Chiến lược của Nga và sai lầm của Mỹ trong cung cấp viện trợ cho Syria

Sự lựa chọn mà chính quyền ông Biden phải đối mặt là liệu có nên tạo dựng đòn bẩy mà nước này có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán với Moskva, hay nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga một lần nữa.
Chiến lược của Nga và sai lầm của Mỹ trong cung cấp viện trợ cho Syria ảnh 1Trẻ em Syria xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở gần làng Yazi Bagh, phía bắc tỉnh Aleppo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, sau nhiều tháng né tránh một cuộc đối đầu công khai, Đặc phái viên Mỹ tại Liên hợp quốc, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, đã trút giận trước những nỗ lực của Nga hạn chế viện trợ nhân đạo cho Syria.

“Đây là một cuộc bỏ phiếu sinh tử cho người dân Syria và Nga đã chọn phương án tử,” bà Thomas-Greenfield nói với báo chí sau khi Nga phủ quyết việc gia hạn chương trình viện trợ cho Syria tại cuộc họp ngày 8/7 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, 3 ngày sau, Mỹ đã nhượng bộ trước yêu cầu của Nga. Moskva không có được sự ủng hộ của một thành viên nào khác trong Hội đồng Bảo an - 12 nước ủng hộ quan điểm của Mỹ và Trung Quốc bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, Washington vẫn nhượng bộ. Tại sao?

[LHQ nhất trí gia hạn chương trình viện trợ xuyên biên giới cho Syria]

Chính quyền ông Biden đã mắc một sai lầm nghiêm trọng là đàm phán không có đòn bẩy. Đáng lẽ ra, họ phải xây dựng khả năng cung cấp viện trợ của Mỹ và đồng minh mà không cần sự trợ giúp từ các cơ quan Liên hợp quốc, do đó, quyền phủ quyết của Nga sẽ không ngăn chặn kênh viện trợ.

Thay vào đó, Chính quyền Biden để Moskva biến hàng triệu người Syria thành con tin, dẫn đến việc lựa chọn duy nhất của Mỹ và các đồng minh là chấp nhận các yêu cầu của Nga hoặc để dân thường chết đói.

Moskva đã đưa ra nhiều cảnh báo rằng họ sẽ theo đuổi chiến lược này, nhưng Nhà Trắng đã không suy nghĩ lại kế hoạch của mình.

Người Nga đã làm việc trong nhiều năm để cắt đứt nguồn cung cấp viện trợ cho bất kỳ khu vực nào của Syria nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền ông Assad.

Khu vực cuối cùng vẫn nhận được hỗ trợ là ở phía Tây Bắc của đất nước, tiếp giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Khu vực này có khoảng 4,4 triệu dân, bao gồm 1 triệu trẻ em. Gần 2/3 chạy trốn để thoát khỏi sự áp bức của chế độ.

Khoảng 800.000 người sống trong lều bạt, ngay cả trong mùa Đông. Nhiều người khác sống trong đống đổ nát.

Về lý thuyết, sự hỗ trợ sẽ đến tất cả các vùng của Syria thông qua chính quyền Damascus; tuy nhiên, kể từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến, ông Assad đã chặn hoặc tịch thu các chuyến hàng đến các khu vực nằm ngoài sự kiểm soát của mình.

Hội đồng Bảo an đã phản ứng vào năm 2014 bằng cách ủy quyền cho các cơ quan Liên hợp quốc bỏ qua chế độ Assad và vận chuyển viện trợ qua biên giới Syria, chuyển trực tiếp đến những người có nhu cầu.

Trước khi can thiệp quân sự nhân danh chế độ Assad, Nga đã hợp tác một phần trong các vấn đề nhân đạo và chấp thuận giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, họ sớm bắt đầu cản trở các hoạt động viện trợ xuyên biên giới.

Moskva có thể đủ khả năng để kiên nhẫn vì mỗi lần gia hạn đều tạo cơ hội cho họ giành thêm các nhượng bộ. Cách tiếp cận của Nga đối với các cuộc đàm phán rất đơn giản và nhất quán: Đặt Mỹ và các đồng minh của họ đứng trước sự lựa chọn tồi tệ: giữa ít viện trợ hoặc không có viện trợ nào cả.

Chính quyền ông Trump đã không tạo được sự phản kháng hiệu quả đối với người Nga tại Liên hợp quốc, một phần vì bản thân Tổng thống Trump không coi vấn đề này là quan trọng.

Ngược lại, trong những tháng đầu cầm quyền, chính quyền ông Biden đã nói rõ rằng các vấn đề nhân đạo sẽ là trọng tâm trong chính sách Syria của họ.

Chiến lược của Nga và sai lầm của Mỹ trong cung cấp viện trợ cho Syria ảnh 2Người dân Syria bị mất nhà cửa do chiến tranh tại Dana, Tây Bắc Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Vladimir Putin ở Vienna năm ngoái, chính Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng việc tái cho phép viện trợ xuyên biên giới cho Syria là một ưu tiên đối với cá nhân ông. Moskva đồng ý gia hạn một năm cho hoạt động này.

Sau đó, rất nhiều tổ chức phi chính phủ giúp quản lý các chương trình viện trợ đã thở phào nhẹ nhõm, song đánh giá của họ về chính sách của Mỹ vẫn còn gay gắt.

Oxfam cho biết sự gia hạn này "đáng tiếc là chưa đủ." Các bác sĩ làm việc cho các tổ chức nhân quyền gọi đó là một "sự thỏa hiệp đáng xấu hổ" với các yêu cầu của Nga.

Logic của họ rất đơn giản: Viện trợ sẽ vẫn còn bấp bênh chừng nào Nga có thể đe dọa phủ quyết vào tháng 7 hằng năm và lại tiếp tục có được các nhượng bộ.

Để loại bỏ các mối đe dọa từ Nga, Washington sẽ phải tạo ra một Kế hoạch B để cung cấp viện trợ xuyên biên giới mà không cần sự hỗ trợ của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, thay vì chấp nhận lựa chọn này, chính quyền đã bác bỏ và coi đó như một động thái gây mất tập trung.

Tháng trước, bà Thomas-Greenfield đã đến biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria để thúc đẩy việc tái cho phép hoạt động viện trợ xuyên biên giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với Syria TV, một mạng lưới truyền thông chống Assad, cuộc thảo luận nhanh chóng chuyển sang chủ đề liệu Mỹ có đang phát triển một kênh thay thế cho việc chuyển hàng viện trợ trong trường hợp Nga sử dụng quyền phủ quyết hay không.

Bà Thomas-Greenfield trả lời: “Tôi không xúc tiến một giải pháp thay thế nào vào lúc này," và nói thêm rằng bà biết Liên hợp quốc có thể đang theo Kế hoạch B, "nhưng tôi không thực hiện Kế hoạch B. Tôi đang triển khai Kế hoạch A.”

Phân tích sâu hơn, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh rằng việc phát triển Kế hoạch B sẽ chỉ giúp ích cho Nga, vì chính sự tồn tại của một phương án thay thế có thể khiến quyền phủ quyết ít gây tổn hại hơn cho những người Syria dễ bị tổn thương.

Tiền đề thiếu sót của lập luận này là ông Putin có thể chùn bước, không dám gây tổn hại quá nhiều cho dân thường.

Hy vọng đó dường như đã xa rời thực tế nếu tính đến việc những hành động tàn bạo của các lực lượng Nga hiện đang diễn ra trên khắp Ukraine - như đã từng diễn ra trên khắp Syria.

Sự nhượng bộ chính mà Mỹ đã dành cho Nga là nghị quyết của Hội đồng Bảo an ngày 20/7 chỉ gia hạn việc cho phép hoạt động viện trợ xuyên biên giới trong 6 tháng, trong khi các lần gia hạn trước đó là 12 tháng.

Sự khác biệt có vẻ mang tính lý thuyết, nhưng như bà Thomas-Greenfield giải thích, sự không chắc chắn của mốc thời gian ngắn hơn sẽ hạn chế khối lượng viện trợ, vốn đã thấp hơn nhiều so với mức cần thiết.

Hơn nữa, lệnh gia hạn 6 tháng sẽ chấm dứt vào tháng 1/2023, "vào giữa mùa Đông khi nhu cầu ở mức cao nhất." Điều này sẽ làm tăng đòn bẩy của Nga, vì ngay cả việc tạm ngừng viện trợ trong thời gian ngắn cũng có nguy cơ làm gia tăng trường hợp tử vong do sự khắc nghiệt của thời tiết.

Tạo ra một kênh viện trợ thứ hai cho khu vực Tây Bắc Syria sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

Trong 8 năm qua, các cơ quan của Liên hợp quốc đã xây dựng được năng lực hậu cần ấn tượng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, một thành tích mà các cơ quan khác khó có thể làm được.

Các tổ chức phi chính phủ hợp tác với Liên hợp quốc có thể ngại làm việc với các tổ chức khác hoặc ngược lại.

Tuy nhiên, một nhiệm vụ khó vẫn tốt hơn là một nhiệm vụ bất khả thi, chẳng hạn như thuyết phục Nga đặt lợi ích của người dân Syria lên trên lợi ích của giới cầm quyền nước này.

Sự lựa chọn mà chính quyền ông Biden phải đối mặt là liệu có nên tạo dựng đòn bẩy mà nước này có thể sử dụng trong các cuộc đàm phán với Moskva, hay nhượng bộ trước các yêu cầu của Nga một lần nữa trong thời gian 6 tháng tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục