''Chia tay'' Trung Quốc - Lựa chọn khôn ngoan của EU?

Bên cạnh thương mại, giữa EU và Trung Quốc còn có mối quan hệ tương thuộc về con người khi có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên Trung Quốc đang theo học trong khu vực.
''Chia tay'' Trung Quốc - Lựa chọn khôn ngoan của EU? ảnh 1(Nguồn: Bloomberg)

Theo trang mạng eurasiareview.com, phản ứng ban đầu của các nước trước dịch viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), gọi tắt là dịch COVID-19, là dựng lên các “rào chắn” ở biên giới quốc gia để ngăn hàng hóa và con người qua lại tự do, cũng như tham gia cuộc chiến tuyên truyền với Trung Quốc.

Không chỉ có vậy, một số lãnh đạo châu Âu gần đây còn bắt đầu nói về việc thay đổi mô hình kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire muốn tái cơ cấu chuỗi cung ứng để “đảm bảo sự độc lập và chủ quyền.”

Theo một nghiên cứu được tổ chức EU Horizon 2020 tài trợ, nếu giới chức tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đưa ra những cảnh báo cần thiết sớm hơn 3 tuần, tình trạng lây lan dịch COVID-19 có thể sẽ giảm tới 95%.

Tuy nhiên, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc chỉ có thể điều trị được triệu chứng, chứ không phải là gốc rễ, của vấn đề; và đó sẽ là một nỗ lực thiếu bền vững với nguy cơ khiến chính người dân châu Âu trở thành những nạn nhân phải gánh chịu hệ quả.

[Con đường không bằng phẳng trong quan hệ EU-Trung Quốc]

Trong thập kỷ qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhiều lần công bố tình trạng khẩn cấp.

Dịch SARS tại Trung Quốc (năm 2003), cúm heo tại Mexico (năm 2009), MERS tại Saudi Arabia (năm 2012) và gần đây hơn là dịch Ebola tại châu Phi (2014-2016) là 4 trường hợp có chung một điểm: sự thiếu vắng của các cơ chế phối hợp trong phòng chống dịch bệnh toàn cầu.

Tình trạng khẩn cấp do dịch COVID-19 trầm trọng hơn vì sự gia tăng dân số, vì quá trình đô thị hóa và cả biến đổi khí hậu.

Quy mô mở rộng của thương mại thế giới cùng sự phát triển của chuỗi cung ứng toàn cầu, và mật độ các đường bay quốc tế cũng là những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn bao giờ hết.

Điều này không có nghĩa Trung Quốc không phải chịu trách nhiệm về việc thả nổi hoạt động mua bán động vật hoang dã, song điều người ta cần làm là giải quyết gốc rễ vấn đề, vốn nằm ở các ngành công nghiệp toàn cầu hóa.

Virus không phân biệt biên giới. Kẻ thù vô hình này đã xuất hiện ở châu Phi, Nam Mỹ và cả Bán đảo Arab, và có thể sẽ bùng lên ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Dịch chuyển hoạt động khỏi Trung Quốc chẳng thể giúp gì cho việc giải quyết vấn đề này ngoài thực tế sẽ hủy hoại các nền kinh tế châu Âu. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU), chỉ sau Mỹ, và EU là đối tác thương mại lớn nhất của nền kinh tế thứ hai thế giới.

Theo Eurostat, EU đã nhập khẩu số hàng hóa trị giá 362 tỷ euro từ Trung Quốc và xuất khẩu khoảng 198 tỷ euro sản phẩm sang Trung Quốc trong năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU.

Bên cạnh thương mại, giữa EU và Trung Quốc còn có mối quan hệ tương thuộc về con người khi có tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh viên Trung Quốc đang theo học trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cần nhìn vào cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung để đánh giá xem một chiến lược “phân ly” sẽ trở nên thế nào. Các doanh nghiệp Mỹ hoặc phải thích ứng, hoặc phải tìm cách chuyển “gánh nặng” thuế sang người tiêu dùng, trong khi người nông dân bị bỏ mặc với nguồn cung đậu nành dư thừa và ở thời điểm tháng 8/2019, hơn 10.000 người Mỹ đã mất việc làm do các áp lực về thương mại.

Liệu đó có phải là con đường mà châu Âu muốn dấn thân?

“Chia tay” Trung Quốc không có ý nghĩa gì trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Nguyên nhân dẫn đến sự lây lan của dịch bệnh là vấn đề mang tính hệ thống nằm ở bản chất và cần phải giải quyết bằng các nỗ lực đa phương.

Các nước thành viên cần phải trao quyền cho cơ quan đại diện EU để họ có thể can thiệp nhanh chóng và hiệu quả nhằm chống lại cơn bão COVID-19. Điều trước hết EU cần làm là hủy bỏ các điều khoản cân bằng ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng và mở rộng phạm vi Cơ chế Ổn định châu Âu.

Tuy nhiên, trong dài hạn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có lẽ nên tính đến chuyện phát hành “trái phiếu corona” để củng cố liên minh tiền tệ.

Cuộc chiến thật sự sẽ bắt đầu khi dịch bệnh qua đi. Việc kích thích nền kinh tế và đương đầu với khối nợ khổng lồ cần đến sự can thiệp mạnh mẽ của châu Âu cũng như sự phối hợp của các đối tác bên ngoài.

Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ châu Âu các trang thiết bị y tế và cũng có thể sẽ trở thành đồng minh quan trọng trong giai đoạn hậu COVID-19. EU và Trung Quốc có truyền thống hợp tác lâu đời trong nhiều lĩnh vực từ khoa học công nghệ cho tới nông nghiệp, môi trường, và đô thị hóa.

Phát huy nền tảng này sẽ là cách để 2 bên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thậm chí là đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu điều chế vắcxin phòng bệnh.

Sau cuộc khủng hoảng, châu Âu sẽ đối mặt với lựa chọn: làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đổ lỗi cho Trung Quốc về những điều tồi tệ; hoặc cùng họ tiếp tục chia sẻ “trái ngọt” từ một thế giới toàn cầu hóa và cùng nhau giải quyết những hệ quả từ tiến trình ấy. Châu Âu cần phải lựa chọn thật khôn ngoan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục