Chiến thuật 'cân bằng mềm' ngăn ngừa rủi ro của ASEAN

Cho đến nay, ASEAN đã phòng ngừa rủi ro bằng cách thiết lập quan hệ đối tác với tất cả các cường quốc để có thể tạo ra trạng thái cân bằng chiến lược.
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) ở Bangkok ngày 31/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)
Các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) ở Bangkok ngày 31/7/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng khmertimeskh.com đưa tin, trật tự khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên phức tạp và gây tranh cãi hơn do đời sống chính trị thực tế và sự cạnh tranh giữa các cường quốc.

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải chịu nhiều sức ép trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

ASEAN có thể chèo lái qua những thời điểm không chắc chắn như vậy nếu khối này có thể thực hiện chiến lược phòng vệ/ngăn ngừa rủi ro một cách khôn khéo.

Khu vực này đầy rẫy các sáng kiến cạnh tranh đa phương như sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Chính sách phương Nam mới của Hàn Quốc, Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa" do Mỹ và Nhật Bản khởi xướng.

Cạnh tranh đang trở nên gay gắt khi sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc có thể đáp ứng nhu cầu của ASEAN bằng cách cam kết tài trợ ít nhất 1.024 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng.

Tương tự, Washington cũng thông báo nỗ lực "giải ngân" 113 triệu USD cho cam kết của Mỹ trong chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa."

Câu hỏi chính ở đây là làm thế nào để ASEAN có thể nắm bắt được cơ hội nảy sinh từ sự cạnh tranh Mỹ-Trung và giảm thiểu những rủi ro địa chính trị.

ASEAN, với tư cách là một hiệp hội gồm các cường quốc vừa và nhỏ, nên áp dụng chiến lược ngăn ngừa rủi ro để hạn chế tác động của những thay đổi mạnh mẽ và giảm thiểu những rủi ro tiềm tàng.

Phòng ngừa rủi ro được coi là một lựa chọn chiến lược của các quốc gia nhỏ để trung lập hóa lập trường của họ khỏi sự liên kết nguy hiểm giữa các cuộc đấu tranh quyền lực.

Thông qua chiến lược phòng ngừa rủi ro, ASEAN có thể tránh đưa ra lựa chọn và tránh phải chọn đứng về bên nào trong tình thế tiến thoái lưỡng nan bằng cách huy động chiến thuật "cân bằng mềm," can dự chiến lược và xây dựng thể chế.

Cho đến nay, ASEAN đã phòng ngừa bằng cách thiết lập quan hệ đối tác với tất cả các cường quốc để có thể tạo ra trạng thái cân bằng chiến lược.

Hành vi này của "cân bằng mềm" có thể duy trì sự ổn định và cân bằng quyền lực trong khu vực.

Theo cách đó, ASEAN hoan nghênh tất cả các sáng kiến khu vực mang lại sự hợp tác toàn diện, cởi mở, minh bạch và cùng có lợi vì sự thịnh vượng của khu vực thay vì tâm lý chỉ có một bên giành lợi ích.

ASEAN đã tìm cách đa dạng hóa và tăng cường hợp tác đối thoại với 10 đối tác nhằm mục đích tránh bị rơi vào vòng ảnh hưởng của bất kỳ cường quốc bá quyền nào.

Sự đa dạng hóa toàn diện các mối quan hệ đối ngoại của ASEAN được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác năm 1976 ở Đông Nam Á (TAC).

Để can dự chiến lược, ASEAN đã ủng hộ các chuẩn mực hợp tác và thói quen đối thoại đa phương để sáp nhập tất cả các người chơi chủ chốt vào các thể chế do ASEAN lãnh đạo.

Việc kết nạp các cường quốc vào các cơ chế khu vực có thể làm giảm căng thẳng và mang lại sự hội tụ chính trị theo hai cách:

Thứ nhất, tất cả những người chơi chủ chốt sẽ phát triển ý thức hợp tác với ASEAN. Thay vì bị loại khỏi các lợi ích mà khu vực mang lại, các cường quốc sẽ góp phần phát triển nguyên tắc trong các bộ máy thể chế tạo điều kiện chia sẻ lợi ích chung.

Thứ hai, thông qua việc tham gia, tất cả những người chơi chính sẽ tuân thủ Phương thức ngoại giao đa phương của ASEAN, nhận thấy rằng tham vấn, đối thoại và đồng thuận là những biện pháp khả thi nhất trong việc theo đuổi chương trình nghị sự thay vì đối đầu.

[Xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững]

Về vấn đề này, ASEAN có thể hạn chế hơn nữa hành vi của các cường quốc bằng các quy tắc và nguyên tắc của hiệp hội, đồng thời yêu cầu chính đáng một vai trò dẫn dắt trong một trật tự khu vực đang thay đổi.

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM Plus) là những ví dụ hoàn hảo về sự tham gia chiến lược và toàn diện của ASEAN nhằm thúc đẩy thói quen đối thoại và khiến các cường quốc tham gia chủ nghĩa khu vực do ASEAN điều hành.

Thông qua việc xây dựng thể chế, ASEAN có thể chủ động hơn để tạo ra một trật tự dựa trên nền tảng của việc sử dụng những quy tắc và thông lệ thể chế của riêng ASEAN cũng như tăng cường vai trò trung tâm, thống nhất và tính cố kết của ASEAN tạo thành thành sự tương tác giữa các cường quốc.

Bằng cách thiết lập các ràng buộc có tính quy chuẩn thông qua việc phổ biến các quy tắc và nguyên tắc của riêng mình, ASEAN có thể lãnh đạo một thể chế khu vực toàn diện dựa trên những nỗ lực hợp tác trong việc xây dựng niềm tin giữa các thành viên.

Các quốc gia thành viên ASEAN phải sát cánh cùng nhau để hạn chế lợi ích chiến lược khác biệt của họ và theo đuổi chiến lược tập hợp chung như các công cụ phòng ngừa rủi ro để tồn tại trước cái "bẫy" do các cường quốc đặt ra.

Triển vọng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) của ASEAN mới được thông qua đã chứng minh cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trong việc duy trì sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

ASEAN là một công cụ phòng ngừa rủi ro quan trọng trong chính sách ngoại giao của các nước nhỏ ở Đông Nam Á trong việc trung lập hóa lập trường của họ để đối phó với những thay đổi lớn trong khu vực và trên thế giới.

Từ khi thành lập đến nay, ASEAN vẫn là nền tảng chính của chính sách đối ngoại của các quốc gia nhỏ với tư cách là người bảo trợ an ninh.

ASEAN đã chứng minh tính thích đáng của mình trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục