Chiến thắng của đương kim Tổng thống Iran: Trọng trách lớn lao

Sự tín nhiệm của người dân chắc chắn sẽ giúp Tổng thống Rouhani đảm nhiệm tốt các trọng trách lớn lao đưa quốc gia Hồi giáo này mở cửa và phát triển hơn nữa.
Chiến thắng của đương kim Tổng thống Iran: Trọng trách lớn lao ảnh 1Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao đã góp phần mang lại chiến thắng cho đương kim Tổng thống Hassan Rouhani trong cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 12 của nước Cộng hòa Hồi giáo. Kết quả này cho thấy cử tri Iran vẫn đang kỳ vọng “làn gió” cải cách trong 4 năm qua sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, đưa nước này thoát khỏi tình trạng bị cô lập và nâng tầm vị thế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình trạng chia rẽ nội bộ đang ngày một tăng giữa một bên là những người theo đường lối cứng rắn, bảo thủ với một bên là những người ôn hòa và chủ trương cải cách, nhiệm kỳ mới của Tổng thống Rouhani chắc chắn sẽ gặp không ít sóng gió.

Chiến thắng của ông Rouhani trong cuộc bầu cử đang đem lại những cơ hội rõ rệt cho Iran. Với kinh nghiệm chính trường trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với đường lối ôn hòa, mềm dẻo, ông Rouhani có thể bắt tay ngay vào công việc, tiếp tục chính sách cải cách mà ông đang theo đuổi và đã đạt được một số thành quả nhất định.

Sự ổn định trên chính trường Iran khi ông Rouhani tiếp tục nắm quyền cũng là yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài, vốn bắt đầu quay lại thị trường Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và Nhóm P5+1 có hiệu lực hồi tháng 1 năm ngoái, có thể yên tâm tiếp tục các dự án hợp tác tại quốc gia Hồi giáo.

Quan hệ đang được cải thiện giữa Iran với phương Tây cũng có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì trong thời gian tới bởi ông Rouhani là người chủ trương "mở cửa" để phá thế bị cô lập của Tehran.

[Đài Truyền hình Iran: Tổng thống Hassan Rouhani tái đắc cử]

Cơ hội không ít, song thách thức cũng hết sức to lớn. Tăng trưởng kinh tế luôn là bài toán khó với bất kỳ nhà lãnh đạo nào và Tổng thống Rouhani không phải là ngoại lệ. Không thể phủ nhận những thành công của ông trong 4 năm qua khi lạm phát được kiểm soát tốt, tăng trưởng ở mức cao, đặc biệt là việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với các cường quốc thế giới đã giúp Iran mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế, những thành công này chưa thể đáp ứng mong đợi của người dân khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (12,5%), cam kết về nguồn đầu tư nước ngoài trị giá nhiều tỷ USD vẫn chưa thành hiện thực và cuộc sống của người dân vẫn chưa hề thay đổi.

Trong khi đó, dù Tổng thống Rouhani đã ra sức chèo lái nhằm kiểm soát tốt lạm phát song nó lại đang có dấu hiệu tăng trở lại, thậm chí có thể vượt ngưỡng 10% trong thời gian ngắn sắp tới. Do đó, trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Rouhani sẽ phải tìm ra lời giải cho bài toán vực dậy nền kinh tế.

Những chia rẽ phe phái và bất đồng ngay trong đội ngũ lãnh đạo đất nước cũng có thể cản trở các kế hoạch cải cách của tổng thống. Ngay cả lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, người có vai trò quyết định tối cao đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, cũng chưa hoàn toàn ủng hộ các chính sách mà ông Rouhani theo đuổi bởi ông Khameinei là người thuộc phe bảo thủ, muốn xây dựng một “nền kinh tế kháng cự” cũng như không muốn chịu sự ảnh hưởng của phương Tây.

Điều này đòi hỏi Tổng thống Rouhani phải khéo léo điều chỉnh nhằm thu hẹp bất đồng giữa các phe phái trong nước, từ đó có thể tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, ông Rouhani phải vạch rõ đường hướng kinh tế “hai bên cùng có lợi” vì mục tiêu chung phát triển đất nước để phải thuyết phục Đại giáo chủ Ali Khamenei cũng như những người còn nghi ngờ, rằng việc theo đuổi chính sách tự do hóa kinh tế của mình là hoàn toàn đúng đắn, chứ không phải là một kế hoạch mang tính dân túy “Đưa Iran vĩ đại trở lại” như phe bảo thủ đã nêu trong chiến dịch tranh cử.

Ngoài ra, Tổng thống Rouhani cũng sẽ phải đau đầu tính kế để bảo vệ thành quả Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân lịch sử, khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần đe dọa sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.

Ở trong nước, dù không công khai ủng hộ việc phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, song phe bảo thủ cũng lên tiếng chỉ trích thỏa thuận này, coi nó là “một mối đe dọa tiềm tàng”, khi làm hạn chế tầm ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của đất nước. Một khi thỏa thuận hạt nhân này bị hủy bỏ, mọi nỗ lực vực dậy nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bị cô lập của Tổng thống Rouhani sẽ thành “đổ xuống sông xuống bể.

Về đối ngoại, dù đã cải thiện được phần nào quan hệ với phương Tây, song trên thực tế, Iran vẫn chưa nhận được sự tin tưởng hoàn toàn. Do đó, trong nhiệm kỳ thứ hai này, Tổng thống Rouhani sẽ phải hoàn thiện nốt những gì ông chưa làm được, đặc biệt là nhiệm vụ mà ông đã đề ra trong chiến dịch tranh cử, theo đó, gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, thậm chí cả các biện pháp không liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Rouhani sẽ sử dụng “đòn bẩy” nào để thúc đẩy sự thay đổi như vậy trong chính sách trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã có những dấu hiệu căng thẳng trở lại khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước hồi tháng 1 vừa qua, Tổng thống Trump đã liên tục có những động thái nhằm gây áp lực với Iran khi đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nhiều thực thể và cá nhân nước này, cũng như cùng với các phụ tá vạch ra một chiến lược quy mô nhằm đối phó với điều mà vị tỷ phú này cho là các hành vi gây bất ổn của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Để giải quyết thách thức này, Tổng thống Rouhani sẽ phải suy tính làm thế nào để có thể hóa giải được mối quan hệ nhiều sóng gió với Mỹ để không gây tổn hại đến kinh tế, vừa không bị phe bảo thủ lợi dụng sự đối đầu với chính quyền Mỹ làm suy yếu quyền lực của ông.

Đó là chưa kể, một khu vực Trung Đông đầy rối ren, với các cuộc khủng hoảng kéo dài ở một loạt điểm nóng như Syria, Yemen chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kéo theo sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố cũng sẽ khiến nhà lãnh đạo này tốn nhiều công sức đặc biệt trong bối cảnh Iran đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực với các nước “kỳ phùng địch thủ” như Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dẫu phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, song việc được cử tri Iran tiếp tục tín nhiệm bầu chọn là nhà lãnh đạo của đất nước sẽ là một động lực quan trọng giúp Tổng thống Rouhani có thêm tự tin để thực hiện các chính sách còn dang dở trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

Sự tiếp sức đặc biệt này của người dân chắc chắn sẽ giúp Tổng thống Rouhani đảm nhiệm tốt các trọng trách lớn lao mà người dân giao phó đưa quốc gia Hồi giáo này mở cửa và phát triển hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục