Chiến lược 'phòng bị nước đôi' của Trung Quốc ở vùng Vịnh

Trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai và Con đường tiếp tục được định hình ở Trung Đông, người ta kỳ vọng sẽ chứng kiến mối quan hệ hợp tác rộng mở hơn giữa Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh.
Chiến lược 'phòng bị nước đôi' của Trung Quốc ở vùng Vịnh ảnh 1Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong chuyến thăm Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng easasiaforum.org, hồi tháng 2/2019, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có chuyến công du “ồn ào” đến Trung Quốc. Hai bên đã ký kết 35 bản ghi nhớ hợp tác, trong đó có một thỏa thuận dầu khí mà tin tức đưa tin trị giá 10 tỷ USD.

Một số ý kiến nhìn nhận sự kiện này là sự phản ánh mối quan hệ Mỹ-Saudi Arabia đang trở nên tồi tệ hơn sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại hồi năm 2018.

Thực tế thì đây là một phần trong mối quan hệ song phương ngày càng tốt đẹp hơn giữa Trung Quốc và Saudi Arabia vốn đã được thắt chặt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1990.

Chuyến thăm trên cũng là một phần trong mối quan hệ ngày càng lớn mạnh giữa Trung Quốc với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) như Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar và Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đối với các thể chế quân chủ vùng Vịnh, mối quan hệ sâu sắc với các cường quốc bên ngoài khu vực là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại và an ninh của họ. Mỹ đã thể hiện vai trò quan trọng này kể từ sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh khi ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Bahrain, Kuwait, Qatar và UAE. Quan hệ của Washington với các quốc gia vùng Vịnh cũng phát triển dựa trên hiệp định tiếp cận các cơ sở hạ tầng mà nước này ký với Oman hồi năm 1980.

Như theo Học thuyết Carter, Mỹ đã kiên định thực hiện chính sách cân bằng tiếp cận quyền lực đối với khu vực vùng Vịnh với 2 mục tiêu: đảm bảo rằng không có một cường quốc bên ngoài nào có thể thách thức vai trò bá quyền của Mỹ; đảm bảo không một quốc gia khu vực nào trở thành đủ mạnh để phá hủy sự cân bằng mong manh này.

[Trung Quốc, Saudi Arabia ký thỏa thuận lọc dầu trị giá 10 tỷ USD]

Dưới chiếc ô an ninh của Mỹ đối với khu vực, Trung Quốc lại đang tận dụng sự đảm bảo an ninh này để làm sâu sắc ở mức độ đáng kể sự hiện diện của mình ở vùng Vịnh. Trọng tâm của Bắc Kinh chủ yếu là kinh tế.

Là một nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc coi các nước vùng Vịnh là những đối tác thương mại quan trọng.

Trong giai đoạn từ 2000-2017, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và GCC tăng vọt lên gần 150 tỷ USD từ con số chỉ chưa đầy 10 tỷ USD. Tuy nhiên, đây không đơn thuần là trao đổi thương mại một chiều. Mối quan hệ thương mại này tương đối cân bằng và thậm chí Bắc Kinh còn xuất khẩu nhiều hơn đến Bahrain và UAE hơn là nhập khẩu.

Ngoài thương mại, quan hệ kinh tế cũng phát triển đầy đủ với tài chính và đầu tư là hai trụ cột khác. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào GCC ở mức đáng kể, đạt gần 90 tỷ USD trong giai đoạn từ 2005-2018. Mức đầu tư này có ý nghĩa quan trọng đối với các nước vùng Vịnh trong bối cảnh họ đều chịu sức ép phải xây dựng mô hình kinh tế đa dạng hơn, và cũng đang thực hiện các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng "khổng lồ."

Các công ty Trung Quốc đặc biệt có lợi khi tận dụng được lợi thế này, với cách tiếp cận mang tính cạnh tranh đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vốn đang thúc đẩy mạnh mẽ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh.

Các thể chế của Trung Quốc cũng đang thiết lập các quỹ đầu tư với các quỹ đầu tư nhà nước của các quốc gia khu vực để cấp vốn cho các dự án liên quan các chương trình đa dạng hóa vùng Vịnh và BRI. Cho đến thời điểm này, UAE và Qatar đã thiết lập các quỹ chung trong khi Saudi Arabia và Kuwait được cho là đang ở giai đoạn lên kế hoạch. Cả UAE và Qatar cũng đã thiết lập thỏa thuận hoán đổi tiền tệ theo đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc nhằm hỗ trợ nhiều dự án mà các công ty của Trung Quốc đang triển khai trong khu vực. Với việc các ngân hàng Trung Quốc thiết lập sự hiện diện của họ trong khu vực, phần lớn ở Dubai, đồng Nhân dân tệ được kỳ vọng sẽ được sử dụng nhiều hơn trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và GCC.

Chiến lược 'phòng bị nước đôi' của Trung Quốc ở vùng Vịnh ảnh 2Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Al Arabiya)

Nhiều ý kiến cho rằng bản chất những mối quan hệ kinh tế này là một dấu hiệu của sự yếu kém cố hữu. Khi không có thỏa thuận an ninh tương ứng, Trung Quốc sẽ không bao giờ được coi là một cường quốc hàng đầu trong khu vực.

Theo cách nhìn nhận này, Bắc Kinh là kẻ cơ hội khi hưởng thụ miễn phí lợi thế kinh tế của một lỗ hổng mà kiến trúc an ninh của Mỹ tạo ra ở khu vực. Nếu Bắc Kinh không sẵn sàng bảo vệ các khoản đầu tư và thương mại của mình bằng sự đảm bảo an ninh thì nước này sẽ không được nhìn nhận một cách nghiêm túc ở vùng Vịnh.

Mặc dù vậy, quan điểm này đã không đề cập đến cách tiếp cận của Trung Quốc. Trung Quốc đã có những bước đi chậm rãi và phần lớn là thầm lặng tiến tới một vai trò an ninh lớn hơn. Những năm gần đây đã chứng kiến các cuộc tập trận quân sự chung, các cuộc gặp cấp cao được tăng cường giữa giới chức quốc phòng, các chuyến viếng thăm tàu hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các thương vụ buôn bán vũ khí ngày một quan trọng.

Mặc dù không điều nào nói trên sánh ngang với vai trò an ninh của Mỹ đối với khu vực nhưng điều này không hẳn như vậy. Vì sự hiện diện an ninh lớn hơn của Trung Quốc sẽ phần nhiều bị coi là một thách thức đối với Washington. Chẳng có ích gì trong việc đối kháng với Mỹ ở khu vực và giới lãnh đạo Bắc Kinh dường như hiểu rõ điều này.

Quan trọng hơn, Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận bị coi là một cường quốc quân sự lớn ở Trung Đông. Mặc dù BRI đang giúp gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh nhưng chưa thể giúp nước này có sức mạnh quân sự ngang bằng với Mỹ. Vì vậy, Bắc Kinh đã sử dụng sự hiện diện kinh tế của mình như là phương tiện để làm sâu sắc hơn mối quan hệ trong một khu vực đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược, đồng thời tìm cách để không bị nhìn nhận là kẻ phá bĩnh (mối quan hệ Mỹ với khu vực) hoặc có tham vọng quá lớn lao ở vùng Vịnh.

Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “phòng bị nước đôi” ở vùng Vịnh, vừa tìm cách xây dựng mối quan hệ bền chặt với từng quốc gia trong khu vực tại thời điểm mà cam kết của Mỹ với Trung Đông đang bị hoài nghi. GCC lại đặc biệt tiếp nhận mối quan tâm này từ Trung Quốc, mong muốn thắt chặt quan hệ với các cường quốc ngoài khu vực với lợi ích là đạt được sự ổn định vùng Vịnh.

Trong bối cảnh BRI tiếp tục được định hình ở Trung Đông, người ta kỳ vọng sẽ chứng kiến mối quan hệ hợp tác rộng mở hơn giữa Trung Quốc và GCC./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục