Chiến thuật nào lên ngôi?

Chiến thuật nào sẽ lên ngôi tại VCK EURO 2012?

Khi ngày hội lớn vòng chung kết EURO 2012 đang đến gần, người hâm mộ háo hức cùng câu hỏi quen thuộc: Chiến thuật nào sẽ lên ngôi?
Khi ngày hội lớn EURO 2012 đang đến gần, người hâm mộ háo hức cùng câu hỏi quen thuộc: Chiến thuật nào sẽ lên ngôi? Với các đội bóng, đó là cuộc tìm kiếm con đường đến vinh quang. Với những khán đài, đương nhiên sự chờ mong là các chiến thuật đem lại nhiều bàn thắng.

Có thể nói, mùa giải 2011-12 là một trong những mùa giải tưng bừng nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu hiện đại. Ở Liga, hai "đại gia" Barcelona cùng Real Madrid đều vượt ngưỡng 100 bàn (Barcelona ghi được 114 bàn còn Real Madrid lập kỷ lục mới với 121 bàn).

Tại Premier League cũng đầy ắp những tỷ số "không tưởng" như Manchester United hủy diệt Arsenal 8-2. Ở 5 giải châu Âu hàng đầu, tỷ lệ bàn thắng/trận đều tăng mạnh, ngoài trừ Bundesliga vốn dĩ đã luôn đầy ắp bàn thắng.

Các ngôi sao cũng thi nhau tỏa sáng. Ở Liga, Lionel Messi và Cristiano Ronaldo có tổng cộng 96 bàn thắng. Tại Đức, Klaas-Jan Huntelaar trở thành cầu thủ đầu tiên ghi được 29 bàn ở Bundesliga sau thành tích Karl-Heinz Rummenigge lập năm 1981. Trong khi đó, Robin van Persie cũng trở thành cầu thủ thứ 4 đạt mốc 30 bàn/mùa giải tại Anh kể từ năm 2000.

Tất cả những điều đó hứa hẹn một EURO 2012 không thiếu hình ảnh ăn mừng. Thực tế, trong khi vài kỳ World Cup gần đây chứng kiến tình trạng khô hạn bàn thắng (từ trung bình 2,71 bàn/trận ở World Cup 1994 giảm xuống 2,27 bàn/trận ở World Cup 2010) thì EURO lại luôn tưng bừng. Cả EURO 2004 và EURO 2008 đều có trung bình 2,48 bàn/trận. Mức này thấp hơn kỷ lục 2,74 bàn/trận tại EURO 2000 nhưng cao hơn rất nhiều so với mức 2,06 bàn/trận ở EURO 1996 tại Anh, kỳ EURO đầu tiên có 16 đội tham dự.

EURO 2012 này cũng sẽ là kỳ EURO cuối cùng có 16 đội trước khi nâng lên 24 đội ở EURO 2016. Vì thế, không ít người chờ đợi một kỷ lục mới về bàn thắng sẽ được lập trong mùa giải vốn đã quá ấn tượng này.

Mặc dù vậy, chiến thuật hứa hẹn phổ biến nhất tại EURO 2012 vẫn sẽ là 4-2-3-1 với duy nhất một mũi nhọn đích thực. Chiến thuật này đã lên ngôi ở World Cup 2010 khi 3/4 đội góp mặt ở bán kết (Đức, Hà Lan và nhà vô địch Tây Ban Nha) đều sử dụng. Họ sẽ tiếp tục trung thành với công thức thành công này, dù với mỗi đội lại có cách tiếp cận khác nhau. Tây Ban Nha đương nhiên gắn bó với lối chơi Tiqui-Taca nhiều đường chuyền ngắn, nhuần nhuyễn còn Đức và Hà Lan dựa nhiều hơn vào tốc độ trong tấn công.

Trong khi đó, huấn luyện viên Laurent Blanc nhồi nhét rất nhiều cầu thủ mang khuynh hướng tấn công vào đội hình tham dự EURO 2012 cho thấy Pháp nhiều khả năng sẽ theo đuổi chiến thuật 4-3-3 mạnh mẽ. Còn Italy thể hiện chiến thuật cổ điển của mình 4-3-1-2 trong trận giao hữu duy nhất trước EURO 2012 với Nga song thất bại 0-3 nặng nề có thể buộc huấn luyện viên Cesare Prandelli phải điều chỉnh lại.

Prandelli đang có vẻ xoay sang một lựa chọn khác là hàng phòng ngự 3 người với bộ ba Andrea Barzagli, Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini của Juventus. Bức tường thép này chỉ để lọt lưới 20 bàn trong chiến dịch vinh quang của "Bà đầm già thành Turin" ở Serie A mùa giải qua.

Cây bút thể thao quen thuộc của bóng đá Italy, James Horncastle nhận xét: "Có tới 7 cầu thủ Juventus trong đội hình và hệ thống 3-5-2 hợp lý hơn. Bộ khung đội tuyển thường xuyên chơi theo mô hình đó trong mùa giải qua vì thế, họ quen thuộc với nó hơn là 4-3-1-2."

Đội tuyển Anh sẽ là một trong số ít đội sử dụng hai tiền đạo đích thực khi tân huấn luyện viên Roy Hodgson không giấu giếm ông thích sơ đồ truyền thống 4-4-2. Theo ông thầy này, với cặp tiền đạo, lợi thế là bất cứ tiền đạo nào có bóng cũng có ngay sự hỗ trợ gần đó. Đồng thời, khả năng uy hiếp lên hàng phòng ngự đối phương cũng gia tăng.

Tuy nhiên, một bài toán khó cho "Tam Sư" là chân sút hàng đầu Wayne Rooney bị treo giò ở hai trận đầu. Vì thế trong các màn giao hữu vừa qua, đội tuyển Anh có không ít thử nghiệm như sơ đồ 4-4-1-1 với Ashley Young đóng vai trò tiền đạo lùi hỗ trợ.

Nhìn chung, trong bóng đá hiện đại và đặc biệt ở những giải quan trọng như EURO, không có nhiều đất cho cuộc cách mạng chiến thuật. Các huấn luyện viên chỉ có một khoảng thời gian ngắn luyện tập cho các tuyển thủ và điều được nhấn mạnh sau cùng là tính thực dụng chứ không phải là những sáng tạo trong lối chơi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục