Chi tiêu quốc phòng thế giới lần đầu tiên không tăng

Năm 2011, thế giới chi 1.740 tỷ USD cho quân sự, tăng so với 1.630 tỷ USD năm 2010, nhưng nếu tính cả lạm phát, con số này là không đổi.
Việc các nước phương Tây cắt giảm ngân sách đã chấm dứt quãng thời gian 13 năm chi tiêu quốc phòng thế giới tăng liên tục, cho dù ngân sách quốc phòng của Nga và Trung Quốc vẫn tăng mạnh.

Đây là báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Stockholm - SIPRI) công bố ngày 17/4.

Một trong những tác giả của bản báo cáo Sam Perlo-Freeman cho biết: "Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng kéo dài hơn một thập kỷ cuối cùng cũng đã kết thúc do tác động của thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là những giải pháp cắt giảm thâm hụt ở Mỹ và châu Âu.”

Năm ngoái, cả thế giới chi 1.740 tỷ USD cho quân sự, tăng so với mức 1.630 tỷ USD năm 2010. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ giá hối đoái và mức độ lạm phát trên thực tế, thì con số này là không thay đổi.

Nếu tính theo GDP, chi tiêu quốc phòng giảm xuống còn 2,5% so với mức 2,6% trước đó. Điều này hoàn toàn trái ngược với mức tăng trung bình 4,5%/năm kể từ năm 2001 đến năm 2009.

Theo chuyên gia Perlo-Freeman, còn quá sớm để khẳng định liệu điều này có phản ánh xu hướng về dài hạn hay không. Trong một vài năm tới, chi tiêu quốc phòng ở Mỹ và châu Âu tiếp tục giảm, nhưng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông vẫn tăng.

Chi tiêu quốc phòng của Mỹ - nước vẫn đứng ở vị trí thứ nhất, giảm 1,2% chỉ còn 711 tỷ USD. Mức giảm này một phần là do kéo dài tình trạng “treo” về ngân sách tài khóa 2011.

Xu hướng cắt giảm chi tiêu quốc phòng ở Mỹ có thể vẫn tiếp tục do những biện pháp ngăn chặn thâm hụt ngân sách đã được Quốc hội thông qua, cộng với việc rút quân khỏi Iraq và giảm quy mô ở Afghanistan.

Ở châu Âu, “bộ ba” Đức, Anh và Pháp cũng giảm chi tiêu quốc phòng để tập trung cho nỗ lực cân đối ngân sách trong bối cảnh khu vực đồng tiền chung ơrô đang trải qua cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngược lại, ở những nước ít nhiều không phải chịu áp lực về ngân sách, chi tiêu cho quân sự trong năm 2011 vẫn gia tăng. Với ngân sách quốc phòng 71,9 tỷ USD (tăng 9,3%) năm 2011, Nga đã vượt Anh và Pháp trở thành nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới.

Trên thực tế, nếu tính từ năm 2002, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, hiện đứng thứ hai sau Mỹ, đã tăng 170%. Điều này phản ánh sự phát triển ngoạn mục về kinh tế của Trung Quốc để trở thành "đại công xưởng" của thế giới. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng cũng gây thêm quan ngại cho các nước láng giềng và nước lớn khác.

Theo báo cáo của SIPRI, nếu tính theo tỷ lệ GDP, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức khá ổn định, khoảng 2%, kể từ năm 2001. Năm 2011, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 6,7% lên mức 143 tỷ USD.

Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm ngoái chiếm khoảng 4,7% GDP. Mặc dù vậy, SIPRI cho rằng, phải mất từ 1-2 thế hệ nữa, trình độ công nghệ quân sự của Trung Quốc mới có thể đuổi kịp Mỹ, và vẫn còn quá sớm khi đề cập tới nguy cơ chạy đua vũ trang ở khu vực này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục