Chiến lược chống khủng bố của Maroc là mô hình thiết thực ở Sahel

Chiến lược chống khủng bố của Maroc được xem là một mô hình thiết thực đối với các nước trong khu vực nhằm loại bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại khu vực Sahel.
Chiến lược chống khủng bố của Maroc là mô hình thiết thực ở Sahel ảnh 1 Cảnh sát Maroc tuần tra trên phố ở Rabat ngày 11/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Một báo cáo do viện nghiên cứu có uy tín Potomac của Mỹ nhận định chiến lược chống khủng bố của Maroc, từ tăng cường hợp tác quốc tế đến phát triển những cách thức tiếp cận giúp thúc đẩy các giá trị chính yếu của Hồi giáo, được xem là một mô hình thiết thực đối với các nước trong khu vực nhằm loại bỏ chủ nghĩa cực đoan bạo lực tại khu vực Sahel.

Báo cáo mang tên "Chủ nghĩa khủng bố tại Bắc Phi và Sahel" cho biết trong khi những thách thức an ninh còn hiện diện tại Maroc, thì nhà chức trách nước này vẫn tiếp tục cải thiện được năng lực chống khủng bố như bắt giữ nhiều kẻ khả nghi và chặn đứng các âm mưu tấn công.

Báo cáo đánh giá mặc dù tình hình an ninh tại Maroc là tốt, song cuộc xung đột xung quanh vấn đề Tây Sahara cùng với chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định trong khu vực.

Báo cáo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề Tây Sahara càng sớm càng tốt.

Bản báo cáo ước tính có tới 235 vụ tấn công trong toàn khu vực Maghreb và Sahel, trong đó các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Libya, Mali, Tunisia, Algeria, Niger và Cộng hòa Chad.

Báo cáo đã nêu bật sự cấp thiết phải đánh giá những thiệt hại về người, xã hội, kinh tế, chính trị và chiến lược của mỗi vụ tấn công trên.

Để loại bỏ những hành động khủng bố và những tác động tiêu cực đối với khu vực Sahel, viện Potomac kêu gọi các nước phương Tây phối hợp với các nước trong khu vực để tăng cường năng lực chống khủng bố, theo đó quan trọng là hướng tới các kế hoạch chính trị, xã hội, kinh tế nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất đối với những mối đe dọa lớn này đến sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Trên tinh thần đó, báo cáo đưa ra 5 đề xuất, trong đó kêu gọi soạn thảo một chiến lược tổng thể nhằm đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Phi, thực hiện những giải pháp hiệu quả cùng với các đối tác quốc tế và khu vực nhằm loại bỏ sự bất ổn và bạo lực trong khu vực.

Báo cáo cũng khuyến nghị tăng cường năng lực an ninh cho các nhà lãnh đạo trong khu vực và đầu tư phát triển nguồn nhân lực và kinh tế để tăng cường an ninh quốc gia và khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục