Chiêu mộ chuyển ma túy

Chiêu mộ người vận chuyển ma túy qua Facebook

Nhiều tổ chức buôn ma túy dùng Facebook, để chiêu mộ người vận chuyển ma túy cho chúng với những lời hứa thưởng công hậu hĩnh.
Chính phủ Malaysia đã cảnh báo người dân nước này, đặc biệt là phụ nữ, phải cảnh giác trước tình trạng nhiều tổ chức buôn lậu ma túy quốc tế đang sử dụng trang mạng xã hội Facebook, để chiêu mộ người vận chuyển ma túy cho chúng với những lời hứa thưởng công hậu hĩnh.

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Richard Riot Jaem, cho biết ngày càng có nhiều nữ sinh viên Malaysia bị các tổ chức buôn lậu ma túy quốc tế gạ gẫm tham gia vận chuyển ma túy tới các nước khác. Phần đông các nạn nhân được kết thân qua Facebook.

Những người đàn ông trong các tổ chức buôn lậu, nhiều người đến từ Nigeria và Nam Phi, đã dùng chiêu cam kết tài trợ cho các cô gái trẻ đi nghỉ ngơi vui thú ở Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Mỹ, kèm theo một khoản tiền "tiêu vặt" trị giá tới hàng nghìn USD rồi nhờ họ mang giúp các bọc hành lý hoặc gói quà có chứa ma túy trong những chuyến đi nghỉ này.

Gần đây đã có nhiều cô gái bị những người đàn ông gạ gẫm qua Facebook. Họ chat với nhau rồi trở thành bạn. Khi đã lấy lòng được các cô gái nhẹ dạ, những người đàn ông này liền biến họ thành những kẻ vận chuyển trong đường dây buôn lậu ma túy.

Ông Riot cho biết thêm tình trạng vận chuyển và buôn lậu ma túy ngày càng trở nên tồi tệ. Trong số 1.560 người Malaysia bị bắt ở nước ngoài từ năm 1991 tới nay, có 785 người do vận chuyển ma túy, trong đó có 149 phụ nữ. 70 người bị cáo buộc buôn lậu ma túy đã và đang phải đối mặt với hình phạt tử hình.

Lo ngại trước tình trạng đông phụ nữ trẻ dính líu vào buôn lậu, năm 2008, Chính phủ Malaysia đã buộc phải ra quy định yêu cầu các cô gái trẻ ra nước ngoài vì việc riêng, phải được cha mẹ, hoặc các chủ lao động của họ viết giấy bảo đảm cho phép đi. Tuy nhiên, quy định này sau đó đã bị bãi bỏ do các tổ chức phụ nữ chỉ trích.

Theo một cuộc nghiên cứu của công ty TNS công bố hồi tháng trước, người Malaysia thích kết bạn trên Facebook nhất với trung bình khoảng 233 người so với 68 ở Trung Quốc và chỉ có 29 ở Nhật Bản. Trung bình mỗi ngày họ tốn tới chín tiếng đồng hồ để lướt "sơ yếu lý lịch" của hơn 500 triệu thành viên./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục