Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Thách thức và cơ hội cho ASEAN

Nền kinh tế của ASEAN ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, vì lẽ đó, những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với các nền kinh tế này luôn là đề tài dư luận quan tâm.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Thách thức và cơ hội cho ASEAN ảnh 1

Theo Trang mạng BBC/The Sun, nền kinh tế của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Vì lẽ đó, những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với các nền kinh tế này luôn là đề tài được dư luận quan tâm.

Có ý kiến cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho khối.

Trả lời phóng viên Đài BBC bên lề cuộc họp báo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về ASEAN tại Hà Nội, Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của WEF, cho rằng mâu thuẫn Mỹ-Trung về thương mại có thể cũng khiến ASEAN phải tự thay đổi mô hình kinh tế.

[Chia sẻ ý tưởng, sáng kiến góp phần thúc đẩy phát triển khu vực ASEAN]

Ông Wood nói: “Chúng ta đang đối mặt với thời điểm của những thách thức trong môi trường mậu dịch toàn cầu. Căng thẳng ngày càng gia tăng trong thương mại giữa một số cường quốc kinh tế lớn nhất. Thương mại toàn cầu bị tổn thương bởi những tranh chấp này và khi tình hình xấu đi, nền kinh tế của ASEAN chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tổn thương khá nặng.”

Theo ông Wood, các nền kinh tế ASEAN đã có nhiều thập niên phát triển dựa vào mô hình xuất khẩu, chế tạo và nhiều nước trong khối vẫn rất phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng của họ cũng như mời gọi đầu tư từ bên ngoài.

Ông nhận định:“Chắc chắn ASEAN quan tâm tới việc đảm bảo một môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh với cam kết cho một hệ thống mở, minh bạch và tuân theo luật lệ. Nếu điều đó bắt đầu bị ảnh hưởng bởi tranh chấp hiện tại thì tôi nghĩ nó sẽ gây tổn hại rất lớn cho ASEAN.”

Theo ông, đây là lúc để xem ASEAN có thể có những phản ứng như thế nào: “Từ trước tới nay ASEAN có xu hướng dựa vào thị trường bên ngoài để thúc đẩy tăng trưởng của khối. ASEAN có dân số 600 triệu người và 600 triệu người này đang có sức mua ngày càng tăng. Đây là thời điểm quan trọng đối với các nước ASEAN để bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về thị trường trong nước chứ không phải là thị trường bên ngoài hay toàn cầu.”

Giám đốc khu vực châu Á của WEF cho rằng ASEAN nên bắt đầu tính đến cái gọi là ý tưởng về một thị trường chung: “Nếu ASEAN có thể xây dựng một thị trường chung thực sự có sự kết nối mạnh, thị trường và nhu cầu khu vực có thể tạo lực đẩy thực sự cho ASEAN. Đó là điều ASEAN hiểu, bây giờ là lúc họ cần phải tăng tốc để đạt được những tiến bộ hướng tới việc đạt được viễn cảnh của thị trường chung vượt ra ngoài ASEAN bởi dường như bức tranh mậu dịch toàn cầu đang đối diện một số thách thức.”

Cùng chung nhận định này là quan điểm của một quan chức ASEAN trực tiếp phụ trách các vấn đề thương mại và kinh tế. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế Malaysia Ong Kian Ming nhìn nhận chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vừa là thách thức, vừa là cơ hội để ASEAN tự thúc đẩy chính mình. Theo ông, các nước ASEAN nên tích cực phối hợp để cùng gia tăng sức hút đầu tư cho khu vực thay vì chỉ tập trung vào việc phát triển của riêng mình.

Nhật báo The Sun đưa tin cho biết trong bài phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh Quốc tế Selangor 2018 (SIBS), Thứ trưởng Ong Kian Ming cho rằng các nước ASEAN có thể làm việc cùng nhau để cùng tạo dựng một môi trường hiệu quả thu hút các nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, những người muốn tái ổn định và đầu tư nhiều hơn ở các nước như Malaysia nhằm tránh những rủi ro của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Ông nói: “Cho đến nay tôi chưa thấy có bất kỳ nỗ lực nào như vậy song cơ hội hoàn toàn là có.” Theo quan chức này của Malaysia, Kuala Lumpur và các đối tác ASEAN nên tìm kiếm những biện pháp và cách thức mang tính tổng thể để có thể tận dụng bối cảnh hiện tại. Nhắc đến mối quan hệ thương mại hai chiều mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư và trao đổi chuyên môn giữa bang Johor (Malaysia) và Singapore, Thứ trưởng Ong Kian Ming cho rằng mô hình này nên được các quốc gia khác học hỏi và áp dụng.

Thứ trưởng Ong Kian Ming cũng nhận định rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn, và các nền kinh tế mở, chẳng hạn như Malaysia, sẽ chịu ảnh hưởng từ những mâu thuẫn này. Vì lẽ đó, ông cho rằng Malaysia nói riêng và các nền kinh tế tương tự khác trong khu vực cần cởi mở với đầu tư và nhanh chóng thúc đẩy việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sớm củng cố lập trường duy trì thương mại cởi mở.

Ông nhấn mạnh: “Khi các rào cản thuế quan được dỡ bỏ, các biện pháp phi thuế quan vì thế cũng sẽ hạn chế hơn. Đó là lý do vì sao các chính phủ ASEAN cần một lực đẩy mạnh mẽ, với sự hỗ trợ và cố vấn từ khu vực kinh doanh để đối phó với những thách thức mà họ đang đối mặt, từ đó chúng ta có thể xóa bỏ hoặc giảm bớt tình trạng quan liêu trong các văn bản lập quy”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục