'Chiến tranh giữa các vì sao' phiên bản Mỹ và Trung Quốc

Những chính sách của Tổng thống Biden đã bắt đầu cho thấy khuynh hướng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề, và khí hậu là một trong những vấn đề hiếm hoi đó.
'Chiến tranh giữa các vì sao' phiên bản Mỹ và Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: politico.com)

Tại hội nghị trực tuyến về khí hậu toàn cầu diễn ra ở Mỹ hồi tháng 4/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hai nhà lãnh đạo này ban đầu vốn do dự không dứt khoát, nhưng sau cùng vẫn nhận lời tham dự.

Cam kết không chắc chắn của Mỹ

Mặc dù chính sách cứng rắn của ông Joe Biden đối với Trung Quốc sau khi lên nắm quyền không hề thua kém cựu Tổng thống Donald Trump, nhưng những chính sách này đã bắt đầu cho thấy khuynh hướng sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong một số vấn đề, và khí hậu là một trong những vấn đề hiếm hoi đó.

Việc Chủ tịch Tập Cận Bình nhận lời mời cũng không nằm ngoài dự đoán, giống như BBC dẫn lời cố vấn Tổ chức Hòa bình xanh ở Bắc Kinh Lý Thạc cho rằng trong 10 năm qua, Trung Quốc liên tục cải thiện và tối ưu hóa đánh giá quốc tế về phương diện khí hậu. Hơn nữa, trong các vấn đề quốc tế quan trọng thì khí hậu là vấn đề hiếm hoi mà Trung Quốc có thể được quốc tế thừa nhận.

[Quan hệ "lạnh về chính trị, nóng về kinh tế" giữa Mỹ và Trung Quốc]

Hiện nay, Mỹ muốn chạy đua toàn diện với Trung Quốc, và trong bối cảnh khí hậu là vấn đề quan trọng toàn cầu thì Mỹ không thể cho phép Trung Quốc chiếm ưu thế.

Ngoài ra, khi tranh cử, ông Joe Biden đã xác định khí hậu là một trụ cột trong cương lĩnh vận động, do đó hội nghị thượng đỉnh khí hậu vừa qua là hoạt động khí hậu quy mô lớn đầu tiên để ông hiện thực hóa cam kết tranh cử sau khi lên cầm quyền.

Tuy nhiên, Mỹ đã thể hiện sự hạn chế, lập trường không ổn định trong các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, cam kết cắt giảm phát thải…, cựu Tổng thống Donald Trump khi vừa lên nắm quyền đã tuyên bố rút khỏi "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu," đồng thời ủng hộ chính sách năng lượng dựa trên trụ cột nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ một loạt quy định pháp luật chống ô nhiễm.

Theo "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu," Mỹ cam kết giảm 26-28% lượng phát thải vào năm 2025 trên cơ sở của năm 2005.

Tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu lần này, ông Joe Biden lại đưa ra cam kết mới là đến năm 2030, lượng phát thải của Mỹ sẽ giảm 50-52% trên cơ sở của năm 2005, cao gấp đôi so với cam kết trước đó. Nếu trong cuộc bầu cử khóa tới, Tổng thống mới lại đảo ngược, thì mục tiêu cắt giảm phát thải của Mỹ có thể "thất bại."

Trái với sự "mạnh mẽ" của Tổng thống Joe Biden, các nước có lượng phát thải lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… đều không đưa ra điều chỉnh tương ứng hoặc nêu ra cam kết cắt giảm phát thải cao hơn.

Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình chỉ nhắc lại Trung Quốc có kế hoạch đạt đỉnh carbon trước năm 2030 và trung hòa carbon trước năm 2060.

Mỹ không thể thua về khâu then chốt kinh tế khí hậu

Trên thực tế, cam kết mà các nước đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu đều không có sự ràng buộc. Tuy nhiên, nếu muốn thực hiện nghiêm túc cam kết, thì phải hành động triệt để.

Những hành động đó bao gồm việc đóng cửa một lượng lớn các nhà máy công nghiệp, nhà máy điện được vận hành chủ yếu bằng năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá…, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực năng lượng mới, loại bỏ các ngành công nghiệp dựa vào năng lượng truyền thống như vận tải, phát điện…

Điều này là không dễ dàng đối với Mỹ và càng khó khăn hơn đối với những nước lạc hậu, khi cần phải có nguồn lực đầu tư lớn, cũng như hỗ trợ công nghệ từ các nước tiên tiến.

Cam kết cắt giảm phát thải mạnh mẽ của ông Joe Biden vấp phải sự hoài nghi công khai.

Tờ The New York Times có bài viết nhấn mạnh cam kết của Joe Biden rất khó khăn về phương diện kinh tế và chính trị, đòi hỏi một cuộc cải cách lớn đối với kinh tế và xã hội Mỹ, bao gồm việc loại bỏ các nhà máy phát điện bằng than, cũng như thay thế hàng trăm ngàn ôtô sử dụng xăng vẫn đang lưu hành hiện nay bằng ôtô điện.

Bài viết nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ chưa được xác lập bằng các quy định pháp lý và kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng 2.300 tỷ USD của ông Joe Biden (bao gồm 100 tỷ USD chi tiêu cho chính sách cắt giảm phát thải) vẫn chưa được Quốc hội thông qua.

Mặc dù các khoản kinh phí biến hóa tốn kém, gặp nhiều trở ngại về mặt chính trị (phản đối của đảng Cộng hòa), nhưng tại sao chính quyền ông Joe Biden vẫn nhiệt tình, hơn nữa phá lệ và nhất định phải mời Trung Quốc tham dự?

Giới truyền thông Mỹ đặt câu hỏi trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh khí hậu là Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác như thế nào trong vấn đề khí hậu trong khi Mỹ muốn đối đầu toàn diện với Trung Quốc?

Kinh tế khí hậu bắt nguồn từ vấn đề khí hậu là chủ đề then chốt chi phối toàn cầu trong những thập kỷ tới, chủ đề này vừa có những vấn đề sau cùng liên quan đến phúc lợi con người như môi trường, sinh thái, phát triển bền vững…, vừa có những tính toán kinh tế rất hiện thực, liên quan đến nhiều ngành nghề như giao thông vận tải, điện lực, nông nghiệp, khoa học công nghệ, bất động sản, tài chính…

Do dẫn đầu về kinh tế khí hậu thì có thể sẽ chiếm được địa vị lãnh đạo thế giới, nên về điểm then chốt này Mỹ không thể để thua Trung Quốc.

Ngoài việc không thể thua, Mỹ còn muốn chủ động cạnh tranh, áp đảo Trung Quốc về tiến trình giảm phát thải, một mặt là để thể hiện rõ trách nhiệm của Mỹ đối với cộng đồng quốc tế, phát huy vai trò dẫn dắt, chấm điểm cao đạo đức.

Chính sách khí hậu "hai mặt" của Mỹ

Ông Joe Biden đột ngột gia tăng tốc độ cắt giảm khí thải tại hội nghị thượng đỉnh khí hậu chính là muốn thể hiện rõ quyết tâm bỏ xa các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng Gina McCarthay nói rằng Mỹ sẽ hối thúc Trung Quốc thiết lập mục tiêu phát thải khí nhà kính nghiêm ngặt hơn. Do đó, chính sách khí hậu của Mỹ bề ngoài là muốn hợp tác với Trung Quốc, nhưng không từ bỏ bất cứ cơ hội nào nhằm vào Trung Quốc, rõ ràng có sự tính toán sâu sắc.

Hiện nay, Trung Quốc là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng phát thải toàn cầu, hệ thống sản xuất công nghiệp chủ yếu được xây dựng trên nền tảng năng lượng truyền thống, lượng than đá tiêu thụ hàng năm chiếm 50% toàn cầu, nên muốn đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 là điều không dễ dàng.

Lấy ngành công nghiệp điện lực làm ví dụ, lượng CO2 sinh ra từ phát điện chiếm 51% tổng phát thải liên quan đến năng lượng của Trung Quốc, mặc dù đạt được những tiến triển đáng kể về phương diện năng lượng tái sinh, nhưng Trung Quốc vẫn phụ thuộc cao vào phát điện bằng than đá (chiếm 66% tổng cung ứng điện năm 2018), hơn nữa vẫn đang tiếp tục xây dựng các nhà máy phát điện bằng than đá.

Tiến độ như vậy đã đặt ra câu hỏi lớn liệu mục tiêu không phát thải carbon của Trung Quốc có thể đạt được như dự kiến hay không.

Đối với mục tiêu cắt giảm phát thải CO2, Trung Quốc luôn nhấn mạnh đạt đỉnh vào thời điểm trước hoặc sau năm 2030, nhưng không cam kết khi nào đạt được trung hòa carbon.

Ngày 22/9/2020, khi tham dự hội nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75, ông Tập Cận Bình đột ngột nêu ra mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, điều này khiến các nước tham dự hội nghị cảm thấy bất ngờ.

Nguyên nhân khiến Chủ tịch Trung Quốc đột ngột đưa ra mục tiêu nói trên là do ông Donald Trump tuyên bố không tiếp tục tuân thủ quy định của "Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu."

'Chiến tranh giữa các vì sao' phiên bản Mỹ và Trung Quốc ảnh 2 (Nguồn: marketplace.org)

Mỹ rút lui, Trung Quốc nắm chắc cơ hội thể hiện trách nhiệm đóng góp nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu cho toàn thế giới. Có thể nói vấn đề khí hậu đã trở thành một chiến trường mới trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung.

Từ đạt đỉnh carbon đến trung hòa carbon, thời gian quá độ của các nước phát triển mất khoảng 60-70 năm, song Trung Quốc chỉ có thời gian 30 năm.

Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc cũng thừa nhận, quy hoạch 5 năm lần thứ 13 yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng quốc gia trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 15% so với năm 2015, nhưng năm 2020 mức tiêu hao năng lượng của một số khu vực lại tăng lên.

Sau khi ông Joe Biden lên cầm quyền, Mỹ không ngừng gia tăng cam kết cắt giảm phát thải, điều này sẽ gây sức ép lớn đối với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc miễn cưỡng điều chỉnh, chuyển đổi đồng bộ không theo kịp thì toàn bộ chuỗi sản xuất của nền kinh tế đều sẽ bị tác động.

Dựa vào tình hình trong nước để cắt giảm phát thải

Cam kết trung hòa carbon cần chuyển đổi triệt để nền kinh tế Trung Quốc, rõ ràng môi trường quốc tế hiện nay không có lợi đối với Trung Quốc khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy phương Tây và các đồng minh "chia tách" Trung Quốc.

Nói cách khác, trong bối cảnh không có sự hỗ trợ bên ngoài, Trung Quốc vừa phải dựa vào mô hình cũ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa phải thúc đẩy mô hình kinh tế mới trung hòa carbon, nếu không thể thực hiện song hành có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, Mỹ dựa vào kế hoạch "Chiến tranh giữa các vì sao" để cạnh tranh với Liên Xô, từng bước áp sát, một mặt triển khai cuộc chiến công nghệ, mặt khác thực hiện cuộc chiến tiêu hao sức mạnh kinh tế với mục đích làm cho Liên Xô kiệt quệ, sau cùng là thất bại.

Hiện nay, việc Trung Quốc muốn duy trì cam kết cắt giảm phát thải trước đây cũng không còn là câu chuyện dễ dàng, vì nếu phải đẩy nhanh tốc độ cắt giảm phát thải dưới sức ép của Mỹ và EU, không những xa rời thực tế, mà còn có thể tự đẩy mình vào nguy hiểm.

Mâu thuẫn giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Mỹ về vấn đề khí hậu và năng lượng mới rất lớn, do đó phiên bản cam kết tăng cường cắt giảm phát thải của ông Joe Biden liệu có thể thực hiện hay không rất khó đoán định.

Đối với Trung Quốc, vấn đề quan trọng hơn là cần phải tránh một cuộc cạnh tranh tồi tệ theo kiểu "Chiến tranh giữa các vì sao," chính sách cắt giảm phát thải cần dựa vào tình hình trong nước để hành động phù hợp./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục