Chỉ số CPI của TP.HCM giảm tháng thứ 2 liên tiếp

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám của Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,25% so với tháng Bảy, là tháng thứ 2 liên tiếp có mức giảm.
Ngày 18/8, ông Dư Quang Nam, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng Tám, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố đã có mức giảm 0,25% so với tháng Bảy.

Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số CPI tại thành phố có mức giảm so với tháng trước và là tháng có mức giảm khá sâu (trong năm 2009 chỉ có tháng Ba là tháng có mức giảm và giảm 0,17%). Như vậy, so với đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng chỉ có mức tăng 4,52% và so với cách đây một năm có mức tăng 8,21%.

Trong các nhóm hàng tăng giá thì nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình, nhà ở-điện-nước-chất đốt, giao thông, là các nhóm hàng có mức giá tăng cao so với tháng trước (lần lượt là 0,65%, 0,42%, 0,38%), kế đến là các nhóm văn hóa-giải trí-du lịch, may mặc-mũ nón-giày dép và dịch vụ y tế (tăng 0,26%, 0,12% và 0,11%). Các nhóm còn lại tăng nhẹ.

Ở các nhóm hàng giảm giá trong tháng có nhóm hàng ăn-dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, bưu chính-viễn thông giảm 4,71% và hàng hóa dịch vụ khác giảm 0,07%.

Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, nhóm lương thực giảm 0,77% do tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lúa Hè-Thu đang bước vào thu hoạch, tuy giá lúa thu mua có dấu hiệu tăng nhẹ sau một thời gian dài liên tục giảm do nhu cầu thế giới chững lại, nhưng thực tế hoạt động mua bán lúa gạo trong nước vẫn chưa sôi động được ngay vì các doanh nghiệp một phần có khó khăn về vốn.

Mặt khác, các doanh nghiệp chưa dám mạo hiểm đẩy mạnh thu mua vì còn phải chờ tín hiệu thị trường diễn biễn theo chiều hướng thuận lợi hơn. Mới đây giá gạo có nhích lên, nhưng chưa được cập nhật đầy đủ vào thời điểm báo cáo của tháng này.

Nhóm thực phẩm cũng giảm nhẹ (giảm 0,06%), tập trung ở một số mặt hàng và nhóm hàng như thịt gia súc tươi sống (giảm 2,69%), thịt chế biến (giảm 0,37%), trứng các loại (giảm 2,40%), dầu mỡ chất béo (giảm 1,60%), nước mắm-nước chấm (giảm 1,92%), rau các loại (giảm 2,23%).

Nhìn chung do tình hình thời tiết, dịch bệnh diễn biễn phức tạp như dịch lợn tai xanh cũng là nguyên nhân kéo giá thịt lợn giảm và tác động làm tăng giá các loại thực phẩm khác như gia cầm tươi sống (tăng 1,51%), thủy hải sản tươi sống (tăng 2,76%), các loại đậu hạt (tăng 1.81%).

Đáng chú ý là nhóm thiết bị đồ dùng có chỉ số tăng cao nhất (0,65%) trong 11 nhóm hàng tính chỉ số giá và tập trung ở các mặt hàng tiêu dùng như kem đánh răng, dầu gội đầu; các mặt hàng có sử dụng các loại nguyên liệu nhôm, sắt, nhựa, gỗ. Bên cạnh đó giá gia công dịch vụ sửa chữa tivi, radio, thuê người giúp việc nhà cũng tăng nhẹ.

Nhóm giao thông có mức tăng 0,38%, do giá xăng dầu tăng từ 9/8. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 4,71% do giá cước viễn thông giảm.

Trong tháng này, giá vàng có mức giảm 1,30% và giá USD có mức tăng 0,77%./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục