Chiến tranh xe tăng Trung Quốc-Mỹ trên thực địa: Ai lợi thế hơn?

Dù lợi thế nghiêng về Mỹ nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng một cuộc chiến tranh trên bộ thực sự trên đất Trung Quốc có thể không phải là kịch bản tốt nhất cho các lực lượng liên quân Mỹ.
Chiến tranh xe tăng Trung Quốc-Mỹ trên thực địa: Ai lợi thế hơn? ảnh 1Một cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc tại khu tự trị Nội Mông. (Nguồn: chinadaily.com.cn)

Theo trang mạng asiatimes.com, điều này có thể không bao giờ xảy ra, ít nhất là trong đời sống của chúng ta, nhưng Trung Quốc và Mỹ dường như đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên bộ.

Trong khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động chiến đấu giả lập, bao gồm các cuộc đột kích vào ban đêm lẫn ban ngày, thử nghiệm tấn công trực diện, huấn luyện chiến thuật và thử nghiệm vũ khí, thì cùng với những kịch bản chiến tranh tổng lực, lục quân và hải quân Mỹ đang nhanh chóng hiện đại hóa, chi hàng tỷ USD vào quá trình này trong bối cảnh có nguy cơ Tổng thống Donald Trump vượt qua làn ranh đỏ chưa từng có.

Trong khi đó, một số loại vũ khí và xe bọc thép hiện đại mới nhất của Trung Quốc đang gây ra một số lo ngại.

Theo tờ National Interest, một đánh giá năm 2020 của chuyên trang đánh giá sức mạnh quân sự GlobalFirepower cho rằng Quân đội Trung Quốc rất lớn, có tới 2 triệu quân chính quy và 510.000 quân dự bị, lớn hơn gấp 2-3 lần so với lực lượng hoạt động thường trực của Quân đội Mỹ. Đánh giá cũng cho biết Trung Quốc có 33.000 xe bọc thép và 3.500 xe tăng.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện được biết đang vận hành một số nền tảng vũ khí công nghệ cao mới nổi, chẳng hạn như xe tăng hạng nhẹ VT5 Type 15.

Xe tăng VT5, lần đầu tiên được Trung Quốc công khai trong một buổi lễ duyệt binh hồi năm ngoái, đã được phát triển trong nhiều năm. Chiếc xe bọc thép nặng khoảng 35 tấn, nhìn thoáng qua, có thể có một số tính năng giống như xe tăng Hỏa lực bảo vệ di động (MPF) đang phát triển của Quân đội Mỹ.

Xe tăng hạng nhẹ của Trung Quốc, như được miêu tả trong một đánh giá chi tiết trên tạp chí Army Recognition, sử dụng một số loại vũ khí, trong đó có đạn pháo 105mm có tầm bắn 3.000 m. Ngoài ra, giống như MPF, phương tiện này được thiết kế như một chiếc xe tăng cơ động, viễn chinh, nhẹ hơn nhiều, có thể vượt qua địa hình gồ ghề. Điều này cho phép nó theo kịp các đơn vị bộ binh di chuyển nhanh.

Cuối cùng, giống như Hệ thống vũ khí điều khiển từ xa thông dụng (CROWS) của Quân đội Mỹ, sử dụng công nghệ cảm biến và cọc tín hiệu ở dưới gầm xe để bảo vệ binh lính, xe tăng VT5 của Trung Quốc sử dụng “trạm vũ khí điều khiển từ xa."

[Mỹ cần chuẩn bị cho một cuộc chạy đua vũ trang mới với Trung Quốc]

Bên cạnh xe tăng VT5, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) còn nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực T99, cũng được coi là mối đe dọa đối với các lực lượng Mỹ. Các biến thể T99A nâng cấp bao gồm tích hợp thiết bị ảnh nhiệt, máy tính đạn đạo và các cảm biến đo thời tiết.

Điều thú vị là sự phát triển về công nghệ của nó có thể tương tự như xe tăng Abrams của Quân đội Mỹ. Xe tăng Abrams xét về hầu hết khía cạnh là một phương tiện hoàn toàn khác so với khi nó lần đầu xuất hiện như một phần của chương trình Big 5 trong những năm 1980.

Xe tăng T99 lần đầu tiên xuất hiện gần đây hơn là vào cuối những năm 1990, tuy nhiên những cải tiến trên xe tăng Abrams từ thập niên 1980 đã thay đổi hoàn toàn khả năng chiến đấu của nó.

Biến thể M1A2 v4 mới nhất được thiết kế với cảm biến hồng ngoại thế hệ mới có độ chính xác cao, phạm vi hoạt động xa, bộ nạp đạn tự động và đầu đạn đa mục tiêu để linh hoạt hơn trong tấn công.

Tóm lại, mặc dù việc nâng cấp xe tăng T99 có thể gây ra một số lo ngại, nhưng nó dường như không thể vượt trội hơn xe tăng Abrams.

Dù lợi thế nghiêng về Mỹ trong bất kỳ loại kịch bản chiến tranh cơ giới hóa lớn nào, nhiều nhà quan sát cho rằng một cuộc chiến tranh trên bộ thực sự trên đất Trung Quốc có thể không phải là kịch bản tốt nhất cho các lực lượng liên quân Mỹ vì Trung Quốc có địa hình phức tạp, vũ khí tối tân và lực lượng bộ binh hùng hậu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục