Chính biến tại Sudan: UAE nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại ở Sudan

Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay với tình hình ở Sudan là các bên tiếp tục đối thoại và tránh leo thang xung đột sau các cuộc biểu tình phản đối quân đội cầm quyền.
Chính biến tại Sudan: UAE nhấn mạnh sự cần thiết đối thoại ở Sudan ảnh 1Người biểu tình tập trung tại Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/7, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Anwar Gargash nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay đối với tình hình ở Sudan là các bên tiếp tục đối thoại và tránh leo thang xung đột sau các cuộc biểu tình phản đối quân đội cầm quyền.

Trên tài khoản Twitter, Bộ trưởng Gargash nêu rõ: "Cần tiếp tục đối thoại mà không có sự phản kháng và hướng tới một thỏa thuận về chuyển tiếp...Cần tránh xung đột và leo thang căng thẳng."

Lời kêu gọi trên của UAE được đưa ra một ngày sau khi phong trào phản kháng mang tên Liên minh Tự do và Thay đổi tại Sudan ra tuyên bố kêu gọi tiến hành một chiến dịch "bất tuân dân sự" trên cả nước trong ngày 14/7 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, tuyên bố của liên minh trên nhấn mạnh chiến dịch "bất tuân dân sự" và "tổng đình công chính trị" trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn sẽ diễn ra vào ngày 14/7 ở thủ đô Khartoum và tại tất cả các tỉnh thành.

Ngoài ra, một cuộc biểu tình lớn khác dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 13/7 nhằm phản đối cuộc trấn áp người biểu tình hôm 3/6 vừa qua.

[Sudan: TMC yêu cầu phe đối lập chịu trách nhiệm cho cuộc biểu tình]

Trước đó, theo lời kêu gọi của phong trào phản kháng trên, hàng chục nghìn người đã biểu tình vào hôm 30/6 trên cả nước Sudan phản đối Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) hiện nắm quyền lãnh đạo sau khi lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir ngày 11/4.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chính quyền quân sự giải tán khu trại của người biểu tình 3 tuần trước đó.

TMC đã nắm quyền lãnh đạo tại Sudan kể từ khi Tổng thống Omar al-Bashir bị phế truất sau 30 năm cầm quyền.

Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình yêu cầu hội đồng này chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Ethiopia và Liên minh châu Phi (AU) đã đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hội đồng quân sự và phong trào phản kháng đòi thành lập chính quyền dân sự ở Sudan.

Các cuộc đàm phán đã đổ vỡ khi các lực lượng an ninh Sudan giải tán một khu trại của người biểu tình ở thủ đô Khartoum.

Theo những người tổ chức biểu tình, các cuộc trấn áp đã khiến ít nhất 130 người thiệt mạng tại nhiều khu vực của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục