Chính phủ cần khắc phục yếu kém trong điều hành

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Chính phủ cần rút kinh nghiệm và có các giải pháp cụ thể khắc phục yếu kém trong điều hành.”
Sáng 6/8, tại phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp đã nhấn mạnh: “Chính phủ cần rút kinh nghiệm và có các giải pháp cụ thể khắc phục yếu kém trong điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý xã hội.”

Nâng cao năng lực điều hành kinh tế vĩ mô

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã nhất trí cao với Báo cáo Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Đại biểu Quốc hội thống nhất rằng, trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam, nhưng với việc triển khai đồng bộ, thống nhất các giải pháp và quyết liệt trong điều hành nên nền kinh tế xã hội những tháng gần đây đã có chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm và có các giải pháp cụ thể khắc phục yếu kém, hạn chế trong điều hành kinh tế vĩ mô và quản lý xã hội.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn tới các giải pháp nông dân, nông nghiệp nông thôn, về an sinh xã hội, phòng chống tội phạm và bảo vệ an ninh chủ quyền của Tổ quốc; đồng thời quyết liệt hơn nữa trong điều hành để thực hiện 8 nhóm giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Đề xuất một số giải pháp giúp Chính phủ nâng cao năng lực điều hành quản lý kinh tế vĩ mô, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh, lạm phát cao của Việt Nam là do sức đề kháng của nền kinh tế còn yếu, việc phát huy nội lực chưa cao khiến cho các giải pháp của Chính phủ đề ra chưa thể triển khai mạnh mẽ. Trong khi đó, với vai trò là “quả đấm thép” của nền kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa hoạt động thực sự hiệu quả do những hạn chế về cơ chế quản lý doanh nghiệp, cơ chế tiền lương tiền thưởng, chính sách thu hút nhân tài, kích thích tăng năng suất lao động và sáng tạo.

Hiện các doanh nghiệp vẫn theo cơ chế trả lương không dựa trên hiệu quả hoạt động mà vẫn căn cứ vào lợi thế vùng miền, ngành, lợi thế độc quyền. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để doanh nghiệp Nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Có như vậy, sức đề kháng của nền kinh tế mới được nâng lên.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn các giải pháp cụ thể giảm chi tiêu công, cải cách hành chính theo hướng tinh giản bộ máy và thủ tục, xóa bỏ dần các chi phí không chính thức, trong đó đặc biệt tập trung vào nâng cao đạo đức công vụ.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, dự báo lạm phát và tình hình kinh tế không chính xác nên công tác điều hành của Chính phủ bị hạn chế và thường đi sau. Hiện chỉ số giá tiêu dùng vẫn có xu hướng tăng mạnh trong khi các dấu hiệu suy giảm kinh tế đã bắt đầu xuất hiện. Chính sách điều hành cần tốt hơn. Vì vậy, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể hơn công tác điều hành kinh tế-xã hội và kiềm chế lạm phát, trong đó cần tập trung phân tích rõ nguyên nhân lạm phát cao nằm ở khâu điều hành hay chính sách. Vì vậy, trong Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội cuối năm 2011, Chính phủ cần có báo cáo đánh giá cụ thể thay vì các báo cáo chung chung như hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, Đại biểu Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho biết, chất lượng các dự báo kinh tế-xã hội của Việt Nam có vấn đề. Cơ chế lập kế hoạch vẫn mang dáng dấp của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nên chỉ có một phương án thay vì các phương án linh hoạt phù hợp với cơ chế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ, phức tạp. Chính vì vậy, chỉ trong chưa đầy 1 năm, Quốc hội đã phải 2 lần thông qua các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng như tăng trưởng GDP, lạm phát.

Đề cập đến giải pháp cắt giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát, các đại biểu kiến nghị Chính phủ ban hành các tiêu chí cụ thể và sát thực tế hơn nữa đối với các dự án cắt giảm vốn ngân sách. Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết, việc đình hoãn các dự án kém hiệu quả hoặc chưa cấp bách là cần thiết, nhưng các dự án công cộng đã thực hiện được 40-50% cần tiếp tục giải ngân để hoàn thành sớm bởi đình hoãn lại sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư. Đối với dự án đường giao thông, việc đình hoãn đầu tư còn có thể tăng thêm nạn giao thông, ô nhiễm, thậm chí công trình có thể bị lũ cuốn trôi, phá hủy… dẫn tới lãng phí đầu tư công.

Quan tâm nhiều hơn nữa tới vấn đề xã hội

Chính phủ không chỉ nên tập trung vào kinh tế mà cần chú trọng hơn vào vấn đề xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của người dân hiện nay, bởi đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự bất ổn xã hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết: Vấn đề Biển Đông đang “nóng” nhưng báo cáo của Chính phủ lại chưa đề cập đầy đủ để người dân hiểu rõ hơn, tin hơn vào các đối sách của Chính phủ. Sự cẩn trọng trong vấn đề phức tạp này là cần thiết nhưng việc thông tin các nội dung để người dân hiểu rõ tình hình cũng quan trọng không kém để các thế lực thù địch không thể lợi dụng tình hình gây rối, chống phá.

Cùng ý kiến với đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) chỉ rõ, việc thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đang khiến nông dân mất đất, nhiều người phải đi ra thành phố và đến các khu đào đãi vàng để kiếm sống. Trong khi đó, mặc dù Chính phủ đã điều chỉnh nhưng giá cả đền bù tại các khu công nghiệp vẫn quá thấp so với giá thị trường, khiến người dân khiếu kiện các cấp.

Vì vậy, để đảm bảo an sinh xã hội và tạo lập niềm tin của người dân, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm cho người dân mất đất sản xuất, quan tâm hơn tới nông dân, dành đất “bờ xôi ruộng mật” cho nông dân sinh sống. Cùng với chính sách tăng đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, Chính phủ cũng cần hiệu chỉnh chính sách tư liệu sản xuất, định canh định cư và phân bổ các nguồn lực hỗ trợ người nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại kỳ họp này, 43 đại biểu đã phát biểu ý kiến trên tổng số 54 ý kiến đăng ký đóng góp về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, cũng như các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2011.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo đoàn Thư ký tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận của đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường để gửi đến Chính phủ và cơ quan hữu quan. Quốc hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, địa phương để giám sát việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2011.

Chiều 6/8, Quốc hội họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục