“Chiến tranh khó lòng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên”

Theo báo Nga, kịch bản về một cuộc xung đột vũ trang khó có thể xảy ra, và điều này cho thấy Triều Tiên đang sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.

Báo Độc lập (Nga) ngày 25/4 cho biết truyền hình Trung Quốc mới đây đã ghi được những hình ảnh cho thấy Triều Tiên đang xây dựng tại khu vực giáp biên giới với Hàn Quốc các ụ chống tăng lớn và một số nhà quan sát nhận định đây chính là các hoạt động chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.

 

Tuy nhiên, các chuyên gia uy tín của Nga và Mỹ lại cho rằng kịch bản về một cuộc xung đột vũ trang khó có thể xảy ra, và điều này cho thấy Triều Tiên đang sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ngay cả khi các điều kiện nối lại đàm phán mà Bình Nhưỡng đưa ra không được cả Washington lẫn Seoul chấp nhận.

 

Kênh truyền hình Bắc Kinh TV của Trung Quốc chiếu cảnh Triều Tiên đã tập kết tại khu vực biên giới với Hàn Quốc một khối lượng lớn vật liệu cho phép đổ những trụ bê tông khổng lồ nhằm cản trở xe tăng và quân đội Hàn Quốc xâm nhập địa phận Triều Tiên. Truyền hình Bắc Kinh bình luận những động thái này giống như một sự chuẩn bị cho chiến tranh.

[Yonhap: Triều Tiên đang chuẩn bị tập trận quy mô lớn]

 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tin rằng trong bất cứ trường hợp nào không nên chờ đợi chiến tranh xảy ra. Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 24/4, chính trị gia nổi tiếng này khẳng định chắc chắn Triều Tiên sẽ không thể đẩy tình trạng xung đột hiện nay trên bán đảo Triều Tiên thành chiến tranh.

Song, ông Kissinger cũng thừa nhận có những phân vân nhất định. Ông không hiểu vì sao Triều Tiên, vốn chỉ là một quốc gia nhỏ bé, thậm chí ông cũng không biết họ có vũ khí hạt nhân hay không, thế mà quốc gia này lại dám đe dọa tiến hành chiến tranh chống Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ, những nước có thể xóa sổ ngay lập tức quốc gia này.

 

Cựu Ngoại trưởng Kissinger đồng thời cũng tính tới sự hợp tác của Trung Quốc nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Theo ông, Triều Tiên là nước nằm sát Trung Quốc nên điều này phục vụ cho lợi ích an ninh của Bắc Kinh. Trong khi đó, Mỹ quan tâm tới việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông Kissinger thừa nhận việc Bắc Kinh muốn duy trì chế độ ở Bình Nhưỡng như một "vùng đệm" giữa họ với 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc.

 

Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Yevgeny Lukyanov cũng có chung quan điểm. Quan chức này cho rằng: "Chiến tranh không có lợi cho bất cứ ai, kể cả Triều Tiên, bởi vậy, chiến tranh sẽ không xảy ra". Ông Lukyanov cũng khẳng định nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thậm chí còn chưa bước sang tuổi 30 và nếu muốn tại nhiệm dài lâu, đương nhiên ông ta không thể để chiến tranh xảy ra.

 

Trong khi đó, "Nhật báo Phố Uôn" cũng đăng tải những bình luận trái chiều về tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Một mặt, báo này trích dẫn cuộc thăm dò dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Chính trị Asanskim tiến hành ngày 8/4 vừa qua cho thấy 58,8% số người Hàn Quốc được hỏi bày tỏ lạc quan về tình hình an ninh trong nước lâu dài. Kết quả này không khác bao nhiêu so với tỷ lệ được ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 1 là 60%.

Trong khi đó, Đài Loan lại khuyến cáo công dân mình không nên đi du lịch Hàn Quốc, vì cho rằng khu vực này đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hai vận động viên Mỹ mới đây đã từ chối tham gia một giải đấu golf đầy uy tín ở Hàn Quốc.

[Chiêu "miệng hố chiến tranh" của Triều Tiên thất bại?]

 

Tuy vậy, dù thế nào đi nữa, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chiến tranh không thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, khi mà chính quyền Bình Nhưỡng đã chuyển giọng từ khiêu chiến sang đề cập tới các điều kiện để nối lại đàm phán.

Một trong những điều kiện mà Triều Tiên đưa ra lần này, mà về thực chất là không có gì mới, đó là yêu cầu Liên hợp quốc bãi bỏ lệnh trừng phạt; Mỹ phải rút hết các loại vũ khí tiến công chiến lược mà nước này bố trí gần bán đảo Triều Tiên...

 

Tuy nhiên, báo Độc lập khuyến cáo không nên hy vọng vào việc có thể giải quyết bài toán hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên chỉ bằng biện pháp ngoại giao bởi đòi hỏi chủ yếu của Bình Nhưỡng hiện nay là được thế giới công nhận là cường quốc hạt nhân, trong khi Mỹ lại đưa ra điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán là Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Báo Rodong của Đảng Lao động Triều Tiên cũng khẳng định: "Nếu Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ thì đó phải là cuộc đối thoại giữa các quốc gia có vũ khí hạt nhân chứ không phải là nơi để bên này buộc bên kia phải từ bỏ vũ khí hạt nhân."

 

Theo đánh giá của các chuyên gia phương Tây, Bình Nhưỡng đã có đủ nguyên liệu để chế tạo từ sáu đến 10 quả bom hạt nhân, trong khi nước này vẫn sẽ tiếp tục làm giàu urani. Thêm vào đó, một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết Triều Tiên đang sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân tiếp theo.

Báo Độc lập kết luận rằng bất kỳ cử chỉ không thân thiện nào nhằm vào Triều Tiên lúc này sẽ chỉ khiến nước này càng thêm quyết tâm trong việc thực hiện các ý định của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục