Chiến lược cải cách tư pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ

Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ ngành tư pháp.
Sáng 31/7, ngành kiểm sát nhân dân đã tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 65 điểm cầu là các đơn vị trong toàn ngành.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sau 8 năm, việc thực hiện Nghị quyết số 49 đã tạo nên diện mạo mới cho nền tư pháp quốc gia. Hội nghị tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được, phân tích làm rõ những nội dung thực hiện chưa tốt; nêu những bài học kinh nghiệm và đề xuất phương hướng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp trong ngành thời gian tới...

Toàn ngành đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị. Kết quả thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, công chức trong ngành.

Thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra,” Viện Kiểm sát đã chú trọng việc nắm bắt và quản lý thông tin về tình hình tội phạm; tăng cường kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; tích cực, chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, bám sát các hoạt động điều tra để làm rõ tội phạm...

Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện Kiểm sát Nhân dân nhằm thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.”

Việc nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động tư pháp thể hiện trong hoạt động kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự... Ngành tăng cường công tác kiểm sát việc thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án; đổi mới việc giải quyết các đơn thư khiếu nại thuộc thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp giải quyết các đơn, thư khiếu nại phức tạp, kéo dài trong các cơ quan tư pháp...

Việc thực hiện Nghị quyết 49 của ngành kiểm sát cũng đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc phối hợp giữa các bộ, ngành hữu quan với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004... chưa khẩn trương, tích cực. Nhiều văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đánh giá đến nay vẫn chưa đủ các quy định pháp luật bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền năng pháp lý của Viện Kiểm sát trong thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Chủ trương nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa - khâu đột phá của hoạt động tư pháp đã được xác định từ Nghị quyết 08-NQ/TW và tiếp tục được nhấn mạnh trong Nghị quyết 49. Tuy nhiên, đến nay về mặt lý luận còn có những quan điểm, nhận thức khác nhau về các vấn đề liên quan đến tranh tụng tại phiên tòa.

Về thực tiễn, đội ngũ kiểm sát viên, luật sư và các chức danh tư pháp khác chưa được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng tranh tụng; chưa có kinh nghiệm thực tiễn về tranh tụng. Do vậy, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa còn hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu cải cách tư pháp. Số vụ án có luật sư tham gia chiếm tỷ lệ thấp; vẫn còn xẩy ra tình trạng vắng mặt luật sư tại phiên tòa...

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, thời gian tới, ngành kiểm sát xác định đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hoạt động tư pháp; đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng xây dựng dự án Luật tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Ngành tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát các cấp; thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho Viện kiểm sát các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra,” “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”; kết quả nâng cao chất lượng công tác xét xử và thực hiện chủ trương nghiên cứu việc thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân theo khu vực; đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.../.

Quỳnh Hoa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục