Chi tiết các sự kiện thiên văn quan sát được từ Việt Nam năm Đinh Dậu

Năm Đinh Dậu, nhiều hiện tượng thiên văn đáng chú ý có thể quan sát được từ Việt Nam khi ở điều kiện thời tiết lý tưởng, không có mây mù che lấp.
Chi tiết các sự kiện thiên văn quan sát được từ Việt Nam năm Đinh Dậu ảnh 1Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn (phải) hướng dẫn các bạn trẻ quan sát bầu trời qua kính thiên văn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, ngoài những trận mưa sao băng “định kỳ,” thì Nguyệt thực một phần đầu tháng Tám sẽ là hiện tượng thiên văn đặc biệt nhất trong năm Đinh Dậu.

Một điều đáng tiếc là trong năm 2017, có hai lần Nhật thực (trong đó có một Nhật thực toàn phần) nhưng tại Việt Nam đều không thể quan sát được.

Dưới đây là những hiện tượng thiên văn đáng chú ý, có thể quan sát được từ Việt Nam:

Nguyệt thực nửa tối (11/2). Trên lý thuyết, người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát một phần hiện tượng này. Tuy nhiên, trên thực tế nó chỉ bắt đầu xảy ra ở pha đầu tiên ngay trước khi Mặt Trăng lặn xuống dưới chân trời sáng sớm 11/2 nên sẽ rất khó quan sát. Sự kiện này dễ quan sát ở châu Âu, châu Phi, Tây Á hoặc bờ Đông châu Mỹ.

Sao Thuỷ nằm cao nhất trên chân trời phía Tây (4/1). Do chu kỳ quỹ đạo ngắn, Sao Thuỷ dịch chuyển nhanh từ điểm cao nhất trên chân trời phía Đông (vào ngày 19/1) sang phía đối diện. Có thể quan sát hành tinh này một cách thuận lợi nhất vào chiều tối 4/1 ngay sau khi Mặt Trời lặn.


Sao Mộc tới vị trí trực đối (7/4).
Vào ngày này, Sao Mộc-hành tinh lớn nhất của Hệ Mặt Trời sẽ nằm ở vị trí trực đối so với Mặt Trời (Trái Đất nằm giữa). Nhờ đó, Sao Mộc sẽ đạt độ sáng cao nhất và là thời điểm lý tưởng nhất để quan sát từ Trái Đất.

Đây sẽ là cơ hội tốt nhất trong năm để quan sát Sao Mộc bằng kính thiên văn.


Mưa sao băng Lyrids (đêm 22, rạng sáng 23/4)
. Trận mưa sao băng loại trung bình với mật độ chỉ khoảng 20 sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Mưa sao băng Lyrids diễn ra vào thời điểm không bị cản trở bởi ánh Trăng nên sẽ thuận lợi cho người theo dõi.


Mưa sao băng Eta Aquarids (đêm 6, rạng sáng 7/5).
Mật độ ở lúc cực đại của mưa sao băng này khi quan sát ở Việt Nam sẽ không vượt quá 30 sao băng mỗi giờ. Đáng chú ý, năm 2017, ánh Trăng sẽ cản trở đáng kể cho việc quan sát hiện tượng này.


Sao Thổ tới vị trí trực đối (15/6).
Vào thời điểm này, Sao Thổ sẽ ở vị trí lý tưởng nhất để được quan sát bằng mắt thường cũng như bằng kính thiên văn.


Mưa sao băng Delta Aquarids (đêm 28, rạng sáng 29/7).
Đây cũng là một mưa sao băng trung bình diễn ra ở khu vực chòm sao Aquarius. Mật độ sao băng khoảng 20 vệt mỗi giờ lúc cực điểm, song năm nay trận mưa sao băng này không bị “can thiệp” bởi ánh Trăng.

Chi tiết các sự kiện thiên văn quan sát được từ Việt Nam năm Đinh Dậu ảnh 2Vệt sao băng qua bầu trời. (Nguồn: USAtoday.com)

Nguyệt thực một phần (Đêm 7, rạng sáng 8/8). Đây là hiện tượng thiên văn có thể coi là hấp dẫn nhất của năm 2017 đối với người quan sát tại Việt Nam. Chúng ta sẽ có thể quan sát trọn vẹn hiện tượng này.


Mưa sao băng Perseids (đêm 12 rạng sáng 13/8).
Đây là trận mưa sao băng lớn có vùng trung tâm là chòm sao Perseus. Năm 2017, Perseids sẽ không bùng nổ như trong năm 2016 nhưng đây vẫn mưa sao băng lớn của năm. Ánh Trăng sẽ làm giảm số lượng sao băng quan sát được, dù vậy đây vẫn là hiện tượng đáng chú ý nếu thời tiết cho phép.


Sao Hải Vương tới vị trí trực đối (5/9)
. Ở thời điểm này, hành tinh xa nhất được biết tới trong Hệ Mặt Trời sẽ tới vị trí thuận lợi nhất để quan sát từ Trái Đất. Tuy nhiên, nó chỉ có thể được quan sát qua các kính thiên văn, không thể quan sát bằng mắt thường.


Mưa sao băng Draconids (đêm 7/10).
Đây là mưa sao băng nhỏ, diễn ra ở khu vực chòm sao Draco. Năm nay, với việc đêm cực điểm xảy ra rất gần ngày Trăng tròn nên sẽ ít có cơ hội để quan sát hiện tượng này.


Sao Thiên Vương tới vị trí trực đối (19/10).
Hành tinh lớn này sẽ ở vị trí thuận lợi nhất để quan sát. Người yêu thiên văn có thể dùng các kính thiên văn và ống nhòm nghiệp dư để quan sát.


Mưa sao băng Orionids (đêm 21, rạng sáng 22/10).
Mưa sao băng Orionids có mật độ trung bình, diễn ra ở khu vực chòm sao Orion. Nếu có sự ủng hộ của thời tiết, người quan sát có thể theo dõi hiện tượng này.


Sao Kim và Sao Mộc giao hội (13/11).
Ở thời điểm nói trên, hai hành tinh sáng này sẽ ở vị trí gần như chạm vào nhau khi quan sát từ Trái Đất. Lúc rạng sáng (khi trời còn tối), người xem cần hướng mắt về bầu trời phía Đông để quan sát. Một chiếc kính thiên văn sẽ là công cụ tốt để hỗ trợ việc quan sát. Tuy nhiên, ngay cả khi nhìn bằng mắt thường, người quan sát vẫn có thể thấy được độ sáng đặc biệt khi hai thiên thể sáng này ở ngay liền nhau.


Mưa sao băng Leonids (đêm 17, rạng sáng 18/11).
Đây là trận mưa sao băng loại trung bình với nhiều sao băng tương đối sáng. Nó khá đặc biệt ở chỗ trong một vài năm, nó trở thành bão sao băng với mật độ sao băng tăng rất cao. Song, điều đó sẽ không xảy ra trong năm 2017.

Năm nay, việc quan sát trận mưa sao băng này không bị cản trở bởi ánh Trăng.

Chi tiết các sự kiện thiên văn quan sát được từ Việt Nam năm Đinh Dậu ảnh 3Tối 14/11/2016, tại Thủ đô Hà Nội là một trong những khu vực nhìn ngắm được siêu mặt trăng lớn nhất trong vòng 100 năm trở lại đây, với kích thước lớn hơn 14% và tỏa sáng hơn 30% so với thông thường. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Siêu Trăng duy nhất năm 2017 (3/12). Ở thời điểm này, Mặt Trăng chỉ lớn hơn và sáng hơn rất ít so với thông thường.

Mưa sao băng Geminids (đêm 13, rạng sáng 14/12). Đây là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất của năm. Năm 2017, Mặt Trăng sẽ không gây cản trở nào cho việc quan sát hiện tượng này. Do đó, đây sẽ là một hiện tượng đáng chú ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục