Chỉ là nơi “trông già”?

Trung tâm dưỡng lão hay chỉ là nơi “trông già”?

Nhiều người nói, ở Việt Nam chưa có nhà dưỡng lão thực thụ, nhiều khi các cụ được đưa vào đây vì mắc bệnh về thần kinh, khó quản lý.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm (Hà Nội) nói, ở Việt Nam chưa có nhà dưỡng lão thực thụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnam+, ngoài việc cơ sở vật chất còn thiếu thốn tại các nhà dưỡng lão, đa phần người ta gửi bố mẹ vào các trung tâm vì các cụ mắc bệnh về thần kinh, gia đình khó quản lý.

Chưa có nhà dưỡng lão đúng nghĩa?

Trong quá trình tìm hiểu một số trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Vietnam+ thấy, nhiều người dân nói rằng nơi đây dành cho “các cụ già bệnh tật.”

Và, cũng có một thực tế rằng, ở các trung tâm này, đa phần các cụ già đều mắc bệnh. Dĩ nhiên, bệnh của người già là chuyện tất yếu, song lại có nhiều cụ bị mắc chứng bệnh thần kinh, hoang tưởng, trầm cảm… mà gia đình không quản lý được mới “gửi gắm” vào đây. Chỉ có số ít các cụ tìm đến đây một cách tự nguyện khi còn đủ cả sức khỏe và trí óc minh mẫn.

Tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở khu Linh Đàm (Hà Nội) khi chúng tôi tới, có cụ già van xin cho về. Cụ cho rằng con cái đã lừa mình vào đây, nhớ cháu, nhớ con nhưng tuổi thì già mà cầu thang lại cao, đường đi không tỏ, chỉ còn biết khóc, biết xin. Chúng tôi hỏi thì nhân viên ở đây cho biết, trường hợp này đã bị lẫn(?).

Ông Vũ Minh Lương, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nói rằng, ở chỗ của ông có 80 cụ thì chỉ có 50-60% còn minh mẫn, tỷ lệ bị bệnh tật chiếm 90%.

Còn Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm tiếp nhận khoảng 150 cụ thì có tới hơn 50% là không minh mẫn, 35 - 45% các cụ minh mẫn nhưng bệnh tật và chỉ có 8-15% là minh mẫn và khỏe mạnh…

Mặt khác, tại những khu dưỡng lão, dù hàng ngày các cụ vẫn được điều dưỡng viên chăm sóc sức khỏe song nhìn chung đời sống tinh thần chưa được đáp ứng đầy đủ do cơ sở hạ tầng còn thô sơ (thiếu các thư viện, sân chơi…).

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm  thì cho biết, chữ “nhà dưỡng lão” ở Việt Nam còn chưa chuẩn. “Ở đây, chỉ nên gọi là các Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người cao tuổi thì đúng hơn.”

Thừa nhận việc ở trung tâm của mình nhận nhiều cụ thuộc nhiều thành phần, song ông nói đều có chế độ và khu riêng biệt dành cho các cụ. Đơn vị của ông Ngọc làm dịch vụ nên phải chiều theo nhu cầu của xã hội. Ông cũng nói, ban đầu nghĩ xây dựng trung tâm cho người khỏe, song thất bại do… ít người vào và nếu không thay đổi sẽ bị “sập tiệm.”

Một điều dưỡng viên cũng thẳng thắn cho biết, nếu hiểu “nhà dưỡng lão” theo cách “trông già” cũng không có gì là quá. Nhưng là vừa “trông,” vừa giúp họ sống khỏe mạnh hơn.

Phát triển tất yếu?

Ông Ngọc và ông Lương đều cho rằng, hiện nay có nhiều đơn vị đã manh nha đầu tư vào nhà dưỡng lão một cách ồ ạt. Do vậy, Nhà nước cần đưa ra những tiêu chuẩn, quy định cho loại hình mới mẻ này.

Đây cũng là lẽ tất yếu bởi dân số Việt Nam đang già hóa.

Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 1989, ở Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi chiếm 7,2% dân số, đến năm 1990 chiếm 8,2% và năm 2008 chiếm 9,9%... Tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và dân số Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa năm 2010.

Ông Ngọc nói, những năm gần đây, nhận thức của người dân về nhà dưỡng lão đã được nâng cao. Người ta đã ít mặc cảm hơn khi đưa cha mẹ vào các nhà dưỡng lão để giúp các cụ kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, người ta hay để ý đến việc làm những sân chơi cho thiếu nhi, còn sân chơi của người già thì hầu như chưa được quan tâm.

Về phần mình, ông Ngọc cũng đã có 3 trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đều nằm ở Hà Nội. Tại khu ở Đông Ngạc (Từ Liêm), ông dành 4.000m2 để xây dựng cơ sở 3 với kết cấu hạ tầng theo chuẩn của nhà dưỡng lão, trong đó sẽ có khu vực hồi chức năng, phòng thư viện, khu vực tập luyện, vui chơi giải trí cho các cụ…

Còn ông Lương nói đang đầu tư vào một khu đất rộng 7ha, với 3 trung tâm chăm sóc phân tầng rõ rệt dành cho người giàu, khá giả và những người ít tiền.

Họ đều cho rằng, Nhà nước cần có những khuyến khích, tạo điều kiện cho họ như những chính sách ưu đãi, giảm thuế… bởi các doanh nghiệp đang làm công việc xã hội./.

Trung Hiền – Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục