Chiến tranh tước đoạt ảnh hưởng chính trị của giới tài phiệt Ukraine

Chiến tranh dường như đã giúp ông Zelensky trở thành tổng thống Ukraine đầu tiên “lật đổ” giới tài phiệt, những người theo truyền thống thường tranh giành kiểm soát quyền lãnh đạo chính trị.
Chiến tranh tước đoạt ảnh hưởng chính trị của giới tài phiệt Ukraine ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng theguardian.com, những người giàu nhất Ukraine, được gọi là giới tài phiệt ở nước này, đã quen với việc thống trị đời sống chính trị và kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, trong 5 tháng qua kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu, họ đã im hơi lặng tiếng.

Giới phân tích và chuyên gia chính trị cho rằng sự “mất tích” này là do các nhà tài phiệt và doanh nghiệp của họ - giống như mọi công dân Ukraine - cần được bảo vệ dưới hình thức quân sự và ngoại giao, các chức năng nhà nước mà họ không kiểm soát được.

Mykyta Poturyaev - nghị sỹ và từng là cố vấn chiến dịch tranh cử cho một số chính trị gia và các nhà tài phiệt có nhiều ảnh hưởng chính trị ở Ukraine, trong đó gồm cả Tổng thống Volodymyr Zelensky - cho biết các nhà tài phiệt đang ở vị trí bất thường khi không thể tác động đến chính sách quốc gia vào lúc này.

Ông Poturyaev nói: “Không giống như năm 2014, khi nhà tài phiệt Ukraine Ihor Kolomoisky tham gia bảo vệ khu vực Dnipropetrovsk, giờ đây cần có người khác làm điều đó - đó là nhà nước và chính quyền địa phương."

Chiến tranh dường như đã giúp ông Zelensky trở thành tổng thống Ukraine đầu tiên “lật đổ” giới tài phiệt, những người theo truyền thống thường tranh giành kiểm soát quyền lãnh đạo chính trị. Nhưng giới phân tích nói rằng chỉ khi chiến tranh kết thúc, chúng ta mới rõ liệu kỷ nguyên giới tài phiệt chi phối đời sống chính trị ở Ukraine đã kết thúc hay liệu các nhà tài phiệt có cố gắng lấy lại ảnh hưởng của họ hay không.

Volodymyr Fesenko, chuyên gia phân tích chính trị Ukraine nhận định: “Hiện tại, ưu tiên của giới tài phiệt nước này không phải là chính trị mà là đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp và giảm thiểu thiệt hại của họ. Ngoại lệ duy nhất là (cựu Tổng thống Ukraine Petro) Poroshenko, người vẫn đang cố gắng tham gia vào hoạt động chính trị."

Khi Liên Xô tan rã, một bộ phận dân số Ukraine đã kiếm được nhiều tiền bằng cách tiếp quản các nhà máy và doanh nghiệp nhà nước trước đây, kể cả bằng vũ lực.

Một số trong số đó đã sử dụng số tiền kiếm được để hối lộ các quan chức cấp cao, bao gồm cả các tổng thống của Ukraine, đồng thời thành lập các đảng phái chính trị và cơ quan truyền thông để bảo vệ và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ. Mục đích là để đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo đất nước nằm trong tầm kiểm soát của họ.

Về phần mình, các tổng thống Ukraine có xu hướng tạo ra quyền lực riêng để bảo vệ lợi ích của họ. Nền chính trị đã trở thành một vòng quay của những âm mưu, và các thỏa thuận bí mật mang tính tham nhũng vì lợi ích nhóm, chủ yếu do lợi ích cá nhân thúc đẩy.

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ lâu đã hối thúc Ukraine làm trong sạch hệ thống tài phiệt của nước này.

Tháng 9/2021, Tổng thống Zelensky đã thông qua luật dân chủ hóa bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt quyền lực chính trị của giới tài phiệt.

Theo luật này, các nhà tài phiệt được định nghĩa là những người hội tủ đủ 3 trong 4 đặc điểm sau: tham gia đời sống chính trị, có ảnh hưởng đáng kể trên các phương tiện truyền thông, độc quyền sở hữu hoặc kiểm soát việc cung cấp hàng hóa-dịch vụ, là chủ sở hữu tài sản trị giá gấp 1 triệu lần so với mức lương (đủ sống) của người Ukraine.

Thời điểm đó, Đại sứ Anh tại Ukraine Melinda Simmons, nhận định: “Đạo luật nhằm loại bỏ giới tài phiệt có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của lợi ích cá nhân đối với đời sống chính trị và kinh tế của Ukraine."

Tuần trước, tỷ phú Rinat Akhmetov, người giàu nhất Ukraine, đã phải bàn giao toàn bộ quyền sở hữu đế chế truyền thông của ông cho nhà nước khi đạo luật loại bỏ ảnh hưởng của giới tài phiệt có hiệu lực.

[Mỹ-Đức ủng hộ tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột Ukraine]

Cố vấn của tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cho biết Akhmetov đã làm gương cho các tài phiệt đầu sỏ khác. Các nhà phân tích cho rằng không loại trừ một lý do khác là các doanh nghiệp của Akhmetov đang gặp khó khăn về dòng tiền do chiến tranh gây ra. Poturyaev nói: “Các nhà tài phiệt cũng mất ảnh hưởng vì công việc kinh doanh của họ thua lỗ nặng."

Theo FT, gần như tất cả các nhà tài phiệt Ukraine đều đưa ra tuyên bố lên án cuộc xung đột và quyên góp tiền cho quân đội cũng như viện trợ nhân đạo để thể hiện tình đoàn kết.

Ngay cả tỷ phú Dmytro Firtash đang tị nạn ở Áo, trùm tài phiệt từng đấu tranh chống lại lệnh dẫn độ sang Mỹ, người đã kiếm được hàng tỷ USD khi làm trung gian cho Gazprom, cũng nói rằng ông muốn quay trở lại Ukraine để giúp đỡ chính quyền và người dân.

Firtash sở hữu một số nhà máy sản xuất phân bón ở Ukraine, trong đó có một nhà máy tại thành phố Severodonetsk ở miền Đông, nơi bị đánh bom hồi tháng Sáu vừa qua.

Giới tài phiệt không phải là bộ phận duy nhất của chính trường Ukraine trở nên im hơi lặng tiếng. Theo chuyên gia phân tích chính trị Fesenko, các nghị sĩ Ukraine và các nhà lãnh đạo đảng phái dường như đã đạt được một thỏa thuận không chính thức để thành lập một mặt trận thống nhất trong khi cuộc xung đột với Nga vẫn tiếp diễn.

Fesenko nói: “Đời sống chính trị đã bị đóng băng một nửa. Thông thường, khi một người như Tổng công tố bị sa thải (ám chỉ bà Iryna Venediktova), các lãnh đạo đảng phái sẽ đưa ra tuyên bố và các chính trị gia sẽ đưa ra bình luận. Một vài nghị sỹ đã làm như vậy, nhưng hầu hết đều kiềm chế phát ngôn."

Các nghị sỹ Ukraine đã bỏ phiếu, đôi khi gần như nhất trí, để thông qua các dự luật, bao gồm các dự luật mấu chốt như Công ước Istanbul về bạo lực gia đình. Đây là một sự thay đổi rõ rệt so với trước chiến tranh, khi các phiên họp Quốc hội Ukraine nổi tiếng với những cuộc ẩu đả giữa các nghị sỹ.

Vẫn còn phải xem liệu động lực chính trị mới có tồn tại lâu dài hay không. Chuyên gia Fesenko nói: “Chúng ta chỉ có thể biết khi chiến tranh kết lúc liệu các nhà tài phiệt có cố gắng giành lại ảnh hưởng của họ hay không. Điều đó sẽ phụ thuộc vào những gì đang diễn ra."

Theo chuyên gia này, nếu Ukraine giành thắng lợi trong cuộc chiến này bằng cách giáng một đòn quân sự quyết định vào Nga, mức độ nổi tiếng của ông Zelensky sẽ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, ông nói thêm, nếu ông Zelensky buộc phải chấp nhận một thỏa hiệp ngừng bắn (chẳng hạn) để củng cố phần lãnh thổ còn lại của đất nước, điều đó sẽ gây chia rẽ xã hội và sự chống đối sẽ xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục