Chính phủ Bảo thủ của nước Anh ngày càng thiên tả

Thủ tướng Boris Johnson đã công khai thể hiện thái độ “vừa yêu vừa ghét” đối với giới kinh doanh, cam kết trong cương lĩnh tranh cử của mình rằng sẽ mang lại sức sống mới trong chính sách cạnh tranh.
Chính phủ Bảo thủ của nước Anh ngày càng thiên tả ảnh 1Thủ tướng Anh Boris Johnson tại cuộc họp Quốc hội ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Anh tổng hợp thông tin từ truyền thông Anh cho biết Chính phủ nước này đang cân nhắc hai quyết định mạnh tay trong kế hoạch ngân sách dự kiến công bố vào ngày 11/3 tới, đó là áp “thuế dinh thự” đối với chủ sở hữu những bất động sản đắt tiền và cắt giảm việc miễn trừ thuế hưu đối với những người có thu nhập cao.

Thuế dinh thự có thể được thực hiện dưới hình thức một khoản phí hàng năm đối với những căn nhà đắt tiền hoặc tăng thuế hội đồng.

Quyết định cải cách lương hưu có nghĩa là cắt giảm mức miễn trừ thuế đối với những người có thu nhập trên 50.000 bảng/năm từ mức 40% xuống chỉ còn 20% để thu thêm 10 tỷ bảng mỗi năm cho ngân sách.

Chính phủ được cho là cũng đang cân nhắc tiếp các biện pháp “tận thu” khác đối với những nguồn thu nhập của giới giàu, như lợi nhuận từ làm ăn, tiền thừa kế và lãi suất.

[Thủ tướng Anh hoãn kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ để tập trung đối nội]

Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh thuộc Chính phủ Công đảng giai đoạn 1974-1979, ông Denis Healey, từng tuyên bố muốn “bóp chặt” giới nhà giàu hết mức có thể.

Tuy nhiên, sau khi Công đảng dần thay đổi chính sách theo đường lối ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, và sau kết quả bầu cử ảm đạm từ sau giai đoạn Thủ tướng Tony Blair cầm quyền đến nay, nước Anh đã trải qua một thời gian tương đối dài mà giới nhà giàu có thể nói là được “dễ thở” đôi chút.

Tuy nhiên, chính phủ mới của đảng Bảo thủ dưới thời Thủ tướng Boris Johnson có vẻ như đang dần thay đổi điều đó.

Những đồn đoán trên có thể chưa hoàn toàn đủ cơ sở, nhưng cũng đã xuất hiện một số động thái khác đáng chú ý.

Thủ tướng Boris Johnson đã công khai thể hiện thái độ “vừa yêu vừa ghét” đối với giới kinh doanh, cam kết trong cương lĩnh tranh cử của mình rằng sẽ mang lại sức sống mới trong chính sách cạnh tranh. Và trên thực tế, sự thay đổi này đã và đang được triển khai.

Về lâu dài, ít nhất có hai lý do tất yếu khiến Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông tăng thuế đối với giới nhà giàu.

Thứ nhất là vấn đề tài chính: chính phủ cần tăng nguồn thu để trang trải cho những dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng như hệ thống đường sắt cao tốc HS2 nối lên phía Bắc.

Thứ hai là chính trị: chính phủ cần điều chỉnh các chính sách chi tiêu và thu thuế để phản ánh thực tế là giờ đây đảng Bảo thủ đã trở thành đảng của cả các thị trấn khai mỏ trước đây như Blyth cũng như các vùng giàu có như Buckingham.

Để củng cố những căn cứ chính trị mới giành được ở phía Bắc, đảng Bảo thủ dưới thời ông Johnson sẽ phải chi tiêu phóng tay hơn dưới thời ông David Cameron.

Thực tế này phản ánh một trong những nghịch lý căn bản của chính trị Anh hiện tại: ngay khi đảng Bảo thủ đã củng cố vững chắc quyền kiểm soát trên phạm vi cả nước - đảng này đã nắm quyền độc lập hoặc trong liên minh với đảng khác từ năm 2010 đến nay và nhiều khả năng sẽ tiếp tục lãnh đạo nước Anh đến ít nhất năm 2025 - thì chính trường Anh lại có xu hướng dần thiên tả hơn, ít nhất là trong vấn đề kinh tế.

Năm 2015, đảng Bảo thủ cười nhạo Ed Miliband “Đỏ” (cựu lãnh đạo Công đảng) vì đề xuất những biện pháp như quốc hữu hóa đường sắt và áp thuế dinh thự.

Vậy mà giờ đây, Chính phủ Anh đã quốc hữu hóa công ty đường sắt Northern Rail, và nhiều khả năng sẽ làm tương tự với các công ty đường sắt khác, đồng thời dự kiến sẽ tăng cường kiểm soát của nhà nước với toàn bộ mạng lưới đường sắt.

Việc chính phủ áp dụng các chính sách gần với ý tưởng của ông Ed Miliband đang gây lo ngại cho nhiều nghị sỹ của đảng này (nhất là những người đại diện cho các vùng giàu có) và cho các đảng viên Bảo thủ mang tư tưởng thiên hữu.

Nhóm Bruges trong đảng Bảo thủ đã tuyên bố “nếu muốn Công đảng thì chúng tôi đã bỏ phiếu cho Corbyn.”

Liên minh những người đóng thuế Anh đã cảnh báo chính phủ rằng cử tri muốn chính phủ giảm thuế và đóng vai trò can thiệp ít hơn trong điều hành kinh tế.

Truyền thông Anh đã đăng tải nhiều loạt bài cảnh báo thuế dinh thự có thể sẽ tác động cực kỳ nghiêm trọng đến những người sở hữu các điền trang. Sự phản đối nhiều khả năng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục