Chiến tranh bất đối xứng của Trung Quốc - thách thức lớn với Mỹ?

Chiến tranh bất đối xứng, theo quan điểm của Trung Quốc, là việc sử dụng sức mạnh và năng lực của chính mình để tấn công vào điểm yếu của kẻ thù.
Chiến tranh bất đối xứng của Trung Quốc - thách thức lớn với Mỹ? ảnh 1 Binh sỹ quân đội Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, đối với Trung Quốc, chiến tranh bất đối xứng là một chiến thuật có nguồn gốc cổ xưa nhưng đã được áp dụng thành công ngày nay.

Chiến tranh bất đối xứng, theo quan điểm của Bắc Kinh, là việc sử dụng sức mạnh và năng lực của chính mình để tấn công vào điểm yếu của kẻ thù.

Việc làm này cũng có thể đòi hỏi phải lợi dụng địa hình, các chiến thuật, hay việc áp dụng các công nghệ mới hoặc khác biệt.

Tư duy của quân đội Trung Quốc về chiến tranh bất đối xứng dựa trên chiến lược cổ điển. Theo các tác giả của “Khoa học Chiến lược Quân sự 2013,” một lý luận quân sự đương đại hàng đầu, trích dẫn quan điểm về chiến tranh của Tôn Vũ trong Binh pháp Tôn tử, để có được “trăm trận trăm thắng”, thì người ta phải sử dụng các biện pháp bất đối xứng với những động thái quân sự đầy bất ngờ.

Tôn Vũ cảnh báo rằng một quân đội nên triển khai kết hợp giữa các động thái vừa phòng thủ vừa tấn công trực diện một cách linh hoạt, uyển chuyển với những hành động bất ngờ hoặc khó đoán để giành ưu thế trên chiến trường.

[Mỹ-Trung không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thương mại]

Vì vậy, các chiến lược gia Trung Quốc cho rằng nên sử dụng “các loại vũ khí đánh lừa” để phá hoại nền kinh tế và hệ thống thông tin liên lạc trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ.

Thứ vũ khí này có thể xem là các cuộc tấn công an ninh mạng và nhằm vào các mạng lưới may tính. Giới chiến lược gia Trung Quốc lập luận rằng những mạng lưới này là nền tảng cơ bản của xã hội, quan trọng đối với an ninh quốc gia, và là một lĩnh vực mới trong xung đột quân sự.

Các nhà nghiên cứu của PLA tin rằng các cuộc tấn chống nhằm vào hệ thống thông tin của đối phương có thể gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và dẫn đến những tổn thất nặng nề về tài chính.

Trung Quốc cũng đang thử nghiệm và đánh giá tác động của việc kích nổ vũ khí hạt nhân trên biển nhằm tạo ra xung điện từ (EMP) mang tính hủy diệt cao có thể làm tê liệt và hủy hoại cơ sở hạ tầng và công nghệ của Mỹ trong một phạm vi rộng lớn.

Hiện Trung Quốc và Mỹ đang có một cuộc cạnh tranh nghiêm túc trong việc phát triển và cải tiến các loại vũ khí EMP, và PLA cũng đang tích cực thúc đẩy lĩnh vực công nghệ này.

Các hình thức khác của vũ khí xung điện, như vũ khí tần số vô tuyến, sóng ngắn điện cao thế hay các hệ thống hạ nguyên tử, cũng là trọng tâm phát triển của Trung Quốc.

Giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc cho rằng tương lai chiến tranh sẽ phụ thuộc vào các năng lực này.

Quân đội Trung Quốc cũng đang tập trung hơn vào việc định hướng dư luận trên toàn cầu. PLA đã đầu tư lớn vào 3 hình thức chiến tranh, cụ thể là “chiến tranh thông tin,” “chiến tranh tâm lý” và “chiến tranh pháp lý.”

Ba hình thức chiến tranh chính trị hay thông tin này có thể được tiến hành đồng bộ hoặc riêng rẽ nhằm đạt được các mục tiêu của giới lãnh đạo Trung Quốc trong cả thời bình lẫn thời chiến.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang miệt mài phát triển các loại vũ khí thế hệ tiếp theo mà nước này tin rằng sẽ giúp họ chiếm ưu thế trong các cuộc xung đột trong tương lai. Chúng bao gồm các tên lửa siêu thanh có thể được sử dụng như vũ khí tấn công xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa ở cả trên bộ và trên biển.

Ngoài ra, giống như Mỹ, Trung Quốc đang phát triển pháo điện từ - một loại vũ khí hiện là lĩnh vực quan trọng trong cạnh tranh công nghệ bất đối xứng, bởi tốc độ của một loại vũ khí như vậy có thể đạt tới hơn 8.000km/giờ, và khi được phát triển đầy đủ, sẽ có tầm bắn xa hơn các loại vũ khí thông thường hoặc siêu thanh.

Cuối cùng, Bắc Kinh cũng đang chú trọng vào mục tiêu thống trị lĩnh vực không gian, điều mà họ cho là sẽ rất quan trọng đối với bất cứ cuộc chiến tranh nào trong tương lai.

Đặc biệt, theo giới chiến lược gia của PLA, việc Mỹ phụ thuộc vào hệ thống thông tin và vệ tinh để triển khai các lực lượng đến những khu vực xa xôi là một điểm yếu có thể và nên được khai thác trong các cuộc xung đột.

Việc Trung Quốc tập trung vào cuộc chiến không thông thường sẽ là một thách thức đối với học thuyết quân sự của Mỹ, và đòi hỏi Washington phải có tư duy mới về những kẽ hở trong cách thức tham chiến hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục