"Chiếc kính điệp viên" thay con người thể hiện cảm xúc

Nhà nghiên cứu Hirotaka Osawa thuộc trường đại học Tsukuba Nhật Bản đã phát minh "chiếc kính điệp viên" giúp con người lựa chọn cảm xúc thể hiện qua đôi mắt.
"Chiếc kính điệp viên" thay con người thể hiện cảm xúc ảnh 1"Chiếc kính điệp viên" có thể thay con người thể hiện các cảm xúc thông qua đôi mắt. (Nguồn: ohgizmo.com)

Bạn sẽ làm thế nào khi không muốn thể hiện cảm xúc thật của mình trước người khác? Câu trả lời đến từ một nhà khoa học Nhật Bản với phát minh cặp mắt kỹ thuật số có thể thể hiện các cảm xúc như vui vẻ, tức giận, hay thậm chí là buồn bã thay cho bạn.

Được phát triển từ một loạt công trình nghiên cứu có phần lập dị và phi thực tế, nhà nghiên cứu Hirotaka Osawa thuộc trường Đại học uy tín Tsukuba vừa trình làng "Chiếc kính điệp viên."

Ông Osawa cho biết ý tưởng tạo ra chiếc kính này xuất phát từ việc muốn xây dựng một hệ thống có khả năng thực hiện các hành vi, cư xử xã hội thay cho con người.

Cũng giống như robot có thể làm giảm nhu cầu lao động chân tay, chiếc kính điệp viên, trông giống như hai màn hình vô tuyến nhỏ được lắp vào gọng kính, có mục đích giảm bớt nhu cầu thể hiện cảm xúc của người dùng bằng cách thực hiện các chuyển động mắt thay cho họ.

Hai màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ (OLED), được nối với cảm biến chuyển động và một máy quay bên ngoài, thể hiện một cặp mắt dường như đang nhìn về một phía trong khi người dùng lại hoàn toàn nhìn về hướng khác.

Người dùng phải chọn lựa cảm xúc cần thể hiện từ trước- theo đó, nếu như họ muốn trông giống như đang chăm chú lắng nghe, thì phải bật chế độ này trước khi đeo kính.

Theo ông Osawa, một số ứng dụng của phát minh trên có thể giúp các nhân viên phục vụ trên các chuyến bay khi giải quyết với các hành khách khó tính, hoặc giúp giáo viên khi muốn thể hiện một hình ảnh thân thiện đối với những học sinh nhút nhát.

Ông Osawa nhấn mạnh khi khu vực dịch vụ phát triển và trở nên chuyên nghiệp, phát minh trên sẽ có vai trò ngày càng quan trọng, khi chúng ta buộc phải tỏ ra thấu hiểu đối với người khác. Điều đó đôi khi khiến chúng ta phải cư xử khác với cảm xúc thật của mình và công nghệ này có thể giúp được họ.

Cặp kính trên nặng 100g với thời gian hoạt động của pin là khoảng 1 tiếng, và chi phí làm nguyên mẫu chỉ hơn 30.000 yen (290 USD). Hiện phát minh này vẫn chưa được đưa vào sản xuất hàng loạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục