Chỉ số cạnh tranh 2010: Vẫn chưa cải thiện nhiều

Sau 7 năm tham gia vào chỉ số PCI nhưng chất lượng điều hành kinh tế của lãnh đạo các tỉnh vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
Ngày 16/3, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Dự án sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) đã công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010.

Giống như năm 2009, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về điểm số  xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với 69,39 điểm. Đây là năm thứ ba liên tiếp địa phương này dẫn đầu bảng xếp hạng PCI. Theo sau là Lào Cai, Đồng Tháp, Trà Vinh. Đứng cuối bảng là Đăk Nông. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tụt hạng.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là sau 3 năm liên tiếp ở vị trí đứng đầu (2005-2007) và 2 năm tiếp theo ở vị trí thứ hai, năm 2010 Bình Dương tụt 8,28 điểm và rơi xuống vị trí thứ 5. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi công bố PCI, Bình Dương nằm ngoài nhóm có chất lượng điều hành rất tốt.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ấn tượng với sự cải thiện ổn định, vững chắc. Nếu tính cả Cần Thơ, Long An thì có đến 9 trong 22 tỉnh, thành phố ở khu vực này xếp hạng rất tốt và tốt trong bảng xếp hạng PCI 2010.

Cải thiện chưa nhiều

Theo VCCI, có 7.300 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tham gia cuộc điều tra.

Có khoảng 20 địa phương đã ban hành văn bản triển khai chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mình.

Tuy nhiên, so sánh kết quả điều tra PCI qua 2 năm cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế năm 2010 không có sự cải thiện đáng kể. Điểm số PCI 2010 có trọng số của tỉnh trung vị là 58,02 điểm, sụt giảm so với năm 2009. Số tỉnh, thành thuộc nhóm có chất lượng điều hành rất tốt giảm từ 6 xuống 3 địa phương vào năm 2010, nhóm tốt cũng giảm từ 20 xuống còn 19 địa phương.

Sự thay đổi tích cực thể hiện trên các lĩnh vực đào tạo và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên một số lĩnh vực có chuyển biến chưa thật rõ nét, bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí không chính thức. Đáng lo ngại là các lĩnh vực có xu hướng giảm điểm gồm chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian.

Tuy vậy, vẫn có những cải thiện ở một số chỉ số thành phần của PCI 2010. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo lao động tại tỉnh, trung vị tăng đều từ năm 2008 đến năm 2010. Đây là những thay đổi rất tích cực, đặc biệt khi doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất về chất lượng lao động thấp đã cản trở việc cải tiến và nâng cấp công nghệ.

Một điểm mới trong cuộc điều tra PCI năm 2010 là lần đầu tiên VCCI và USAID/VNCI tiến hành điều tra 1.155 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ 47 quốc gia và hoạt động trên khắp cả nước. Kết quả điều tra đã cung cấp những đánh giá sâu sắc về hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và những thách thức trong việc thu hút đầu tư giá trị gia tăng cao hơn để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên có đến 18% doanh nghiệp FDI thừa nhận có chi phí “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục. Chi trả này trong đấu thầu phổ biến hơn trong đăng ký kinh doanh.

Theo VCCI, chỉ số minh bạch sụt giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Chỉ số này tác động lớn nhất đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và là một trong hai chỉ số có trọng số cao nhất trong hệ thống các chỉ số thành phần của PCI.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Môi trường kinh doanh của VCCI, một số lĩnh vực chưa có chuyển biến thực sự rõ nét bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh và chi phí không chính thức.

Có 21% doanh nghiệp trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% doanh nghiệp trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước.

TS Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu phân tích, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp khẳng định quyết tâm chống tham nhũng, song tình trạng này chưa được cải thiện. Có đến 20% doanh nghiệp FDI cho hay đã phải trả các chi phí không chính thức để có giấy phép đầu tư. 70% khẳng định phải lót tay để thông quan hàng hóa.

Bà Virgnia Foote, đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, cần cải thiện tình trạng doanh nghiệp phải lót tay cho các hoạt động kinh doanh.

Bà cũng "hiến kế", cần khảo sát thêm ý kiến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài dự kiến đầu tư ở Việt Nam nhưng sau khi tìm hiều xong thủ tục lại rút lui. Đó sẽ là một kênh thông tin hữu ích cho nhóm nghiên cứu để hiểu về những tồn tại.

Các tỉnh phải vượt lên chính mình

Trong báo cáo đánh giá lần này, Bình Dương sau ba năm liên tiếp dẫn đầu bảng xếp hạng PCI từ năm 2005-2007, 2 năm tiếp theo đứng thứ hai sau Đà Nẵng đã rơi xuống vị trí thứ năm. Đây cũng lần đầu tiên Bình Dương chuyển từ nhóm rất tốt xuống nhóm tốt.

Bên cạnh việc giữ được điểm ở các nhóm chỉ số có thứ hạng cao “có tính truyền thống” như tính năng động của lãnh đạo tỉnh, tính minh bạch, đào tạo lao động thì Bình Dương thể hiện sự giảm sút ở các nhóm chỉ số gia nhập thị trường, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Có khả năng sự thay đổi qua việc sàng lọc kỹ hơn trong việc tiếp cận các dự án đầu tư cùng với sự gia tăng kỳ vọng của các doanh nghiệp đang hoạt động  tại tỉnh đã tạo ra sự thay đổi này của Bình Dương.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, nhóm nghiên cứu cho biết đã từng cảnh báo với Bình Dương về khả năng tụt hạng nếu địa phương này không chuẩn bị chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh khi đón nhận ồ ạt làn sóng đầu tư.

Đây cũng là bài học mà Đà Nẵng cần rút kinh nghiệm để tránh. Bởi, theo ông Huỳnh, các tỉnh xếp hạng gần cuối bảng dễ có khả năng vươn lên hơn so với các tỉnh đứng đầu. Bài học cho các địa phương đứng top trên bảng xếp hạng đó là tiến trình cải cách phải được duy trì, cải cách với chất lượng cao hơn, đặc biệt tăng cường hơn nữa tính minh bạch và khả năng sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư lớn.

Đánh giá về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho rằng, qua các năm đánh giá xếp hạng PCI có những tỉnh hầu như không thay đổi gì, nhất là những tỉnh thường đứng ở tốp cuối.

"Ngay cả với những hội thảo 'chẩn đoán' PCI, chúng tôi cũng rất buồn lòng là vì những tỉnh vùng cao thì rất cởi mở mời nhóm điều tra đến phân tích đánh giá những điểm yếu của họ, có nghĩa là người ta quan tâm đến những điểm yếu, trong khi những tỉnh nhóm cuối thì việc chủ động PCI thấp hơn, đấy là điều chúng tôi có thể quan sát được qua các năm," ông nói.

"Song cũng có những lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm nhưng truyền đạt từ cán bộ cao nhất xuống cán bộ cấp dưới là cả một vấn đề, có những tỉnh ban hành những kế hoạch rất cụ thể, nhưng rõ ràng là từ chính sách đến hành xử của cán bộ thực hiện thủ tục hành chính hàng ngày cũng không phải là điều đơn giản."

Ông Huỳnh thì khuyến nghị, để cải thiện PCI, các tỉnh phải vượt lên chính mình, đừng đặt mục tiêu vượt trước tỉnh khác vì PCI là một quá trình cải cách liên tục, trường kỳ, bền bỉ, cứ tự vượt lên chính mình, tự đo đếm chính mình, biết được điểm yếu của mình thì mới có thể đi xa được.

“Những tỉnh nào có kế hoạch dự định trong năm sau tăng lên 10 bậc hay 20 bậc thì đấy không phải là cách tiếp cận tốt mà cách tiếp cận tốt nhất là năm sau mình thêm được bao nhiêu điểm hài lòng trong cộng đồng dân cư và cộng đồng doanh nghiệp,” ông Huỳnh nhấn mạnh./.

Chỉ số PCI được xây dựng và phát triển thường niên từ năm 2005. Chỉ số CPI bao gồm chín chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một tỉnh được đánh giá là thực hiện tốt 9 chỉ số thành phần trong PCI cần đạt được:
- Chi phí gia nhập thị trường thấp;
- Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và có mặt bằng kinh doanh ổn định;
- Môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, doanh nghiệp dễ dàng và thuận lợi tiếp cận các thông tin phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình;
- Chi phí không chính thức thấp ở mức tối thiểu;
- Chi phí thời gian mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính và thanh tra kiểm tra của Nhà nước thấp nhất;
- Lãnh đạo tình năng động và tiên phong trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp;
- Các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển có chất lượng;
- Chính sách đào tạo lao động của tỉnh tốt;
- Hệ thống tòa án và cơ quan giải quyết khiếu nại hành chính trong tỉnh công bằng và hiệu quả, giúp doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp của mình.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục