Chính phủ Brazil thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng"

Chính phủ Brazil sẽ cắt giảm 30% các khoản chi tiêu hành chính của 39 bộ và các cơ quan khác để tiết kiệm 703 triệu USD mỗi tháng. Khoản cắt giảm này không ảnh hưởng tới trợ cấp xã hội.
Chính phủ Brazil thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" ảnh 1Tổng thống Dilma Rousseff phát biểu tại lễ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 1/1/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/1, Chính phủ Brazil thông báo sẽ cắt 30% các khoản chi tiêu hành chính của toàn bộ 39 bộ và các cơ quan khác của chính phủ, cho phép tiết kiệm mỗi tháng 1,9 tỷ real (khoảng 703 triệu USD).

Các khoản cắt giảm liên quan tới chi phí thường lệ của các bộ, như chi phí cho đi lại, mua sắm và dịch vụ, nhưng không ảnh hưởng tới ngân sách chi trả lương bổng, trợ cấp y tế và hưu trí cũng như các khoản chi ưu tiên khác.

Mặc dù giáo dục là quốc sách hàng đầu trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Dilma Rousseff nhưng bắt đầu từ ngày 1/1 vừa qua, Bộ Giáo dục sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định trên vì là bộ có chi phí hành chính cao nhất.

Biện pháp trên sẽ có hiệu lực ít nhất tới khi Quốc hội thông qua luật ngân sách năm 2015. Trong trường hợp được triển khai trong cả năm, Chính phủ sẽ tiết kiệm khoảng 8,4 tỷ USD.

Trong một sắc lệnh được đăng trên Công báo, Chính phủ Brazil cho biết việc cắt giảm trên là cần thiết do triển vọng kinh tế không rõ ràng, trong khi Quốc hội đang trong kỳ nghỉ và tháng hai mới hoạt động trở lại.

Theo các nhà phân tích, động thái trên cho thấy quyết tâm của Brazil thực hiện những điều chỉnh tài chính nhằm đạt thặng dư ngân sách ban đầu (trước khi trả nợ) tương đương 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay, sau khi có nguy cơ lần đầu tiên bị thâm hụt trong năm 2014.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Brazil sẽ trình lên Quốc hội phê duyệt một số quy định khắt khe hơn liên quan tới bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp tiền lương…, cho phép tiết kiệm mỗi năm 18 tỷ real (tương đương 6,7 tỷ USD).

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Rousseff (2010-2014), kinh tế Brazil suy giảm mạnh trong bối cảnh quốc tế bất lợi.

Từ mức tăng GDP 7,5% năm 2010, theo Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC), năm ngoái mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới này ước đạt 0,2% và năm nay cũng chỉ tăng 1,3 %./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục