Chính giới Australia tranh luận về giải pháp đối với Triều Tiên

Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce cho biết những lựa chọn, bao gồm cả hành động quân sự, nên được đặt trên bàn đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân hiện nay của Triều Tiên.
Chính giới Australia tranh luận về giải pháp đối với Triều Tiên ảnh 1Tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung Pukguksong-2 được phóng thử từ vùng Pukchang thuộc một tỉnh miền tây Triều Tiên (ảnh do Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên đăng phát ngày 22/5). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 10/7, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sky News, Phó Thủ tướng Australia Barnaby Joyce cho biết những lựa chọn, bao gồm cả hành động quân sự, nên được đặt trên bàn đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng tên lửa và hạt nhân hiện nay của Triều Tiên.

Bên cạnh đó, ông Joyce cũng kêu gọi Trung Quốc, nước có ảnh hưởng kinh tế lớn nhất đối với Triều Tiên, nỗ lực nhiều hơn nữa để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tướng về hưu Jim Molan ủng hộ quan điểm của ông Joyce, đồng thời cho rằng chính sách ngoại giao qua ba đời Tổng thống Mỹ gồm George W Bush, Bill Clinton và Barack Obama trong 25 năm qua chỉ đưa ra những “ngôn từ thông minh," chẳng hạn như “kiên nhẫn chiến lược," trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển khả năng vũ khí hạt nhân của mình.

Ông Molan nhấn mạnh ngoại giao nên ở trên bàn đàm phán nhưng nó phải được hỗ trợ bởi các lệnh trừng phạt kinh tế và sức mạnh quân sự.

Trong khi đó, phát biểu trên đài truyền hình ABC, người phát ngôn của Công đảng đối lập, bà Penny Wong, cho rằng giờ là lúc chúng ta nên sử dụng ngôn từ “có trách nhiệm và tỉnh táo."

[Mỹ, Hàn Quốc tăng cường siết chặt trừng phạt chống Triều Tiên]

Bà đồng tình với ông Joyce về việc Trung Quốc nên tích cực hơn trong việc giúp giải quyết vấn đề này và ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo bà Wong, đây là một mối đe dọa toàn cầu, đòi hỏi phải có sự phối hợp giải quyết của tất cả các cường quốc và nước lớn trong khu vực.

Tuy nhiên, bà tỏ ra ngạc nhiên khi vấn đề Triều Tiên đã không được đề cập nhiều tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tuần qua tại Hamburg (Đức)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục