Chiến lược Trung Đông mới của Mỹ có thực sự khả thi?

Chiến lược mới của Mỹ, ám chỉ đến chuyến công du của ông Pompeo tới các nước Arab, đặt ra một số câu hỏi trong bối cảnh Tehran tiếp tục can thiệp vào Syria, Iraq, Afghanistan, Yemen và cả Liban.
Chiến lược Trung Đông mới của Mỹ có thực sự khả thi? ảnh 1Đoàn xe của các lực lượng Mỹ được triển khai tại làng Yalanli, ngoại ô phía tây thành phố Manbij, Syria, ngày 5/3/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com mới đây đăng bài viết của Mohamed Chebaro - một nhà báo người Anh gốc Liban có hơn 25 năm kinh nghiệm về các vấn đề chiến tranh, khủng bố, quốc phòng, thời sự và ngoại giao - đề cập đến chiến lược Trung Đông mới của Mỹ.

Nội dung bài viết như sau:

Khi quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Syria - để lại một khoảng trống chắc chắn sẽ làm tổn thương bạn bè của Mỹ và trực tiếp làm lợi cho những kẻ thù của Mỹ như Nga, Iran và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố từ Cairo rằng các biện pháp ngoại giao khó có thể loại bỏ được những người Iran cuối cùng khỏi mảnh đất Syria.

Không rõ phát biểu của Pompeo dựa trên cơ sở nào, đặc biệt là khi các chính sách của Tổng thống Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ Iran ở Trung Đông.

Các tướng quân đội của Iran thường khoe rằng nước này có thể tiếp cận Địa Trung Hải thông qua các đồng minh của họ ở Iraq, Syria và Liban, cũng như tiếp cận các tuyến đường hàng hải tấp nập trên Biển Đỏ thông qua các đồng minh phiến quân Houthi của họ ở Yemen.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những lời hứa của ông Pompeo có thể thực hiện được trong năm 2019 và xa hơn nữa, vì Washington thậm chí đã thất bại trong việc "tống cổ" Iran khỏi Iraq kỷ nguyên hậu Saddam Hussein.

Người Iraq thuộc mọi tầng lớp đều nhất trí rằng Iran là nhà môi giới quyền lực chính ở nước này, và những người phản đối mệnh lệnh chiến lược của Tehran thường bị gạt ra ngoài lề.

Kể từ năm 2003, không có gì bí mật khi Tehran, thông qua Lực lượng Quds và vị chỉ huy Qassem Soleimani, đã tự coi mình là "người bảo vệ" Iraq.

Trong bài phát biểu tại Cairo và những bình luận đưa ra sau đó tại các quốc gia Arab và vùng Vịnh khác, ông Pompeo đã khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh sẽ nỗ lực củng cố lập trường chung chống Iran, trước khi thông báo một hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại Ba Lan vào trung tuần tháng 2 tới với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Tehran trong khu vực.

Tuy nhiên, Iran không mạnh như Ngoại trưởng Mohammed Javad Zarif tuyên bố trong một dòng tweet mới đây, khi các cuộc biểu tình phản đối chính sách kinh tế thất bại của chính phủ gia tăng.

Mặc dù sự trượt giá của đồng rial - đồng nội tệ của Iran - có thể đã được ổn định bất chấp việc Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2018, song tâm trạng thù địch của người dân nước này đối với sự can thiệp nước ngoài của Cộng hòa Hồi giáo Iran đang ngày càng gia tăng.

Mọi người phẫn nộ vì các khoản ngân quỹ thay vì phục vụ người dân lại được rót cho các lực lượng dân quân Shi'ite ở nhiều nơi trong thế giới Arab, cũng như giúp đỡ người Palestine, đặc biệt là phong trào Hamas, chống lại Israel. Đa số người Iran cho rằng những yếu tố này gây hại cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng của Iraq.

[Tổng thống Mỹ Trump không từ bỏ cuộc chiến chống Iran?]

Trong các tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo dường như đã tránh đề cập chiến lược mới khi ông kêu gọi các nước ở Trung Đông chấm dứt "các cuộc cạnh tranh bấy lâu nay vì lợi ích lớn hơn của khu vực."

Chuyến công du của ông Pompeo không thể diễn ra vào thời điểm tệ hơn vì những mối lo ngại đang gia tăng, ngay cả trong các đồng minh Arab, rằng các chính sách của Mỹ trong khu vực đã trở nên bất ổn và không đáng tin cậy. Kế hoạch mà ông Trump đã cam kết từ lâu về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và người Palestine cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.

Trong khi đó, Washington đã chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel đến Jerusalem, bất chấp những quan ngại của các nước Arab và phương Tây.

Một phân tích ngắn gọn về lập trường của Mỹ đối với các sự kiện lớn ở Trung Đông trong thập kỷ qua cho thấy một khoảng cách rõ rệt giữa lập trường ngoại giao công khai của Washington với các quyết định của Nhà Trắng, được cho là không những chẳng có lợi mà còn gây hại hơn cho các vấn đề quân sự, chính trị và xã hội. Những nỗ lực sửa đổi nhằm ngăn chặn các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chiến lược can thiệp của Iran đã được đẩy mạnh, nhưng nếu điều đó được tiếp tục thực hiện về lâu dài sẽ cần sự nhất quán của Mỹ và khả năng duy trì sức ép ngay cả khi chính quyền thay đổi.

Trong 40 năm kể từ khi thành lập, chế độ Cộng hòa Hồi giáo Iran đã thể hiện sự hiếu chiến và thách thức khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Trong suốt cuộc khủng hoảng con tin Mỹ, chiến tranh Iran-Iraq, cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ chiếm đóng Iraq và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), Iran luôn tìm cách thúc đẩy lợi ích của họ và các đồng minh chủ chốt, gây bất lợi cho các đồng minh truyền thống của Mỹ, bao gồm cả Israel.

Thậm chí, theo Tham mưu trưởng Lực lượng Quốc phòng Israel Gadi Eisenkot, chính sách ngăn chặn Iran ở Liban và Syria cũng không ngăn cản được tham vọng của Tehran. Thay vào đó, nó đã gây trở ngại nhưng không thể làm Iran suy yếu.

Vì vậy, chiến lược mới của Mỹ, ám chỉ đến chuyến công du của ông Pompeo tới các nước Arab chủ chốt, đặt ra một số câu hỏi trong bối cảnh Tehran tiếp tục can thiệp vào Syria, Iraq, Afghanistan, Yemen và tất nhiên là cả Liban./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục