Chín Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013

Chín luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7, trong đó có Luật Thủ đô; Luật Xuất bản; Luật Điện lực, Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Từ ngày 1/7/2013, 9 Luật sẽ có hiệu lực thi hành, gồm Luật Thủ đô; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư; Luật Hợp tác xã; Luật Xuất bản.

Tạo cơ sở pháp lý vững chắc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội

Luật Thủ đô gồm 4 Chương, 27 Điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô; các chính sách, cơ chế đặc thù của Thủ đô trong các lĩnh vực như quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan, trật tự xây dựng Thủ đô...

Luật quy định biểu tượng của Thủ đô - hình tượng đặc trưng gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa của Hà Nội và cả dân tộc Việt Nam, thể hiện nguyện vọng, niềm tự hào của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước về một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại của nước Việt Nam là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Xuất phát từ tầm quan trọng của quy hoạch Thủ đô, Luật xác định vị trí của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (quy hoạch không gian) làm trung tâm cho việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô. Theo đó, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy hoạch khác của Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Đồng thời, Luật cũng quy định một số biện pháp nhằm giảm số lượng dân cư tập trung quá đông ở nội thành, tạo nên diện mạo mới của Thủ đô.

Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội được quy định trong Luật. Theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách, ban hành chính sách huy động nguồn lực khác để xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô lớn, quan trọng trên địa bàn Thủ đô; trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong việc tổ chức việc đầu tư đồng bộ hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, quản lý, xử lý chất thải rắn, cung cấp năng lượng, chiếu sáng đô thị; hệ thống thông tin liên lạc và kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định nhiều vấn đề mới mà Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội năm 2000 chưa điều chỉnh, như xác định trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước; danh hiệu công dân danh dự Thủ đô; mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn hai lần trong ba lĩnh vực văn hóa, đất đai, xây dựng...

Ngoài ra, Luật quy định trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo về việc thi hành Luật Thủ đô nhằm tạo thêm cơ chế để Quốc hội trực tiếp thực hiện việc giám sát thi hành Luật Thủ đô, nâng cao trách nhiệm của chính quyền Hà Nội trong việc tổ chức thi hành Luật.

Bảo đảm công bằng, công khai, khách quan trong xử lý vi phạm hành chính

Với 12 Chương, 142 Điều, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các nguyên tắc bảo đảm công bằng, công khai, khách quan, tôn trọng quyền giải trình của cá nhân, tổ chức; người có thẩm quyền xử phạt, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bằng việc áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính...

Để phân định mức phạt tiền giữa cá nhân và tổ chức vi phạm, phù hợp với tính chất vi phạm, một trong những nguyên tắc mới được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính là: đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính, Luật quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi hành vi vi phạm hành chính do mình gây ra.

Người chưa đủ 14 tuổi vi phạm hành chính sẽ được nhắc nhở, giáo dục tại gia đình, có nghĩa là họ không bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Đối với các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, Luật quy định mở rộng hơn: Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác.

Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính được Luật quy định bao gồm các vi phạm trong tình thế cấp thiết; do phòng vệ chính đáng; do sự kiện bất ngờ; do sự kiện bất khả kháng hoặc đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không có năng lực trách nhiệm hành chính hay do chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Để hạn chế tối đa việc vi phạm pháp luật, lạm quyền của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ, Luật cũng quy định bổ sung một điều về các hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính bao gồm 12 khoản, trong đó 11 khoản quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Luật bổ sung quy định về cách xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện, thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, Luật cũng quy định việc xác định nguyên tắc áp dụng các tình tiết tăng nặng để làm cơ sở xem xét xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, đó là những tình tiết đã được quy định là hành vi vi phạm hành chính thì không được coi là tình tiết tăng nặng để tránh sự lúng túng của người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng pháp luật.

Giảm mức động viên cho người nộp thuế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân: giảm mức động viên cho người nộp thuế, hướng nhiều về những người có thu nhập thấp trong biểu thuế thể hiện sự chia sẻ của Nhà nước đối với người dân trong điều kiện kinh tế khó khăn; đảm bảo đơn giản hóa chính sách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thu, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu.

Về phạm vi, đối tượng chịu thuế, để đảm bảo nguyên tắc chỉ các khoản trợ cấp mang tính bù đắp những rủi ro, giải quyết khó khăn tạm thời cho người lao động, hoặc phụ cấp, trợ cấp mang tính chất bảo trợ, an sinh xã hội mới được trừ khỏi thu nhập chịu thuế, Luật bổ sung theo hướng bỏ các khoản trợ cấp, phụ cấp đến nay không còn nữa; đồng thời bổ sung quy định thêm nội dung: “trợ cấp mang tính bảo trợ xã hội và các khoản trợ cấp, phụ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ” để đảm bảo Luật không bị lạc hậu khi có phát sinh các khoản phụ cấp mới.

Để đảm bảo công bằng giữa người có lương hưu do quỹ bảo hiểm xã hội chi trả đang được miễn thuế thu nhập cá nhân với người có lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả, đồng thời khuyến khích cá nhân tham gia vào quỹ hưu trí tự nguyện, Luật sửa đổi, bổ sung quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng và bổ sung quy định không tính vào thu nhập tính thuế đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện.

Để tránh tình trạng lợi dụng chính sách, Luật bổ sung nội dung Chính phủ quy định mức tối đa được trừ đối với khoản đóng góp quỹ hưu trí tự nguyện.

Luật điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ mức 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

Đồng thời, Luật bổ sung quy định “mở” để khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với sự biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Để thuận lợi cho người nộp thuế, giảm khối lượng quyết toán thuế không cần thiết, Luật sửa đổi theo hướng bỏ quy định cá nhân phải quyết toán đối với mọi khoản thu nhập, cá nhân có thu nhập chịu thuế có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách Nhà nước và quyết toán thuế theo quy định của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quy định chi tiết về việc quyết toán thuế đối với trường hợp số thuế đã tạm nộp, tạm khấu trừ còn thấp hơn số thuế phải nộp theo Luật, bỏ quy định việc quyết toán thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán hoặc cá nhân có số thuế nộp thừa không có yêu cầu hoàn lại.

Quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực quy định ưu tiên phát triển điện lực phục vụ nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; ưu đãi đối với dự án đầu tư phát triển nhà máy phát điện sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Luật cũng quy định giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Nhà nước hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với tình hình kinh tế xã hội từng thời kỳ.

Về giá bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ quy định phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sửa đổi 36 Điều trong tổng số 120 Điều của Luật Quản lý thuế và 2 nội dung về kĩ thuật văn bản nhằm kịp thời khắc phục những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật quản lý thuế; cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế; bổ sung những phương thức mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật liên quan đến ba nhóm vấn đề lớn: Nhóm vấn đề về đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; nhóm vấn đề về phục vụ mục tiêu cải cách - hiện đại hóa và hội nhập, phù hợp thông lệ quốc tế là bổ sung các quy định về nguyên tắc quản lý rủi ro trong công tác quản lý thuế, làm cơ sở áp dụng thống nhất các kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý thuế tiên tiến; nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế để phù hợp với thực tế và phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan nhằm chống thất thu ngân sách, giảm nợ đọng thuế.

Tạo cơ chế hình thành, quản lý, điều hành, sử dụng dự trữ quốc gia hợp lý

Luật Dự trữ Quốc gia kế thừa các mục tiêu nêu tại Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia, để phù hợp với thực tiễn, mục tiêu của dự trữ Quốc gia được quy định: Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

Luật quy định cơ quan dự trữ quốc gia có trách nhiệm tham mưu để Bộ Tài chính thực hiện quản lý Nhà nước về dự trữ Quốc gia; trực tiếp quản lý hàng dự trữ Quốc gia theo quy định của Luật và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đồng thời Luật cũng quy định rõ các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ Quốc gia phải đáp ứng được mục tiêu là mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, có tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống đột xuất, cấp bách; là mặt hàng đặc chủng, không thể thay thế; là vật tư, thiết bị, hàng hóa bảo đảm quốc phòng, an ninh mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động luật sư

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động luật sư; bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, bảo đảm cho hoạt động luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Luật tăng thời gian đào tạo nghề luật sư từ 6 tháng lên 12 tháng. Bên cạnh đó, thời gian tập sự hành nghề luật sư được rút ngắn từ 18 tháng xuống còn 12 tháng nhằm đảm bảo tổng thời gian đào tạo nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề vẫn là 24 tháng.

Ngoài ra, Luật bổ sung nghĩa vụ của luật sư là nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng; có thái độ hợp tác, tôn trọng những người tiến hành tố tụng mà luật sư tiếp xúc khi hành nghề; tham gia tố tụng đầy đủ, kịp thời trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu; thực hiện trợ giúp pháp lý...

Đặc biệt, Luật bổ sung nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc của luật sư để thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ luật sư.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên

Luật Hợp tác xã gồm 9 Chương, 64 Điều, trong đó nêu rõ hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về thành lập và đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, luật quy định các nội dung sáng lập viên, hội nghị thành lập hợp tác xã; nội dung điều lệ hợp tác xã; tên, biểu tượng hợp tác xã; các quy định về đăng ký hợp tác xã, văn phòng đại diện, chi nhánh của hợp tác xã.

Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, trong đó khuyến khích huy động vốn hoạt động của hợp tác xã trước hết từ thành viên theo đúng tinh thần hợp tác; phân phối thu nhập sau thuế chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của hợp tác xã hoặc công sức lao động đóng góp của thành viên vào hợp tác xã; quy định về tài sản không chia như là chất keo dính giữa các thành viên với nhau và giữa các thành viên với hợp tác xã. Tài sản không chia hình thành từ 2 nguồn: hỗ trợ của Nhà nước, quà tặng, cho, tích lũy của hợp tác xã trong quá trình hoạt động do điều lệ hợp tác xã quy định.

Tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản

Luật Xuất bản gồm 6 Chương, 54 Điều. Để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản thực hiện tốt chức năng là công cụ sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, cùng với việc kế thừa các quy định về chính sách phát triển sự nghiệp xuất bản hiện hành, Luật Xuất bản bổ sung một số chính sách cụ thể về hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật tiên tiến cho các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành theo một số nhiệm vụ, đối tượng, địa bàn cụ thể và thực hiện xuất bản xuất bản phẩm điện tử. Luật xây dựng hệ thống thông tin dự liệu đặc tả của xuất bản phẩm điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm, truy nhập, quản lý, lưu trữ xuất bản phẩm điện tử.

Bên cạnh đó, Luật quy định về hình thức liên kết xuất bản với nhà xuất bản, về thông tin ghi trên văn bản phẩm. Luật cũng quy định về Nhà xuất bản điện tử có đủ các điều kiện công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành và quản lý phục vụ xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục