Chiếm lĩnh thị trường nội địa - Chính sách phải mới

Những yêu cầu mỗi ngày một cao hơn của các thượng đế “nhà” khiến các doanh nghiệp đang phải chuyển đổi tư duy kinh doanh để tồn tại.

Ông Đỗ Gia Phan, Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, xấu bao nhiêu, đắt bao nhiêu cũng mua”.
Những yêu cầu mỗi ngày một cao hơn của các thượng đế “nhà” khiến các doanh nghiệp đang phải chuyển đổi tư duy kinh doanh để tồn tại. Ngoài sự tự nỗ lực, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để có thể khai thác tối đa thị trường trong nước.

Ông Đỗ Gia Phan, Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: “Người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hàng Việt, nhưng không phải bằng bất cứ giá nào, xấu bao nhiêu, đắt bao nhiêu cũng mua”.

Tư tưởng ăn xổi


Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) mới đây đã công bố kết quả của một cuộc điều tra thị trường, theo đó, có tới 62% người tiêu dùng đã từng mua phải hàng giả, hàng xấu.

Trong khi đó, về phía người bán hàng chỉ có 20% trả lại tiền cho người mua, 49% đổi hàng cho khách và có tới 31% không giải quyết những “bức xúc” của người tiêu dùng khi hàng không đảm bảo chất lượng.

Dẫn chứng như, trong đợt khuyến mại vừa qua, nhiều cửa hàng quảng cáo giảm giá đến 50% nhưng khi khách vào thì chỉ có một, hai mặt hàng ế thừa giảm giá, còn đến 99% vẫn bán giá bình thường. Có cửa hàng tăng giá gấp đôi để giảm giá một nửa, hoặc bán hàng tồn đọng, kém chất lượng.

Theo ông Phan, vận động để người Việt dùng hàng Việt nhưng không có nghĩa là bảo hộ mậu dịch, đóng cửa với hàng hóa nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh song phẳng với nhau và với các doanh nghiệp nước ngoài để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Lưu Minh Đức, Phó phòng Quản lý công nghiệp Sở Công Thương Hà Nội lưu ý: tiêu chí hàng Việt nên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: máy in Canon, xe máy Yamaha…

Hàng Việt Nam cũng không chỉ bao gồm hàng hóa tiêu dùng mà còn là cả phụ tùng, linh kiện, vật tư nguyên liệu… do doanh nghiệp công nghiệp sản xuất cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp trong nước và các doanh nghiệp FDI.

Hiện cả nước có khoảng 350.000-400.000 doanh nghiệp, trong đó có 60-70% doanh nghiệp (kể cả sản xuất) tham gia hoạt đông phân phối. Trong số này có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu 60-95% sản phẩm của mình.

Việc trở về chiếm lĩnh thị trường nội địa không quá khó, nhưng doanh nghiệp nội cần phải thay đổi tư duy bán hàng. Hàng nội chỉ bán được khi các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra hàng hóa một cách trân trọng, tâm huyết, với chất lượng cao, tránh kiểu làm ăn tắc trách, qua quýt.

Sức ép mới

Hiện nay có 3 phân khúc thị trường mà người sản xuất cần phải nắm bắt để đáp ứng. Phân khúc người có thu nhập cao có khả năng tiêu dùng các mặt hàng chất lượng tốt, giá cả không thành vấn đề; phân khúc thứ hai là đối tượng trung lưu, có sức tiêu thụ lớn, với giá cả hợp lý; nhóm cuối cùng là người thu nhập thấp ở thành thị và nông thôn, có nhu cầu sử dụng hàng hóa chất lượng phải chăng, giá rẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo nhà sản xuất ngoài việc lưu tâm đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm thì cần phải biết tôn trọng khách hàng, coi khách hàng là đối tượng quyết định sự sống còn của sản phẩm.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại, chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu thương mại, chỉ ra rằng, từ 1/1/2010, hầu hết các mặt hàng, các công ty nước ngoài sẽ được phép bán hàng tại Việt Nam. Đây sẽ là thách thức không chỉ của các doanh nghiệp bán lẻ mà của tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Bản thân doanh nghiệp sản xuất sẽ bị mất thị phần nếu không liên tục nghiên cứu để phát triển các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Còn các nhà phân phối nếu không lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý, sớm muộn gì cũng sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay.

“Bà đỡ” ra tay

Hơn 70% người tiêu dùng Việt Nam đang sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, nên để chiếm lĩnh thị trường này, doanh nghiệp rất cần có chính sách ưu đãi của Nhà nước như trợ cước, trợ giá, giảm thuế cho hàng hóa đưa về khu vực này.

Ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận giảm lãi để bán hàng và trụ được ở thị trường nông thôn. Có thể kể đến các tên tuổi như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, các công ty xuất khẩu thủy sản An Giang, Sài Gòn Co.op... “Đối với khu vực này, Nhà nước phải có cơ chế hỗ trợ, tập trung đẩy mạnh sản xuất, kích cầu tiêu dùng”, ông Ruệ nhấn mạnh.

Được biết, tới đây Chính phủ sẽ sửa Nghị định 02 về hỗ trợ kênh phân phối ở vùng sâu, vùng xa. Các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để đứng vững trên sân nhà, chiếm lại lòng tin của người tiêu dùng bằng chất lượng hàng hóa, phù hợp với tập quán mua bán của người dân.

Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch, chính sách thu mua, tiêu thụ nông sản cho người dân để họ có tiền mua các hàng hóa do mình mang đến.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đưa ra đề xuất, cơ quan chức năng nên công bố tiêu chuẩn đối với các loại hàng hóa khi lưu hành trên thị trường.

Điều này sẽ giúp ngăn chặn những hàng hóa kém chất lượng ở nước ngoài tràn vào và đồng thời cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trong nước có “trách nhiệm” phải sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng nội địa.

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hơn hướng tới thị trường trong nước.

Đối với các chương trình hoạt động hỗ trợ năng lực cộng đồng doanh nghiệp như điều tra, khảo sát thị trường về người tiêu dùng, mạng lưới phân phối và thương nhân, tổ chức các hội thảo, tọa đàm thì được hỗ trợ 100% kinh phí.

Các hoạt động truyền thông (truyền hình, báo in, báo điện tử, các ấn phẩm…) cũng được hỗ trợ 100% kinh phí. Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí cho thực hiện các hội chợ nông sản, sản phẩm nông sản làng nghề, các hoạt động bán hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị./.

Bài viết trên được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnam+
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục