Chính phủ Ấn Độ nỗ lực đưa “mùa Xuân” trở lại cho nền kinh tế

Thủ tướng Modi khẳng định bên cạnh việc thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, Ấn Độ cần tập trung phổ biến kỹ năng cho thế hệ trẻ để tăng sức cạnh tranh.
Chính phủ Ấn Độ nỗ lực đưa “mùa Xuân” trở lại cho nền kinh tế ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: ketavmehta.com)

Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đã nêu quyết tâm phục hồi kinh tế làm “đòn bẩy” để giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 và sau khi thành lập Chính phủ, Thủ tướng Narendra Modi cùng các cộng sự trong Nội các của ông đã ngay lập tức triển khai thực hiện cam kết này đối với cử tri.

Không có “chiếc đũa thần” nào để tân chính phủ Ấn Độ nhanh chóng đạt được mục tiêu đưa kinh tế Ấn Độ trở lại mức tăng trưởng kỳ diệu, song những biện pháp quyết liệt của chính phủ BJP đã phục hồi lòng tin của thị trường, giới đầu tư và người dân.

Các thị trường chứng khoán Ấn Độ liên tục tăng điểm, đồng rupee ổn định ở mức dưới 60 rupee/1 USD so mức mức thấp kỷ lục xấp xỉ 69 rupee/1 USD hồi tháng 8/2013 là những dấu hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Ấn Độ.

Quyết tâm phục hồi kinh tế đã được thể hiện rõ khi phát biểu tại lễ phát hành cuốn sách "Getting India Back on track - an action agenda for reform" mới đây, Thủ tướng Modi khẳng định bên cạnh việc thay đổi mạnh mẽ các lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, đất nước cần tập trung phổ biến kỹ năng cho thế hệ trẻ để tăng sức cạnh tranh.

Ấn Độ cần khai thác tiềm năng nhân khẩu học bởi 65% dân số của nước này dưới độ tuổi 35 và do đó, phát triển kỹ năng cần được ưu tiên.

Thủ tướng Modi nhấn mạnh đến sự ưu tiên phát triển những lĩnh vực chủ chốt vì sự tăng trưởng toàn diện của Ấn Độ, theo đó cần tiến hành cuộc “cách mạng xanh” lần thứ hai, tập trung tăng sản phẩm nông nghiệp, giá trị gia tăng, công nghệ nông nghiệp và phi tập trung hóa hệ thống kho tàng; tiến hành cuộc “cách mạng trắng” lần thứ hai nhằm tập trung tăng sản lượng sữa và phát triển một hệ thống hỗ trợ nhằm bảo đảm sức khỏe gia súc; về lĩnh vực năng lượng, cần một cuộc “cách mạng màu nghệ tây” (saffron revolution), theo đó tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước.

Thủ tướng Modi cũng đề nghị tập trung phát triển hạ tầng, các mạng lưới quang học, ngư nghiệp, trong khi các trường đại học phải tích cực tham gia nghiên cứu và phân tích về tiến trình phát triển nhằm đóng góp cách thức tốt nhất cho các quyết định liên quan đến chính sách của chính phủ.

Chương trình hành động của chính phủ do Thủ tướng Modi đứng đầu cũng được Tổng thống Pranab Mukherjee nêu rõ trong diễn văn tại phiên họp chung đầu tiên của hai viện Quốc hội ngày 9/6, trong đó đề ra một loạt biện pháp nhằm khai thác tiềm năng phát triển của nền kinh tế Ấn Độ.

Tổng thống Mukherjee cho biết: "Về mặt trận kinh tế, chúng ta đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn. Trong hai năm liên tục, tăng trưởng GDP dưới 5%; thu nhập từ thuế giảm sút; lạm phát tiếp tục ở mức không thể chấp nhận. Do đó, đưa kinh tế trở lại con đường tăng trưởng là nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ. Chúng ta sẽ cùng nhau phấn đấu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, tái kích thích đầu tư, tăng cường tại việc làm, khôi phục lòng tin trong nước cũng như cộng đồng quốc tế vào nền kinh tế Ấn Độ."

Tổng thống Mukherjee đã nêu những điểm chính trong chương trình hành động của chính phủ, với nội dung như xây dựng lòng tin đối với chính phủ theo khẩu hiệu “chính phủ tối thiểu, điều hành tối đa;” ưu tiên phát triển giáo dục, y tế, nguồn nước, năng lượng và đường sá; giải quyết những mối lo ngại về nền kinh tế; tạo sự ổn định và bền vững trong chính sách của chính phủ; hoan nghênh các sáng kiến sáng tạo, tạo điều kiện cho công chức làm việc độc lập mà không bị sức ép; tạo sự minh bạch trong điều hành; tiến hành cải cách về hạ tầng và đầu tư; thực hiện các chính sách theo đúng thời hạn; giảm nghèo khổ; kiềm chế lạm phát, nhất là lạm phát giá lương thực; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, đặc biệt là hạ tầng và công nghệ nông nghiệp; phát triển các hành lang công nghiệp; thu hút đầu tư; phát triển cấu trúc liên bang, theo đó có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền các bang và chính phủ...

Theo nhận định của các nhà phân tích kinh tế, thực hiện các mục tiêu trên là nhiệm vụ nặng nề đối với Thủ tướng Modi, song với một chính phủ có quyết tâm cải cách và sự điều hành tốt, ông có thể dần dần đưa nền kinh tế Ấn Độ trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững.

Nếu thành công trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, phục hồi tăng trưởng, chính phủ Ấn Độ sẽ thành công trong việc đối phó với thách thức lớn nhất - đưa “mùa Xuân” đến cho nền kinh tế nước này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục