Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 ở phía Nam

Những kinh nghiệm hay và đặc thù của mỗi vùng trong quá trình thực hiện Chương trình 135 được Ban tổ chức đưa vào bổ sung hoàn chỉnh văn kiện để Chính phủ sớm thống nhất ban hành sau này.
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình 135 ở phía Nam ảnh 1Đường giao thông nông thôn tại xã Bàn Tân Định - xã thuộc chương trình 135 - tỉnh Kiên Giang được nhựa hóa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Ngày 18/12, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ, ngành chức năng tổ chức hội nghị tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình 135 ở các tỉnh, thành phía Nam.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, đại diện các Bộ, ngành Trung ương và ủy ban nhân dân các huyện, thị nằm trong Chương trình 135 của 17 tỉnh, thành phía Nam.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, vừa qua, Văn phòng Ban điều phối Chương trình 135 đã tổ chức hai hội nghị ở khu vực phía Bắc và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Đây là hội nghị thứ 3 được tổ chức ở khu vực phía Nam. Qua các hội nghị cho thấy tuy số xã tham dự không nhiều nhưng mỗi vùng đều có những đặc thù riêng và những kinh nghiệm hay để Ban tổ chức học tập và ghi chép những kinh nghiệm từ các địa phương, đưa vào bổ sung hoàn chỉnh văn kiện để Chính phủ sớm thống nhất ban hành sau này.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các đơn vị chức năng của Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày về khung Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020, tiêu chí phân bổ nguồn lực vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương, cơ chế đặc thù trong quản lý, phương pháp tổ chức thực hiện chương trình, cách cho và tính điểm; vai trò của cộng đồng trong phát triển địa phương; chính sách, quy định của Nhà nước liên quan đến huy động trao quyền cho cộng đồng; phương pháp phát triển cộng đồng dựa vào nội lực...

 

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình 135, phạm vi và quy mô của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 là các xã khu vực III, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II.

Năm 2016 dự kiến có khoảng 2.276 xã và 3.435 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 là góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo trên địa bàn tới năm 2020 gấp 3,5 lần so với năm 2011, tương đương với 26 triệu đồng/người/năm; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm ở các xã, thôn.

Đến năm 2020, cơ bản các xã, thôn, bản có đường giao thông đi lại thuận lợi quanh năm; 100% trung tâm xã, hộ gia đình có điện lưới quốc gia đáp ứng 70% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm; phấn đấu có 30% số xã thuộc Chương trình 135 hoàn thành các mục tiêu Chương trình.

Dự kiến tổng vốn giai đoạn 2016-2020 là 21.003 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 14.815 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 6.188 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư trong năm 2016 là 4.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 2.963 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.237 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại biểu các địa phương đã chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm hay trong việc chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện các nội dung, dự án trong Chương trình 135 thời gian qua để các Bộ, ngành và địa phương khác học tập đồng thời góp ý, kiến nghị về các lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư phát triển, năng lực quản lý của cán bộ, cơ chế đặc thù, hệ số phân bổ nguồn vốn, cách tính điểm các tiêu chí.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục