Chỉ số giá tiêu dùng TP.HCM tháng 12 tăng 1,61%

Trong tháng 12, nhóm hàng may mặc-mũ nón-giày dép; nhóm nhà ở-vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có giá tăng cao.
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,61% so với tháng trước.

Tính chung, từ đầu năm đến nay, CPI tại thành phố có mức tăng 9,58% và tăng 10,25% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mức độ tăng giá của cả năm 2010 cao hơn 2009, bình quân một tháng trong năm 2010 có mức tăng 0,76%, trong khi đó bình quân một tháng của năm trước tăng 0,62%.

Trong tháng 12, nhóm hàng may mặc-mũ nón-giày dép; nhóm nhà ở-vật liệu xây dựng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là ba nhóm có giá tăng cao nhất, tiếp đó là nhóm đồ uống-thuốc lá, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, nhóm văn hóa giải trí và du lịch, còn lại các nhóm khác tăng nhẹ, riêng nhóm giáo dục đứng ở mức giá tháng trước.

Diễn biến giá cụ thể như sau: nhóm hàng ăn sau khi tăng cao ở tháng trước (+2,76%) đến tháng 12 tiếp tục tăng 2,37%; nhóm lương thực (+4,56%) trong đó: gạo các loại (+4,88%), bột mì ngũ cốc (+2,50%), lương thực chế biến (+3,46%).

Giá gạo liên tục tăng nhẹ kể từ tháng 9/2010 đến nay do ảnh hưởng từ giá gạo thế giới tăng từ đó đẩy giá trong nước tăng theo nhưng không tăng đột biến vì nguồn cung đang rất dồi dào.

Theo Hiệp hội Lương thực, hiện nay tồn khoảng 500.000 tấn gạo để phục vụ cho dân từ nay đến Tết, bên cạnh đó còn có tác động tích cực của chương trình bình ổn giá.

Nhóm thực phẩm (+2,14%) trong đó: gia súc tươi sống (+3,46%); gia cầm tươi sống (+0,70%); thịt chế biến các loại (+0,96%); trứng các loại (+2,78%); dầu mỡ ăn (6,79%); thủy hải sản tươi sống (2,21%); thủy hải sản chế biến (+1,86%); các loại đậu hạt (+3,21%); rau các loại (+2,62%)... còn lại các nhóm khác thuộc nhóm thực phẩm đứng hoặc tăng nhẹ so tháng trước.

Các chuyên gia thị trường nhận định tình hình thực phẩm tháng 12 và cả năm 2010 tăng cao do tác động bởi nhiều nguyên nhân; trong đó thời tiết diễn biến thất thường, tình hình sâu bệnh trên cây trồng, dịch bệnh ở gia súc gia cầm diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất tăng do giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao và gần đây nhất là sự tác động gián tiếp từ việc tăng giá của vàng và giá USD... đều là những nguyên nhân chính đã góp phần làm cho chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng cao.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng tới 3,17% do nhu cầu tăng cao vào dịp Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết âm lịch sắp đến. Nhóm nhà ở-điện nước, vật liệu xây dựng tăng 2,50% cũng do nhu cầu sử dụng tăng cao trong tháng giáp Tết.

Trong tháng 12, giá vàng có mức tăng 5% và giá USD tăng 3,47% so với tháng trước./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục