đã trở thành một trong số ít những nguồn tài nguyên của Triều Tiên mà ông Kim Jong-un có thể dựa vào để có thể thực hiện lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân.
Chỉ dựa vào tài nguyên, kinh tế Triều Tiên liệu có thể tăng tốc? ảnh 1(Nguồn: AFP)

Reuters dẫn nhận định của giới phân tích cho biết việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài diễn văn chào Năm mới 2019 nhấn mạnh rằng than đá là "nhân tố hàng đầu" giúp triển nền kinh tế quốc gia cho thấy ông rất coi trọng nguồn tài nguyên quý giá này.

Các nhà phân tích và những người Triều Tiên đào tẩu cho biết khi cộng đồng quốc tế siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây, than đá đã trở thành một trong số ít những nguồn tài nguyên của Triều Tiên mà ông Kim Jong-un có thể "dựa dẫm" để có thể thực hiện lời hứa cải thiện cuộc sống của người dân tại đất nước thiếu điện nghiêm trọng này.

Năm 2018, ông Kim Jong-un tuyên bố hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân và cam kết tập trung phát triển nền kinh tế quốc gia.

Các chuyên gia phân tích ở Hàn Quốc và những người đào tẩu Triều Tiên cho rằng do các lệnh trừng phạt đang chặn đứng hầu hết các cánh cửa xuất khẩu than đá của Triều Tiên nên chính quyền Bình Nhưỡng chủ yếu sử dụng nguồn năng lượng này cho tiêu dùng nội địa.

Kim Young-hui, một người Triều Tiên hiện là chuyên gia kinh tế làm việc tại Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), nói: "Một người quen của tôi sống ở tỉnh Bắc Hamgyong nói rằng họ được dùng điện từ 14-15 giờ/ngày trong năm 2018, trong khi năm 2017 chỉ là từ 8-10 giờ."

Bà Kang Mi-jin, một người Triều Tiên hiện đảm nhận một chuyên mục về Triều Tiên trên trang mạng DailyNK, cho rằng điện đã tăng hơn nhiều so với năm 2017, điều này tạo điều kiện sống tốt hơn cho nhiều gia đình, tăng cường hoạt động của các nhà máy và phương tiện giao thông đường sắt.

Bà Kang Mi-jin nói thêm: "Theo như thông điệp chào Năm Mới 2019 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ tập trung phát triển nền kinh tế quốc gia. Thay vì tìm cách khác để bán than ra bên ngoài, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục sử dụng nó cho thị trường nội địa."

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng chính công nghệ lạc hậu là yếu tố cản trở Triều Tiên phát triển kinh tế.

Nhà kinh tế Kim Young-hui nhấn mạnh: "Tập trung vào than đá và điện là cách để tồn tại, và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nỗ lực hết mình để Triều Tiên có thể tự lực, tuy nhiên than đá vẫn chưa đủ để làm xoay chuyển nền kinh tế chừng nào lĩnh vực xuất khẩu vẫn bị 'bế quan tỏa cảng' như hiện nay."

Ánh sáng le lói

Trong diễn văn chào Năm mới 2019, Kim Jong-un kêu gọi ngành công nghiệp than tập trung hỗ trợ các nhà máy điện. Ông nhấn mạnh rằng sản lượng điện của nhà máy nhiệt điện lớn nhất Triều Tiên ở Pukchang đã gia tăng đáng kể, nhưng cần nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu dài hơi hơn trong phát triển thủy điện, điện gió và điện hạt nhân.

Do chính quyền Kim Jong-un bị cô lập cả về chính trị và kinh tế, người dân Triều Tiên đã phải chịu đựng tình trạng thiếu điện trong thời gian dài. Trong những năm gần đây, chính tình trạng thiếu điện đã khiến rất nhiều người dân Triều Tiên chuyển sang sử dụng pin năng lượng mặt trời để sạc điện thoại và thắp sáng nhà cửa.

Trong chuyến thực tế tới Bình Nhưỡng hồi tháng 9/2018, rất nhiều người dân Triều Tiên đã nói với hãng tin Reuters rằng Triều Tiên cần có thêm điện để những dự án đắt đỏ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có giá trị sử dụng.

[Những thành tựu ấn tượng của ngoại giao Triều Tiên năm 2018]

Ví dụ, tại những tòa nhà chung cư cao tầng mới xây dựng, các cư dân rất sợ phải đối mặt với việc leo bộ hàng chục tầng khi mất điện. Điện ở Triều Tiên được ưu tiên sử dụng cho các nhà máy hoặc khu vực chính trị quan trọng. Tuy nhiên, những người giàu vẫn có thể dùng tiền để sử dụng điện một cách bất hợp pháp.

Một nguồn tin được tiếp xúc trực tiếp với người dân Bình Nhưỡng nói với hãng tin Reuters rằng việc xếp hàng để mua than sử dụng cho việc đun nấu đã không còn cần thiết nữa bởi sản lượng đã dư thừa.

Nguồn tin này cho biết thêm: "Người dân thường phải đăng ký mua than từ sớm, khoảng 2 tháng trước khi sử dụng để làm chất đốt khi thời tiết trở nên lạnh giá. Tuy nhiên, nhờ vào việc sản lượng than xuất khẩu giảm, người dân đã không gặp khó khăn trong việc mua loại mặt hàng này kể từ năm 2018. Các lệnh trừng phạt ngày càng nặng nề hơn, nhưng đổi lại người dân Triều Tiên có thể mua than đá bất cứ lúc nào họ muốn nếu có tiền."

Xuất khẩu giảm sút

Triều Tiên sử dụng gần 50% điện năng từ 7 nhà máy nhiệt điện sử dụng than và 1 nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu, phần còn lại là từ các nhà máy thủy điện.

Theo số liệu của Hàn Quốc, rất nhiều các nhà máy nhiệt điện có tuổi đời nhiều thập kỷ của Triều Tiên đều do Liên Xô và Trung Quốc xây dựng giúp. Nhóm quan sát 38 North có trụ sở ở Mỹ cho biết kể từ năm 2015, Triều Tiên đã nỗ lực để chuyển đổi nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu sang sử dụng nguyên liệu than.

Trong năm 2018, nước này đã bổ sung các máy phát điện vào tổ hợp nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá lớn nhất nước và bắt đầu xây dựng một nhà máy thủy điện mới.

Năm 1994, Triều Tiên và các nước tham gia Cơ chế đàm phán 6 bên (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên) đã đạt được một thỏa thuận mà trong đó Bình Nhưỡng sẽ ngừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để có được 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ. Kể từ thời điểm đó, Triều Tiên đã nghiên cứu lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ trong phòng thí nghiệm.

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, sản lượng than xuất khẩu sang Trung Quốc của Triều Tiên năm 2017 đã giảm còn 4,83 triệu tấn, trong khi năm 2016 là 20 triệu tấn. Phía Trung Quốc cũng cho biết họ không nhập khẩu than đá của Triều Tiên từ tháng 1 đến tháng 3/2018. Sản lượng than của Triều Tiên đã tăng từ năm 2013 đến năm 2016, nhưng giảm 30% còn 21,66 triệu tấn trong năm 2017 (so với năm 2016).

Rất khó để có được những số liệu chính xác về dự trữ năng lượng của Triều Tiên, nhưng theo báo cáo năm 2015 của BP, Cơ quan phân tích năng lượng thế giới (BP's Statistical Review of World Energy), Triều Tiên hiện có khoảng 600 triệu tấn than dự trữ, trong khi phía Hàn Quốc cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng chỉ có khoảng 20,5 triệu tấn.

Triều Tiên được cho là có khoảng 4,5 tỷ tấn than anthracite (chất lượng cao), phần còn lại là than non vốn chủ yếu chỉ đủ cho các nhà máy nhiệt điện hoạt động. Theo số liệu thống kê của chính phủ Hàn Quốc thì Triều Tiên chủ yếu xuất khẩu than anthracite.

Các nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng đã không thành công trong việc né các lệnh trừng phạt bằng cách xuất khẩu lậu than sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Choi Kyung-soo, người đứng đầu Viện nghiên cứu Tài nguyên Triều Tiên (North Korea Resources Institute), nói: "Xuất khẩu lậu than đá sang thị trường Trung Quốc trong những ngày này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng nhất là khi các khoản tiền 'lót tay' cho giới thương lái Trung Quốc ngày càng nhiều hơn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục