15/12/2022 10:11

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" mãi mãi là biểu tượng về bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

dien-bien-phu-cover-.png

Cách đây 50 năm, cuối tháng 12/1972, trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác, quân và dân ta đã làm nên một "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không," "đánh sập thần tượng B-52" của không lực Mỹ. Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" như một bản anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20; một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" mãi mãi là biểu tượng về bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Cuộc "đọ sức" trên không chưa từng có trong lịch sử dân tộc

Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Để cứu vãn chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và tình hình khi đó, đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế-quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới.

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-6.jpg
Chiến sỹ cao xạ và không quân bảo vệ bầu trời Hà Nội.  (Ảnh: Văn Bảo-TTXVN)

Với âm mưu đó, đế quốc Mỹ gấp rút tăng viện trợ cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, đốc thúc quân đội Sài Gòn phản kích chiếm vùng giải phóng bằng việc chi viện hỏa lực tối đa của Mỹ.

Đồng thời, chúng huy động không quân, hải quân đế quốc, phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai nhằm tàn phá hậu phương lớn miền Bắc mà đỉnh cao là mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân đánh phá thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và nhiều mục tiêu chiến lược khác trên miền Bắc.

Đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai - chúng sử dụng máy bay chiến lược B-52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-1.jpg
Đội trực chiến dân quân xã M huyện Từ Liêm(Hà Nội) cảnh giác cao, nổ súng kịp thời, góp phần cùng các đơn vị bạn bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Trần Đình Thảo/TTXVN)

Ngày 14/12/1972, Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Linebacker II (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II).

Lịch sử dân tộc cho thấy quân và dân Việt Nam luôn thể hiện bản lĩnh và trí tuệ trước nhiều kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, nhưng chưa có kẻ thù nào mà binh lực, phương tiện, khí tài chiến tranh lại vượt trội và hơn hẳn gấp nhiều lần như ở trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội này. Quân đội Mỹ đã huy động mọi vũ khí, khí tài hiện đại nhất, lực lượng quân sự tinh nhuệ nhất và những thủ đoạn tàn bạo nhất để hòng tàn phá đất nước, tiêu diệt và khuất phục ý chí chiến đấu bảo vệ nền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam ngay tại Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Với sự nhạy bén, sáng suốt, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu, hành động leo thang tấn công miền Bắc và thủ đoạn kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ.

Ngay từ năm 1962, khi đế quốc Mỹ còn chưa trực tiếp can thiệp bằng B-52 vào miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại vũ khí này."

Đến năm 1965, khi Mỹ đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta, Bác đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-Không quân phải nghiên cứu, đối phó với B-52, vì "sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội."

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-2.jpg
Các chiến sỹ đại đội 3 đoàn X pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô mưu trí, dũng cảm, nổ súng kịp thời và chính xác, góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ Bác giao, từ đầu năm 1968, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch đánh bại máy bay B-52 của đế quốc Mỹ. Và chuẩn bị một lực lượng lớn tham gia chiến dịch, gồm: 6 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn không quân tiêm kích, 4 trung đoàn và 8 tiểu đoàn pháo cao xạ, 356 đơn vị pháo, súng máy cao xạ, toàn mạng ra-đa và các lực lượng phục vụ khác.

Đúng như dự đoán của Bác, từ ngày 18 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, với tổng số lần xuất kích là 4.583 lần chiếc; trong đó máy bay B-52 là 663 lần chiếc, ném hàng vạn tấn bom đạn xuống miền Bắc Việt Nam.

Trong 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, bắt sống và tiêu diệt hàng trăm phi công Mỹ.

Riêng Thủ đô Hà Nội, không quân Mỹ đã ném xuống hơn 1 vạn tấn bom đạn. Với sức đánh phá hủy diệt của không quân Mỹ, trong đó chủ yếu là B-52, nếu không có sự chuẩn bị tích cực, chủ động từ sớm thì quân dân miền Bắc khó có thể trụ vững trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù.

Và với niềm tin chiến thắng, Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác đều trở thành "chiến trường" đặc biệt. Nhân dân nhanh chóng thích ứng với cuộc sống vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Hệ thống còi báo động, loa phát thanh, kẻng báo động, trạm quan sát máy bay địch được lập ở khắp nơi.

Đặc biệt, bằng tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, bộ đội radar đã "vạch nhiễu tìm thù"; bộ đội phòng không-không quân thành "Rồng lửa," "Én bạc" xuất kích đánh bại cuộc tập kích chiến lược của địch, góp phần quyết định làm nên kỳ tích "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" của thế kỷ 20.

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-3.jpg
Đại đội 4, đoàn X, pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô bằng những loạt đạn chính xác, tiêu diệt nhiều máy bay Mỹ. (Ảnh: Lâm Hồng/TTXVN)

Trong 12 ngày đêm chiến đấu với không quân Mỹ, quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, bắt sống và tiêu diệt hàng trăm phi công Mỹ.

Sự thất bại của không quân Mỹ trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc đã buộc nhà cầm quyền Mỹ phải xuống thang, ngừng ném bom ở Bắc Vĩ tuyến 20, đề nghị ta trở lại bàn đàm phán Paris, chuẩn bị ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chính vì sự tổn thất quá lớn của đế quốc Mỹ và chiến thắng vang dội của Việt Nam mà thắng lợi này của Việt Nam được thế giới ca ngợi là trận "Điện Biên Phủ trên không."

Chiến thắng mang tên "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" đã đánh dấu một mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng đường không lớn nhất của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" là một trong những chiến công oanh liệt, là bản anh hùng ca vĩ đại trong thế kỷ 20; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những "Chi Lăng," "Hàm Tử," "Đống Đa", trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 là chiến thắng của đường lối chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng; chiến thắng của ý chí kiên cường, lòng quả cảm và của trí tuệ sáng tạo (đặc biệt trong cải tiến tên lửa SAM-2) của con người Việt Nam. Với sức mạnh của lưới lửa phòng không nhiều tầng, dày đặc; với những tên lửa đất đối không vượt qua vùng gây nhiễu tiến sâu vào B-52; với những chiếc máy bay tiêm kích phục sẵn và quần đảo trên không, làm cho không lực Hoa Kỳ lạc vào "thiên la, địa võng" của chiến tranh nhân dân Việt Nam và bị thất bại thảm hại.

Đây còn là chiến thắng của con người Việt Nam với khát vọng hòa bình, với chân lý thời đại: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; là chiến thắng của lương tri và phẩm giá con người. Thắng lợi của quân dân ta chứng minh rằng, bom đạn của quân thù có thể làm sập nhà cửa, nhưng có "một thứ không sập được, đó là con người."

Nhận định về Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không," đồng chí Lê Đức Thọ từng nói: không có chiến thắng B-52 của các đồng chí (chiến sỹ phòng không-không quân) trên bầu trời Hà Nội, làm gì có thắng lợi ở Hội nghị Paris. Chính chiến thắng đó đã buộc Mỹ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

ttxvn_dien-bien-phu-tren-khong-4.jpg
Trận địa pháo cao xạ Hà Nội bảo vệ cầu Long Biên đang nhả đạn vào máy bay giặc Mỹ (tháng 12/1972). (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)

Neil Sheehan, nhà báo Mỹ, trong bài tựa cuốn sách nghiên cứu về chiến tranh không quân Mỹ ở Đông Dương của Trường Đại học Cornell, viết: "Thắng lợi của người Việt Nam là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc."

Ý chí "Không có gì quý hơn độc lập tự do," mưu trí, sáng tạo, tinh thần quyết chiến, quyết thắng quân thù được thăng hoa trở thành động lực trực tiếp làm xuất hiện và nở rộ những hành động anh hùng của quân dân miền Bắc, làm nên sức mạnh thần kỳ chiến thắng uy lực của không lực Hoa Kỳ, viết nên bản hùng ca bất hủ của một dân tộc anh hùng, của một quân đội anh hùng.

Có hiểu sâu sắc ý chí và trí tuệ Việt Nam, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta mới có thể hiểu được vì sao lại phát triển, nở rộ những hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu chống quân thù. Không thể cảm nhận hết ý nghĩa to lớn và hào khí "Điện Biên Phủ trên không," nếu không hiểu được sức mạnh của trí tuệ và ý chí được biểu hiện ở những hành động dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn ác liệt, hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sỹ quân đội và các tầng lớp nhân dân ta trong cuộc đọ sức chiến lược này.

"Thắng lợi của người Việt Nam là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc."

Neil Sheehan - nhà báo Mỹ

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã qua đời - trước Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" hơn 3 năm, nhưng tầm nhìn chiến lược và những dự báo chính xác của Người đã góp phần quan trọng, to lớn làm nên chiến thắng vẻ vang này. Điều đó càng khẳng định vai trò quyết định của Người trong mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 đã đi vào lịch sử 50 năm, nhưng nó vẫn sống động và còn nguyên giá trị, tinh thần bất diệt trong lịch sử dân tộc cũng như sự ngưỡng mộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung, Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" nói riêng để lại cho chúng ta nhiều bài học quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát huy hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

infographics_dien-bien-phu-tren-khong.jpeg
(Nguồn: TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thắng 'Điện Biên Phủ trên không': Biểu tượng của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam