Vững vàng nơi đầu sóng

Chiến sỹ Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Xa nhà, xa quê hương nhưng lính đảo Trường Sa rất ít khi nói tới những khó khăn, thiếu thốn mà luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Giáp Tết Quý Tỵ 2013, cùng tàu HQ 561 vượt qua những con sóng lớn trong mùa biển động, chúng tôi cùng đoàn công tác của Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân có dịp qua 11 đảo, điểm đảo tuyến giữa quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Như nhiều vùng, miền khác trong cả nước, vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cũng đang đón Xuân mới với nhiều đổi thay mới, niềm vui mới và những chiến công mới.

Đảo xa không xa

Từ Sinh Tồn cho tới Len Đao, Cô Lin, rồi Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ tới Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh… ở nơi đâu chúng tôi cũng cảm nhận được không khí đón Xuân mới vui tươi, đầm ấm. Khoảng cách hàng trăm hải lý từ quân cảng Cam Ranh tới các đảo như đã gần hơn khi hầu hất các đảo đều có điện gió, điện năng lượng Mặt Trời, sóng điện thoại di động. Trên các đảo, cả đảo nổi lẫn đảo chìm đều được trang bị hệ thống truyền hình vệ tinh, có tủ sách báo với đầy đủ các loại sách, tạp chí. Lính đảo vui Xuân dù xa nhà, xa quê hương song vẫn có bánh chưng, thịt lợn tươi rói cùng đào thắm, mai vàng, bánh mứt kẹo... Tết ở đảo đầm ấm, sum họp, cán bộ, sỹ quan chỉ huy và chiến sỹ như anh em một nhà, cùng vui liên hoan văn nghệ.

Với tinh thần “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa,” Tết này, ngoài chế độ, tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân còn có cả những thùng quà từ đất liền gửi ra đảo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Tổng công ty thương mại Sài Gòn, Nhà văn hóa phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh... Tấm lòng của bà con khắp mọi miền Tổ quốc hướng về Trường Sa giúp cho những người lính đảo càng thêm vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, gìn giữ chủ quyền cho mùa Xuân nơi đất mẹ mãi mãi yên bình.

Trên đảo Sinh Tồn, chúng tôi đã có dịp chứng kiến cuộc sống của quân và dân nơi đây. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, xã đảo Sinh Tồn đã được đầu tư xây dựng khang trang, nhìn từ xa như một thành phố nhỏ trên biển.

[Những người lính giữ biển đặc biệt tại Trường Sa]

Anh Cao Văn Giáp - người thanh niên tình nguyện từ miền đất Ninh Hòa (Khánh Hòa) năm nào nay đã là Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã. Gần 5 năm công tác ở đảo, ngoài công việc của lãnh đạo chính quyền cơ sở, anh còn làm giáo viên tiểu học, đảm nhiệm việc giảng dạy cho học sinh đang sinh sống trên đảo.

Anh cho biết lập gia đình được 4 tháng nhưng anh chỉ ở trong đất liền hơn 1 tháng rồi lại ra đảo vì công việc, vì nhớ lớp học ở hải đảo. Ở đảo, bà con được hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, đầy đủ tiện nghi, trang bị dụng cụ đánh bắt hải sản gần bờ lại được cán bộ, chiến sỹ ở đảo hướng dẫn cách trồng rau xanh, chế biến hải sản, chăm sóc sức khỏe… nên người dân giờ đã thực sự ổn định cuộc sống, gắn bó với đảo lâu dài…

Trên các đảo chìm như Len Đao, Tiên Nữ, Tốc Tan, Núi Le cuộc sống vật chất và tinh thần của người lính đảo cũng được nâng cao rõ rệt. Tuy là đảo chìm, từng nắm đất phải đem từ đất liền ra nhưng đảo nào cũng có vườn rau xanh mướt, có cả chuồng nuôi gia cầm. Những giàn mùng tơi, chậu rau muống, bầu đất… qua tay người lính đảo vươn lên trên sóng gió, mang đậm hương vị quê nhà.

Đặc biệt, ở đảo Tốc Tan B còn có cả vườn thuốc nam với các loại đinh lăng, diếp cá, lá lốt… bình dị như ở đất liền. Tại đảo Sinh Tồn Đông và Phan Vinh, ngoài phong ba, bàng vuông, còn có các loại cây thân thuộc mang hình bóng quê nhà như dừa, phi lao, tre ngà...

Giờ đây, các đảo còn là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ. Đảo nào cũng có phương tiện cứu hộ, cứu nạn hiện đại và lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu ngư dân, tàu cá khi có thiên tai, sự cố xảy ra. Nhiều trường hợp ngư dân ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa... đã được anh em lính đảo lai dắt, ứng cứu kịp thời khi gặp thiên tai; cung cấp nước ngọt, thực phẩm, thuốc men trong các chuyến đánh bắt hải sản dài ngày trên biển….

Quyết giữ vững chủ quyền biển, đảo

Xa nhà, xa quê hương nhưng đa số những người lính đảo Trường Sa mà chúng tôi gặp rất ít khi nói tới những khó khăn, thiếu thốn. Đối với họ, việc thực hiện nhiệm vụ canh giữ bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương là công việc rất đỗi thiêng liêng, cao cả. Có người mới trở về sau khi hoàn hành nhiệm vụ ở các đảo khác nhưng khi cần họ lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ ra đảo. Trên mỗi đảo, có những người lính chỉ nhận nhiệm vụ 1 năm nhưng cũng có người kéo dài tới 18 tháng, thậm chí 2 năm.

Tại đảo chìm Núi Le - một trong những đảo xa đất liền nhất, chúng tôi đã gặp Đại úy Nguyễn Hồng Quân - Chỉ huy trưởng của đảo. Là một trong những đảo chìm có địa hình phức tạp, địa bàn quản lý rộng, có hai điểm đảo Núi Le A và Núi Le B nhưng những năm qua, Núi Le luôn đạt danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện, đơn vị tiên tiến.

Anh cho biết: "Lính đảo chìm luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng chúng tôi nhìn vào khó khăn để tìm ra các giải pháp khắc phục. Đơn cử như việc khắc phục tình trạng thiếu rau xanh bằng cách tạo ra các khoảng vườn cơ động để gieo trồng rau, ngoài giờ trực chiến, huấn luyện, anh em dành thời gian chăm sóc vườn rau, tăng gia sản xuất. Chính vì vậy, dù sóng gió, khí hậu khắc nghiệt nhưng ở Núi Le, đảo vẫn đảm bảo cho cán bộ, chiến sỹ đủ rau xanh 2 bữa trong mỗi ngày. Cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le thực hiện tốt các tiêu chuẩn về xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, huấn luyện giỏi, duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu. Vượt lên những khó khăn, anh em cán bộ, chiến sỹ luôn tự nhủ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao."

Lời chúc Tết đầu xuân của anh đối với những người trong đất liền thật nhiều ý nghĩa: "Hãy tin tưởng vào chúng tôi, dù bất cứ khó khăn, gian khổ đến đâu chúng tôi vẫn vững tay súng bảo vệ biển đảo quê hương."

Những người lính đảo các anh luôn nhớ ghi lời anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trước khi hy sinh trong cuộc chiến đấu chống lại cuộc tấn công xâm lấn của địch khi đang làm nhiệm vụ vận tải, xây dựng công trình bảo vệ đảo ở Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma vào tháng 3/1988: Không được lùi bước trước quân thù, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng...

Suy nghĩ của anh cũng như hầu hết những người lính đảo khác đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa.

Thượng tá Nguyễn Văn Thư - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân khẳng định những người lính Trường Sa hôm nay luôn nêu cao truyền thống anh hùng, đoàn kết gắn bó một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, xây dựng nền nếp chính quy tốt, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền quần đảo, xây dựng mỗi điểm đảo giàu về kinh tế, mạnh về phòng thủ, vững về quốc phòng an ninh, tốt về lối sống và đẹp về cảnh quan môi trường, xứng đáng với sự quan tâm và lòng tin yêu của Đảng, đồng bào, chiến sĩ cả nước...

Tạm biệt Trường Sa sau gần 1 tháng lênh đênh trên sóng nước Biển Đông trong khúc hát chia tay “Không xa đâu Trường Sa ơi...,” chúng tôi càng cảm phục hơn về nghị lực, sự gan dạ, kiên cường và cả những hy sinh thầm lặng của những người lính đảo. Cả nước vì Trường Sa, những người lính Trường Sa cũng đang vì cả nước, ngày đêm chắc tay súng gìn giữ, bảo vệ nguyên vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.

Thúy Hà

Tin cùng chuyên mục