Chiếu chèo thành Nam đều đặn sáng đèn phục vụ

Theo Giám đốc Nhà hát chèo Nam Định, từ tháng 12-tháng Tư năm sau, nghệ sĩ của Nhà hát bận bịu với 2 suất diễn/ngày phục vụ nhân dân.

Cùng với các làn điệu dân ca Đồng bằng Bắc Bộ như hát trống quân, hát chầu văn, hát xẩm, ca trù..., nghệ thuật chèo đã có một thời phát triển mạnh mẽ tại nhiều làng quê Nam Định và định vị trong đời sống văn hóa tinh thần của những người nông dân lam lũ một nắng hai sương.

Nam Ðịnh là một trong những cái nôi của nghệ thuật Chèo. Theo các nghệ nhân cao tuổi, vùng đất Nam Định xưa thuộc chiếng chèo Nam, trong đó bao gồm cả các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, và Thái Bình hiện nay, nổi tiếng khắp cả nước bên cạnh ba chiếng chèo khác là chèo Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc; chèo Đông gồm Hưng Yên, Hải Dương và chèo Đoài gồm Hà Đông, Sơn Tây.

Trước đây, huyện nào trong tỉnh cũng những làng chèo và phường chèo cổ với những nghệ nhân lừng danh ngày nay vẫn còn được các lớp hậu bối nhắc đến. Huyện Ý Yên được đánh giá là "thủ phủ" của đất chèo Nam Định với các làng chèo Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường, An Lại Hạ... cùng hàng chục đội chèo và hàng trăm nghệ sĩ nổi tiếng.

Tại làng chèo An Lại Hạ, nhiều gia đình có tới 3-4 đời theo nghiệp chèo như gia đình cụ Dương Văn Hàm với ba đời tham gia diễn chèo và 12 con cháu hoạt động sân khấu chèo; trong đó có sáu người là diễn viên, nhạc công ở các đoàn chèo chuyên nghiệp.

Huyện Mỹ Lộc được nhắc đến với chèo làng Đặng với gánh chèo làng Quang Sán ở xã Mỹ Hà. Sau hòa bình lập lại, Mỹ Hà có tới 10 đội chèo, riêng làng Quang Sán có năm đội. Huyện Vụ Bản có làng chèo Hào Kiệt với hầu hết thành viên là dân quân, du kích tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Huyện Nam Trực ngoài phường chèo Điền Xá, Nam Mỹ, còn có các phường chèo gốc gắn kết với phường múa rối nước như làng Rạch ở xã Hồng Quang, làng Nhất ở xã Nam Giang. Huyện Hải Hậu có làng chèo Phú Văn Nam ở xã Hải Châu đã tồn tại cách đây hàng trăm năm...

Truyền thống của các chiếu chèo sân đình, gánh hát chèo, phường chèo ở các làng quê được tiếp bước bởi Đoàn chèo Nam Định được thành lập từ năm 1959. Trong hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, Đoàn chèo Nam Định đã đạt được những thành tích đáng tự hào với những năm tháng sôi nổi tham gia phục vụ sản xuất và chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong hai năm 1962 và 1963, Đoàn đã dàn dựng thành công hai vở diễn "Đôi ngọc lưu ly" được soạn theo tích chèo cổ "Trương Viên." Tại hội diễn năm 1962, vở diễn này được tặng huy chương bạc, bốn diễn viên được tặng huy chương vàng và bạc.

Sau thành công đầu tay này, năm 1963, Đoàn bắt tay dàn dựng vở diễn "Chị Tâm bến Cốc" còn có tên gọi khác là "Người con gái của Đảng." Đoàn đã có vinh dự biểu diễn vở này phục vụ Bác Hồ nhân dịp Bác Hồ về thăm nhà máy Dệt Nam Định năm 1963.

Năm 1967, vở chèo lịch sử "Trần Quốc Toản ra quân" do Đoàn dàn dựng đã tạo ra được tiếng vang lớn khắp trong cả nước và sau đó được dựng thành phim nhựa để phục vụ bộ đội ở các chiến trường và đồng bào vùng sâu vùng xa. Đáng chú ý là năm 1975, Đoàn đã dàn dựng thành công vở "Ni cô Đàm Vân." Vở diễn đã vinh dự được chọn phục vụ đại biểu Đại hội lần thứ IV của Đảng.

Cuối năm 1998, Đoàn dàn dựng vở "Trần Anh Tông." Vở diễn này được phát hai lần trên kênh sóng của Đài truyền hình Việt Nam năm 1999 và giành được huy chương vàng tại hội diễn toàn quốc dành cho thể loại sân khấu chèo năm 2000. Đặc biệt, "Trần Anh Tông" cũng là một trong hai vở diễn duy nhất được Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bộ Văn hóa Thông tin (lúc bấy giờ) và Ban tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 lựa chọn để phục vụ các đại biểu.

Mấy năm trở lại đây, Đoàn chèo Nam Định (nay là Nhà hát chèo Nam Định) đã khắc phục mọi cố gắng, tìm hướng vươn lên để vừa giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này, vừa đảm bảo đời sống cho anh em nghệ sĩ, cán bộ nhân viên của mình.

Nhà hát chèo Nam Định đã thực hiện rất nhiều chuyến giao lưu, biểu diễn khắp các tỉnh tình trong nước như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Yên Bái, Lào Cai; trong đó có nhiều chuyến xuyên Việt đến tận các tỉnh phía Nam để giới thiệu, quảng bá nghệ thuật chèo trên quê hương của cải lương, đờn ca tài tử. Lịch diễn của Nhà hát cũng ngày một đều đặn hơn với trung bình 20 suất diễn/tháng.

Theo nghệ sỹ Ưu tú Bùi Huy Soái, Giám đốc Nhà hát chèo Nam Định, từ tháng 12 đến tháng Tư hàng năm, các anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát đặc biệt "bận bịu" với ngày hai suất diễn đều đặn phục vụ nhân dân qua các lễ hội làng, lễ đón bằng di tích lịch sử-văn hóa, khánh thành nhà văn hóa, từ đường dòng họ, nhà thờ và các công trình ở các địa phương trong tỉnh.

Đặc biệt, với "Chiếu chèo Nam" - một loại hình sân khấu nhỏ, tổ chức dàn dựng các trích đoạn chèo cổ, các giá đồng ra đời vào năm 1998, Nhà hát đã biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế trong đó có rất nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong các chuyến thăm và làm việc tại Nam Định.

Bên cạnh hoạt động biểu diễn phục vụ khán giả, Nhà hát luôn quan tâm tới việc nghiên cứu thể nghiệm, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống của địa phương. Từ cuối tháng 12/2006 đến nay, Nhà hát đã tiến hành phục dựng ba vở chèo cổ là "Tấm Cám," "Quan Âm Thị Kính," "Lưu Bình-Dương Lễ" và khoảng 20 trích đoạn chèo cổ; dàn dựng lại tám giá đồng cũ và dựng năm giá đồng mới.

Nhà hát cũng xây dựng mới một số vở chèo lịch sử như "Thần đồng đất Việt" đoạt huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 về Trạng nguyên Nguyễn Hiền, "Trạng lường Lương Thế Vinh" và các vở chèo ngắn như "Chí Phèo-Thị Nở," "Tình cha," "Cháy nhà ra mặt chuột"…

Ngoài ra, Nhà hát cũng thành công trong việc thể nghiệm các vẻ chèo với đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống thường nhật, trong đó phải kể đến vở "Chiến trường không tiếng súng," một trong hai tác phẩm giành huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010.

Một hoạt động nữa phải kể đến là Nhà hát cũng thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và các trường học tổ chức các buổi trao đổi về nghệ thuật chèo cổ, biểu diễn các vở và trích đoạn nhằm giúp các em học sinh, sinh viên hiểu biết thêm và có ý thức gìn giữ nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Năm 2011, Nhà hát chèo Nam Định dự định đầu tư xây dựng vở diễn mới về đề tài nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhằm góp phần đưa nghệ thuật chèo phát triển trong cuộc sống hiện đại hôm nay và lấy lại phần nào vị thế vốn có trong lòng khán giả./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục