Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở tuổi thứ 2

Tương lai của sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phụ thuộc vào tính hợp pháp mà Washington có được thông qua mạng lưới các đồng minh trong khu vực.
Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở tuổi thứ 2 ảnh 1

Theo The Diplomat, trang mạng tạp chí The Diplomat đăng bài phân tích và đánh giá kết quả thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra sau hai năm.

Nội dung như sau:

Tương lai của sự lãnh đạo của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phụ thuộc vào tính hợp pháp mà Washington có được thông qua mạng lưới các đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên, ở mức độ nào đó, Mỹ đang ngày càng trở nên xa dần các đối tác châu Á của mình.

Một nghiên cứu gần đây lấy ý kiến của giới tinh hoa ở khu vực Đông Nam Á cho thấy có tới 68% số người được hỏi cho rằng sự can dự của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dưới thời Trump đã suy giảm.

Vào thời điểm khi mà các đối tác an ninh thương mại phát triển mạnh nhất của Mỹ đều nằm ở châu Á thì độ tin cậy của Washington ở khu vực vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một câu hỏi bỏ ngỏ, theo đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực có thể tìm cách "phòng bị nước đôi" trước các cam kết hoặc mở rộng các lựa chọn của họ.

Rõ ràng, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do của Chính quyền Trump là một "điểm cộng" đáng giá cho chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á.

Theo báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 6, chiến lược này tập trung chủ yếu vào sự can dự của Mỹ đồng thời ở nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, an ninh và có thể cả việc định ra những quy tắc, luật lệ vốn tuân theo lối tư duy chiến lược trước đó của Washington về khu vực này.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Trump, các đối tác khu vực dường như vẫn đang do dự trong việc triển khai các cam kết mà họ đã tái khẳng định trước đó đối với lời tuyên bố hùng hồn của Trump về một khu vực "tự do và mở."

Theo quan điểm của nhóm tác giả bài viết, vấn đề bắt nguồn từ sự khác biệt to lớn về nhận thức giữa Mỹ và châu Á.

Xét về mặt kinh tế và an ninh, Mỹ gia tăng áp dụng chính sách bảo hộ với các đồng minh truyền thống trong khu vực, thực hiện các chính sách loại trừ các đối thủ cạnh tranh chiến lược và "quay lưng" trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

Những chính sách về kinh tế và an ninh này của Washington đang làm vấy bẩn những nhìn nhận quốc tế về cam kết của Mỹ đối với sự thịnh vượng chung.

[Mỹ kêu gọi phối hợp duy trì ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Trong khi đó, xét về quản trị, những nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố quy tắc pháp trị, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, nhân quyền và dân chủ lại vấp phải "cơn bão ngược" của các chế độ chuyên quyền trên thế giới.

Trên thực tế, tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đã suy giảm tương đối so với tầm ảnh hưởng của các cường quốc đang trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ.

Bất chấp mối quan hệ bền chặt của Mỹ với khu vực về mặt kinh tế, quân sự và giao lưu nhân dân, giới hoạch định chính sách Mỹ cần phải thừa nhận thực tế rằng châu Á đã "vỡ mộng" trước khả năng Washington có thể đem lại các thành tựu tốt đẹp cho khu vực sau khi Washington đã tổn thất nặng nề trong các hoạt động can thiệp quân sự ở Trung Đông.

Trong khi đó, giới hoạch định quân sự cho rằng mức độ sẵn sàng can dự của Mỹ so với mức độ sẵn sàng của Nga và Trung Quốc là cả một khoảng cách.

Ví dụ, các sáng kiến mới đây của Mỹ, trong đó có Đạo luật BUILD, nhằm hỗ trợ nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 26 nghìn tỷ USD ở châu Á từ nay đến năm 2030 đang được triển khai ở dạng hỗ trợ phát triển.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Mỹ đã bị cản trở do hạn chế nguồn lực cũng như hạn chế trong công tác phối hợp giữa các nhà hoạch định chính sách và lĩnh vực tư nhân.

Bên cạnh đó, những công kích của Chính quyền Trump đối với các quy tắc thương mại tự do và coi thường các thể chế toàn cầu và các sáng kiến đa phương, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đã cho thấy Washington không có sự gắn kết và nhất quán trong chính sách.

Ngay cả những do dự ban đầu của Chính quyền Trump nhằm phản đối những vi phạm nhân quyền ở Myanmar và Philippines cũng như sự ra đi của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã càng làm rõ sự thất bại của Washington trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại và quá trình ra quyết định liên quan an ninh quốc gia.

Trong khi đó, xét về xu hướng chính trị ở Mỹ, cử tri nước này muốn lựa chọn những ứng cử viên phản đối các chính sách đối ngoại không đem lại lợi ích cho Mỹ.

Điều này được phản ánh qua chính sách "nước Mỹ trước tiên" của Trump, động lực gần đây của các ứng viên Dân chủ tiềm năng khi muốn chính sách đối ngoại của Mỹ mang tính chất bảo thủ hơn, ít phô diễn hơn, cũng như xu hướng ngày càng gia tăng về việc hợp nhất các lợi ích đặc biệt trong nước nhằm hạn chế sự can dự của Washington ở bên ngoài.

Những xu hướng nói trên đặt ra một thách thức to lớn đối với giới hoạch định chính sách Mỹ trong việc đáp ứng các kỳ vọng của nước ngoài về quá trình triển khai các cam kết của Mỹ đối với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là khi mối quan tâm của Washington ngày càng bị suy giảm do cán cân quyền lực Mỹ-Trung đã thay đổi.

Lợi ích hạn hẹp và chủ nghĩa giao dịch "bập bõm" của Trump trong cách hành xử các nước đối tác cũng như với các nước đối thủ đã tạo nên những hệ quả tiêu cực đối sự quản lý mạng lưới liên minh của Mỹ ở châu Á.

Ví dụ, Chính quyền Trump do dự can thiệp công khai những bất đồng và xung đột về thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn lan sang cả chính trị.

Điều này đã tạo thuận lợi để Trung Quốc "nhảy vào" can thiệp khi kêu gọi Seoul và Tokyo tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do 3 bên.

Các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng do dự tham gia chiến lược này của Mỹ.

Mặc dù các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ, Sri Lanka, Maldives, thậm chí Pakistan, bất bình về chiến lược "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc song sự phụ thuộc của các nước này đối với Trung Quốc về kinh tế buộc họ có thái độ lập lờ nước đôi với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, lúc thì xoay về Washington lúc thì lại xa lánh.

Do đó, tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nguy cơ trở nên bất ổn hơn với việc các nước trong khu vực này buộc phải bảo vệ những lợi ích của chính họ trước tiên trong bối cảnh thiếu một trật tự khu vực gắn kết dựa trên luật pháp.

Ở Biển Đông đang tranh chấp, ASEAN vẫn thận trọng trước khả năng hạn hẹp của Washington trong việc trừng phạt các hành động gây hấn không đối xứng của Bắc Kinh.

Những lãnh đạo của ASEAN như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào một cường quốc nước ngoài cách xa Manila mà giới phân tích khu vực ngày càng hoài nghi về vị thế bá quyền quân sự của nó.

Các cuộc thảo luận về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ chỉ gây trở ngại hơn nữa sự can dự của Mỹ.

Nếu yêu cầu của Bắc Kinh về việc không cho phép các nước ASEAN tập trận chung với cường quốc bên ngoài được chấp thuận trong nội dung COC thì điều này sẽ làm xói mòn những nỗ lực của ASEAN khi muốn duy trì vai trò của Washington ở Đông Nam Á.

Tình hình tương tự ở Nam Á. Vụ đụng độ ở khu vực biên giới gần đây giữa Ấn Độ và Trung Quốc và giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan vùng Jammu và Kashmir đang tranh chấp đã góp phần thúc đẩy New Delhi thực hiện chính sách ngoại giao quyết đoán hơn, trong đó tập trung mở rộng hợp tác quân sự và chia sẻ tình báo với Mỹ.

Thế nhưng, những chỉ trích của Trump về chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Ấn Độ kèm theo đó là sự không chắc chắn về cạnh tranh Mỹ-Trung, đã khiến New Delhi cũng có thái độ "lập lờ nước đôi" với Washington.

Theo các tác giả, Mỹ có thể làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền rằng những nỗ lực của họ ở khu vực không hoàn toàn liên quan việc chống lại Bắc Kinh.

Mỹ có thể làm tốt hơn khi thúc đẩy chính sách phát triển ở những nước mà các nguyên tắc về quản trị bền vững và bao hàm như tính minh bạch, giải trình có trách nhiệm và trao quyền cho người dân ở tầng lớp thấp, là những thực tiễn phổ biến.

Còn ở những nước cần xây dựng năng lực thể chế và phát triển cơ sở hạ tầng như Campuchia và Việt Nam, Mỹ cần tài trợ vốn cho họ.

Trong bối cảnh môi trường địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đa dạng và đầy biến động, con đường đi đến sự quản trị tốt sẽ vấp phải không ít thất bại.

Tuy nhiên, về lâu dài, sự hiện diện bền vững của Mỹ ở châu Á có thể giúp thuyết phục những nước vẫn hoài nghi về một hệ thống dựa trên luật pháp có thể thúc đẩy các điều kiện để đạt được sự ổn định chính trị và sức mạnh kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục