Chính giới Séc phản ứng về việc từ chức tập thể của chính phủ

Chủ tịch Thượng viện Milan Stech bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Thủ tướng, cho rằng không thể điều hành đất nước cùng với một nhân vật như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis.
Chính giới Séc phản ứng về việc từ chức tập thể của chính phủ ảnh 1Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chính giới Séc đã có phản ứng khác nhau về quyết định chính phủ từ chức tập thể sau khi Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka ngày 2/5 thông báo từ chức liên quan đến cuộc tranh cãi với Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis.

Mục đích mà Thủ tướng Sobotka đưa ra trong tuyên bố từ chức được nhìn nhận theo các hướng đối lập nhau. Trong tuyên bố từ chức Thủ tướng Sobotka khẳng định Chính phủ liên minh đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng đe dọa thành quả hoạt động của chính phủ trong hơn ba năm qua và phá vỡ niềm tin của nhân dân đối với chính phủ.

Theo ông Sobotka, nguyên nhân là ông Andrej Babis đã không thể làm rõ được những nghi vấn về gian lận thuế, cũng như nguồn thu không minh bạch. Chính phủ đã quá thất vọng về nội dung bản giải trình của ông Babis gửi tới Hạ viện Séc vì nó không giải tỏa được những vấn đề nghi vấn. Do ông Babis không chịu từ chức theo như tối hậu thư do Thủ tướng đưa ra vào ngày 16/3 và hết hạn vào ngày 30/4, ông Sobotka quyết định để cho toàn bộ Chính phủ từ chức vì không muốn chịu điều tiếng với Phó Thủ tướng "gian lận và đạo đức giả."

[Thủ tướng Séc Sobotka từ chức vì bất đồng với Bộ trưởng Tài chính]

Chủ tịch Thượng viện Milan Stech bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Thủ tướng, cho rằng không thể điều hành đất nước cùng với một nhân vật như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis.

Hiện Văn phòng Tổng thống Milos Zeman chưa đưa ra bình luận gì về quyết định của Thủ tướng Sobotka. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng "quả bóng" đã được đẩy vào chân của Tổng thống Zeman. Theo Hiến pháp, Tổng thống Cộng hòa Séc có quyền chấp nhận hay bác bỏ quyết định từ chức của Thủ tướng.

Hiến pháp Cộng hòa Séc quy định sau khi chính phủ từ chức thì vai trò của Tổng thống trở nên đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định của đất nước. Tổng thống có quyền chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng, chỉ định người sẽ đứng ra thành lập chính phủ lâm thời hoặc kêu gọi người đứng đầu nội các tiếp tục công việc của mình cho đến ngày bầu cử.

Trong tuần này Tổng thống Zeman sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Sobotka (thuộc đảng Dân chủ Xã hội - CSSD) cũng như thủ lĩnh hai đảng khác trong liên minh cầm quyền là phong trào ANO và đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (KDU-CSL). Tùy thuộc vào kết quả cuộc gặp này mà Tổng thống sẽ đưa ra quyết định - chấp thuận việc chính phủ từ chức, chỉ định người đứng ra thành lập nội các mới hoặc kêu gọi ông Sobotka tiếp tục giữ chức Thủ tướng cho đến ngày bầu cử Hạ viện được ấn định vào ngày 20 và 21/10.

Hiện tại ở Cộng hòa Séc có nhiều nhận định nghiêng về phương án Tổng thống Zeman sẽ chỉ định Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Tài chính Andrej Babis làm Thủ tướng tạm quyền trong trường hợp không thể cứu vãn Chính phủ của Thủ tướng Sobotka. Trong thời gian gần đây, Tổng thống Zeman luôn đứng về phía ông Babis trong các cuộc tranh cãi giữa ông này với Thủ tướng Sobotka.

Tuy nhiên, vẫn còn những cơ hội thực tiễn cho việc đạt được thỏa thuận giữa các phe phái để chính phủ hiện nay vẫn tiếp tục hoạt động đến ngày bầu cử, không đẩy Cộng hòa Séc rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và bất ổn xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục